Để đựng sách vở, tại sao ba lô của học sinh Nhật Bản có giá lên đến hàng chục triệu đồng?
Thực tế, những chiếc ba lô này được học sinh xứ mặt trời không chỉ với mục đích đựng sách vở. Chính quyền Nhật Bản còn quy định học sinh trong 6 năm tiểu học bắt buộc phải dùng loại ba lô này.
Hình ảnh những trẻ em tiểu học đeo trên vai chiếc balo hình dáng vuông vắn đã trở nên phổ biến ở khắp đường phố Nhật Bản. Không chỉ dừng lại là vật dụng đựng sách vở, chiếc cặp này còn mang lại nhiều ứng dụng hữu ích cho người sử dụng.
Đó cũng là lý do loại cặp sách đặc biệt, Randoseru được chính quyền Nhật Bản quy định học sinh trong 6 năm học tiểu học bắt buộc phải dùng. Không chỉ là quy định, chiếc cặp này còn mang biểu tượng là món quà tinh thần. Theo đó trước khi một đứa trẻ bắt đầu bước vào tiểu học, ông bà, cha mẹ sẽ mua tặng con cháu mình một chiếc cặp Randoseru như món quà may mắn, biểu tượng của thành công.
Randoseru xuất phát từ tiếng Hà Lan là "ransel", một loại ba lô quân sự. Dưới thời Edo một làn sóng cải cách quân sự theo kiểu phương Tây trong quân đội Nhật xuất hiện. Bắt đầu từ đây, những chiếc ba lô kiểu Tây được người lính Nhật ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.
Thời kỳ Minh Trị, những chiếc ba lô này bắt đầu được sử dụng làm cặp của học sinh. Gakushuin ở Tokyo, Nhật Bản là trường đầu tiên sử dụng những mẫu ba lô này. Sau đó, một chiếc ba lô rất giống với mẫu Randoseru ngày nay đã ra đời. Chiếc ba lô đã được cựu thủ tướng Nhật Bản Ito Hirobumi tặng cho Thiên hoàng Taisho khi Thiên hoàng đi học tại trường Gakushuin. Theo thời gian, những chiếc ba lô randoseru dần trở nên phổ biến và được học sinh Nhật Bản yêu thích.
Randoseru là loại ba lô có mặt cứng được làm bằng da khâu chắc chắn hoặc vật liệt tổng hợp giống như da. Những chiếc ba lô này có chất lượng bền, tốt và được sử dụng cho các em trong suốt 6 năm tiểu học từ lớp 1 đến lớp 6.
Chiếc ba lô này được trẻ em ở các trường tiểu học ở Nhật yêu thích vì chức năng của nó. Ngoài đựng sách vở, những chiếc ba lô Randoserucòn có vai trò như một tấm đệm nếu trẻ em bị ngã và tiếp đất từ phía sau lưng. Ngoài ra khi xảy ra động đất, ba lô có thể bảo vệ trẻ khỏi các đồ vật rơi từ phía trên xuống, nhằm giảm va đập.
Trẻ em bậc tiểu học tại các trường công lập đều phải đi bộ ngay trong cả ngày mưa. Loại ba lô này có khả năng chống nước và chống thấm giúp sách vở luôn khô ráo.
Điều đặc biệt của chiếc cặp này chính là khả năng chống gù lưng nhờ thiết kế phần dây và lưng cặp. Cả dây đeo và phần tiếp xúc trực tiếp với lưng trẻ đều chắc chắn nhưng thông thoáng và mềm mại để tránh gây tổn hại đến cột sống trẻ, giúp trẻ tránh bị gù lưng. Dây đeo là dây ba lô dạng 3D giúp giảm sức nặng của đồ trên vai trẻ, tránh bị chảy xệ vai và tấm đệm phần lưng giúp trẻ không bị gù.
Có tính ứng dụng cao, lại xuất hiện trong các bộ phim hoạt hình truyện tranh nổi tiếng của Nhật, những năm gần đây Randoseru được nhiều phụ huynh quốc tế chú ý. Loại balo này cũng được biết đến nhiều hơn sau khi một biểu tượng thời trang người Mỹ, diễn viên Zooey Deschanel đeo chiếc Randoseru màu đỏ xuất hiện trên đường phố New York. Ở Việt Nam, loại ba lô này có tên gọi quen thuộc là "cặp chống gù".
Những năm gần đây, màu sắc và kiểu dáng của loại balo này đã có sự đa dạng hơn nhiều. Ngày càng nhiều chiếc Randoseru sang chảnh được những fashionista sử dụng để lăng xê.
Giá của những chiếc ba lô này không hề rẻ, ngay cả các gia đình ở Nhật Bản thì việc mua một chiếc cặp này cho trẻ cũng cần một khoảng kha khá, thấp nhất khoảng 80 USD (khoảng 1,9 triệu đồng). Đối với những chiếc ba lô bằng da mà phần lớn các bậc cha mẹ Nhật Bản mua cho con đều dao động khoảng 300-900 USD (khoảng 7-21 triệu đồng) thậm chí có thể đắt hơn. Tất cả tùy thuộc vào chất liệu và sản phẩm đó có được sản xuất tại Nhật Bản hay không.
Hiện nay một số công ty sản xuất balo Randoseru dành cho người lớn với mức giá lên đến 1.200 USD (khoảng 28 triệu đồng).
Nguồn: Living In Japan