Để du lịch đô thị bứt phá - Bài 1: Điểm đến phổ biến trong các hành trình
Trên bản đồ du lịch nước ta có nhiều điểm đến là các đô thị - nơi có hệ sinh thái sôi động về văn hóa, thương mại và cộng đồng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng, hài hòa giữa khai thác và bảo tồn các giá trị của đô thị, nhất là đô thị có cảnh quan môi trường thiên nhiên nổi bật, di sản văn hóa là vấn đề được quan tâm. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh nội dung này qua hai bài viết chủ đề: Để du lịch đô thị bứt phá.
Bài 1: Điểm đến phổ biến trong các hành trình du lịch
Hiện nay, nhiều đô thị với nhịp sống sôi động, những công trình kiến trúc cổ và cả công trình hiện đại, cảnh quan môi trường đặc sắc, nét văn hóa thể hiện các chặng đường phát triển trở thành một điểm đến phổ biến trong hành trình của khách du lịch.
Thu hút lượng lớn du khách
Nói về đô thị du lịch, nhiều chuyên gia khẳng định, cùng với điểm đến vùng nông thôn với những sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, tại nhiều đô thị, các sản phẩm du lịch văn hóa, mua sắm, du lịch gắn sự kiện, du lịch gắn y tế, du lịch thể thao... thu hút lượng lớn du khách. Từ đó, kéo theo sự phát triển hàng loạt ngành nghề khác tại khu vực đô thị như, dịch vụ phụ trợ, kinh doanh, vận tải, góp phần phát triển kinh tế toàn diện.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, hiện Việt Nam có khảng 900 đô thị. Nhiều đô thị có cảnh quan thiên nhiên nổi bật, bản sắc văn hóa đặc trưng, các công trình kiến trúc hiện đại hoặc di tích gắn với lịch sử hình thành, phát triển đang hấp dẫn du khách. Du lịch tại các đô thị chiếm tỷ lệ lớn về quy mô và tổng thu từ du lịch của Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Đây là một trong số ít các địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất. Năm 2023, với 40 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 160.000 tỷ đồng, Thành phố tiếp tục là đơn vị dẫn đầu về tỷ lệ khách, doanh thu, đóng góp vào kết quả chung của du lịch Việt Nam.
Điểm nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có nét văn hóa lịch sử mang tính đặc trưng qua hơn 300 năm xây dựng, phát triển. Là đô thị nhưng Thành phố vừa có biển, vừa có rừng, hệ thống sông, rạch từ nội thành ra đến biển. Thành phố có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ gắn với định hướng phát triển đô thị du lịch sinh thái biển, du lịch sinh thái sông nước dọc theo sông Sài Gòn đến tới địa đạo Củ Chi, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch văn hóa…
Cùng ở Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với thành phố du lịch biển Vũng Tàu có vị trí địa lý và vai trò đặc biệt quan trọng, một cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các nước khu vực, thế giới. Đô thị này có bãi biển trong xanh, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình kiến trúc tâm linh, thu hút du khách.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, mỗi năm, thành phố du lịch Vũng Tàu đón khoảng 6 triệu lượt khách. Trong đợt cao điểm du lịch Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Vũng Tàu đón hơn 330.000 lượt khách, tăng trên 21% so cùng kỳ năm trước. Các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ như lưu trú, ăn uống, tắm biển, vui chơi giải trí, điểm cà phê thu hút du khách sử dụng dịch vụ, công suất phòng đạt khoảng 85-90%.
Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị Phú Quốc - thành phố được mệnh danh là “Đảo Ngọc” thực sự là “thỏi nam châm” thu hút du khách. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Phú Quốc đón trên 191.000 lượt khách, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Định vị thương hiệu
Theo Phó Giáo sư Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên Chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, xác lập chỗ đứng của đô thị trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” có thể nhìn nhận theo không gian của từng đô thị. Đô thị bao gồm khu vực nội thành (không gian lõi), nơi chứa đựng những giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, nếp sống cư dân thị thành. Còn khu vực ngoại thành là nơi có tiềm năng tài nguyên đa dạng hơn, phát triển nhiều loại hình du lịch truyền thống như, du lịch thiên nhiên, du lịch dã ngoại, du lịch thể thao, du lịch làng nghề, du lịch trang trại, du lịch vui chơi giải trí, thậm chí có những loại tài nguyên du lịch tương đồng với vùng nông thôn.
