Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn

Khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực để thúc đẩy các ngành khác phát triển theo, thì phải có sự đầu tư thích đáng...

 Ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Xung quanh vấn đề làm thế nào để phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành kinh tế mũi nhọn, TBKTVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Dưới góc nhìn của cơ quan chuyên trách của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam thời gian gần đây?

Cùng với sự phát triển của du lịch thế giới và khu vực, du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng trong thời gian qua. Những chỉ tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, đặc biệt chỉ tiêu về số lượng khách quốc tế cơ bản hoàn thành và đã vượt vào năm 2017.

Tăng trưởng du lịch tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, tới nhiều ngành khác, có đóng góp lớn để tăng trưởng chung của đất nước vượt mức Quốc hội đề ra. Diện mạo, đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân ở các địa phương du lịch phát triển được cải thiện rõ rệt.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước, với kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân. Khi nào du lịch Việt Nam bằng du lịch Thái Lan, Malaysia, Singapore vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục.

Trong báo cáo, thống kê liên tục mấy năm qua chỉ nêu % tăng trưởng của nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nhưng lại không nêu % tăng trưởng, đóng góp của du lịch cho GDP mà lại đưa ra % tăng của khách quốc tế? Do vậy, có ý kiến cho rằng, phải chăng chúng ta chú trọng tới phát triển số lượng khách quốc tế hơn tới chất lượng, tới đóng góp của du lịch cho GDP, cho kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng đột biến về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần 30% trong năm 2016 và 2017 là nhất thời, có phần do nguyên nhân khách quan. Con số 30%, thậm chí 20% hay 10% sẽ không lặp lại trong năm nay và những năm tiếp nếu chúng ta "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" rơi vào bẫy "tăng trưởng khách" .

Vậy, đâu là những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam chưa phát triển được đúng với tiềm năng, thế mạnh, thưa ông?

Nguyên nhân đầu tiên là nhận thức của một số bộ, ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao.

Các cơ chế, chính sách phát triển du lịch chất lượng, hiệu quả chưa cao, thiếu tính kịp thời và đột phá để du lịch phát triển theo đúng bản chất của một ngành kinh tế. Việc xây dựng các chiến lược, đề án, quy hoạch du lịch chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tính dự báo và thời gian.

Nguyên nhân tiếp theo là hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch còn những hạn chế. Du lịch chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí cần có tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn của nó.

Sự phối hợp liên vùng, liên ngành hiệu quả còn thấp so với yêu cầu thúc đẩy phát triển du lịch. Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch ở Trung ương và một số địa phương hoạt động chưa có hiệu quả cao, chưa phát huy được hết vai trò nhạc trưởng của mình...

Sản phẩm du lịch thiếu phong phú và đa dạng cũng là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam chưa thực sự phát triển. Ngành du lịch hiện chủ yếu khai thác những cái sẵn có trong thiên nhiên và cộng đồng, thiếu sản phẩm nổi trội khác biệt và chất lượng. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cũng như công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, bất cập cần khắc phục.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp trên 10% GDP vào năm 2020. Theo ông, cần phải có những giải pháp như thế nào?

Du lịch là ngành kinh tế sáng tạo, sức mạnh của du lịch nằm ở địa phương và doanh nghiệp, cần phát huy tính chủ động sáng tạo, phân cấp trao quyền mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp và địa phương, không nên nghĩ rằng dư địa để phát triển du lịch vẫn rất lớn, không cần đầu tư thì du lịch Việt Nam vẫn phát triển.

Khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực để thúc đẩy các ngành khác phát triển theo, thì phải có sự đầu tư thích đáng. Trong bối cảnh như vậy, vai trò của Chính phủ rất quan trọng.

Nếu Chính phủ không có cơ chế đặc thù, có chính sách đột phá và đầu tư thích đáng cho du lịch, cũng như cán bộ ngành du lịch không có nỗ lực và quyết tâm ngay trong năm 2019 thì chỉ tiêu du lịch đóng góp trên 10% GDP và cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn và giữ vai trò động lực cho các ngành kinh tế khác sẽ khó thực hiện vào năm 2020.

Thanh Hải

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/de-du-lich-thuc-su-la-nganh-kinh-te-mui-nhon-20190926092434985.htm