Để du lịch biển, đảo Nam Bộ bứt phá:* Bài 2: Phát huy giá trị văn hóa biển đảo

Vùng biển Nam Bộ không chỉ có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú mà còn là nơi sở hữu nhiều giá trị văn hóa biển, đảo đa sắc màu của các tộc người trong cộng đồng cư dân ven biển và các đảo.

* Nhiều nét văn hóa đặc sắc

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn - TTXVN

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam tại thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn - TTXVN

Mỗi địa phương có biển, đảo ở Nam Bộ đều là nơi hình thành, lưu giữ nhiều nét văn hóa gắn với lịch sử, đời sống của cư dân địa phương. Đó là các giá trị văn hóa tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật, lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, các ngư cụ, cách thức sử dụng ngư cụ và phương pháp đánh bắt thủy sản, những làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực vùng biển. Đây được xem là những tài nguyên du lịch nhân văn rất độc đáo để các địa phương xây dựng, khai thác thành các sản phẩm du lịch đậm nét văn hóa bản địa.

Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, một trong những nét văn hóa đặc sắc là vùng biển, đảo nước ta có các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh rất đa dạng, phong phú, vừa mang đậm hơi thở của biển, vừa gắn bó chặt chẽ với chiếc nôi văn hóa trên đất liền, là minh chứng cho công lao to lớn của các thế hệ đi trước.

Ở Nam Bộ, nhiều lễ hội dân gian của cư dân vùng biển đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu biểu như Lễ hội nghinh Ông tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Lễ hội nghinh Ông đình Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Lễ hội cúng biển Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) hay Lễ hội nghinh Ông ở huyện Kiên Hải (Kiên Giang)...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Lễ hội nghinh Ông tại đình Thắng Tam được các thế hệ ngư dân và cộng đồng dân cư duy trì từ hơn 100 năm nay, với nhiều nghi thức mang đậm nét đặc trưng văn hóa miền biển. Với tâm thức tri ân cá Ông (cá voi), vị ân nhân lúc tàu, thuyền của ngư dân gặp nạn trên biển, Lễ hội diễn ra từ ngày 16-18/8 âm lịch hằng năm, gồm hai phần phần lễ và hội. Phần lễ có lễ rước, cúng giỗ, lễ thỉnh sắc thần, cúng tế. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian tái hiện các hoạt động của ngư dân như thi câu cá, đan lưới, kéo co, thi đấu cờ ca rô trên cát, mang đậm nét văn hóa cư dân vùng biển.

Bên cạnh các lễ hội, cư dân ven biển hay các đảo ở các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long còn có nhiều làng nghề, nghề truyền thống gắn với nét văn hóa, tập quán sản xuất lâu đời. Nhiều nghề, làng nghề trong số đó đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm nước mắm Phú Quốc, nghề làm muối ở Bạc Liêu.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Nghề làm muối tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), các xã Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải), phản ánh một phần lịch sử khai phá vùng đất Bạc Liêu trong tiến trình cha ông đi mở đất phương Nam, công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Hạt muối Bạc Liêu xưa thường được gọi là muối Ba Thắc (từ cổ chỉ vùng đất Nam sông Hậu). Ngày nay, muối Bạc Liêu vẫn giữ được nét riêng là hạt muối mặn nhưng không chát đắng mà lại có vị "ngọt hậu". Các diêm dân lý giải, hạt muối Bạc Liêu có hương vị đặc biệt như vậy là do đặc thù điều kiện tự nhiên của vùng đất, vùng biển Bạc Liêu tạo nên.

* Khám phá những giá trị khác biệt

Một góc thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Một góc thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Thanh Trà/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-du-lich-bien-dao-nam-bo-but-pha-bai-2-phat-huy-gia-tri-van-hoa-bien-dao/297757.html