Phát triển hài hòa, từng bước khai thác các tài nguyên du lịch ở cả khu vực nội và ngoại thành, nhiều đô thị định vị được vị trí, thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam, quốc tế.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, tại Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards 2023, Thành phố được vinh danh là “Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á 2023”.
Khẳng định tính đa dạng, đặc sắc trong sản phẩm du lịch của mình, thành phố tổ chức bình chọn, công bố chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị”, giới thiệu loạt điểm đến ở cả ku vực nội và ngoại thành, sản phẩm du lịch văn hóa, mua sắm, giải trí, sinh thái, sự kiện du lịch, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, đặc sản ẩm thực, những khám phá đặc sắc và nổi bật, tạo thuận lợi để du khách đến, trải nghiệm không chỉ một lần.
Du khách Timothee Sanchez, đến từ Pháp cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị là những gợi ý vô cùng hấp dẫn để du khách đến, trải nghiệm và cảm nhận về đô thị sôi động, nhiều màu sắc. Anh rất hào hứng trong chuyến du lịch Việt Nam 7 ngày, trong đó, có 3 ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh tham quan nhiều điểm đến như Dinh Độc Lập, công trình kiến trúc nghệ thuật Trụ sở Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố, Khu du lịch sinh thái Vàm Sác (Cần Giờ), ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, thưởng thức cơm tấm, bánh mì, hủ tiếu, cà phê sữa đá... Timothee Sanchez cho biết sẽ thu xếp một chuyến du lịch dài ngày hơn để trở lại, khám phá Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố, vùng nông thôn của đất nước Việt Nam.
Cùng ở Đông Nam Bộ, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang được định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Thành phố có số giờ nắng cao trong năm, nhiệt độ ổn định, không có mùa đông, nhiều bãi biển đẹp, cát trắng mịn trải dài là những bãi tắm lý tưởng cho du khách như bãi Thùy Vân (bãi Sau), bãi Tầm Dương (bãi Trước), bãi Dứa, bãi Dâu. Không những thế, đóng góp vào sản phẩm du lịch, tạo dựng thương hiệu cho du lịch đô thị biển Vũng Tàu còn có các điểm đến như, di tích lịch sử văn hóa Bạch Dinh, di tích trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi trên Núi Lớn, khu du lịch Đình Thắng Tam (đình Thắng Tam, lăng Cá Ông, miếu Bà) .
Giữ vững định thương hiệu của điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, tháng 1/2024, lần thứ ba liên tiếp thành phố Vũng Tàu được vinh danh “Thành phố du lịch sạch ASEAN” (trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN).
Tương tự, ở Tây Nam Bộ, thương hiệu điểm đến Phú Quốc liên tiếp được ghi nhận, bình chọn của nhiều tổ chức, cơ quan truyền thông uy tín trong nước và quốc tế. Năm 2023, “đảo Ngọc” lần thứ 2 được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới”.
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, với hệ thống các khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm hơn 24.000 phòng, trong đó, có 26 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3- 5 sao, du lịch Phú Quốc đảm bảo phục vụ nhiều phân khúc du khách. Du lịch Phú Quốc liên tục giới thiệu sản phẩm mới tới du khách. Mới đây, các chương trình biểu diễn mang tên “Nụ hôn của biển cả”, chợ đêm bên biển “Vui - Fest Bazaar”, điểm đến công viên ánh sáng, rừng băng tuyết đang mang tới nhiều trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho du khách khi đến thị trấn Hoàng Hôn, thành phố biển đảo Phú Quốc.