Để ESG không còn xa tầm với của doanh nghiệp
Tuân thủ, thông tin và tài chính là ba yếu tố cần thiết để tích hợp các tiêu chí phát triển bền vững theo chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào hoạt động của doanh nghiệp.
Thực hành ESG – những ‘ngọn núi’ phải leo
Môi trường – xã hội – quản trị (ESG) là bộ ba tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây là bộ tiêu chuẩn đo lường định hướng, hoạt động của một doanh nghiệp ở các phương diện môi trường, xã hội và quản trị, sẽ giữ vai trò quan trọng, đảm bảo trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng, Chủ tịch Hội thành viên độc lập Hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) cho biết ESG hiện không chỉ là dành cho ngành thời trang, mà đã trở thành tiêu chuẩn có tính chất rào cản bắt buộc để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường phát triển. Theo đó, việc áp dụng ESG vào bộ máy doanh nghiệp là cần thiết để có thể nâng cao uy tín doanh nghiệp, chấp hành quy định, quản lý rủi ro và nắm bắt cơ hội khai thác thị trường mới.
Việc có thể thực hành ESG chuẩn chỉnh hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ với hầu hết các nhà đầu tư và thương hiệu.
Còn qua góc nhìn từ các cổ đông, báo cáo ESG cũng sẽ tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy, đồng thời chứng minh khả năng tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Chính điều này sẽ giúp doanh nghiệp hòa nhập với xu hướng toàn cầu. Cùng với việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh và huy động vốn, từ đó doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa lượng tài nguyên nhận được để phát triển theo hướng có lợi nhất.
Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp đã đưa ESG vào chiến lược dài hạn.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), lãnh đạo PNJ cho biết doanh nghiệp đã có tiểu ban ESG trong HĐQT và dành khoảng 10 tỉ đồng để triển khai các dự án mang tính chiến lược về ESG trong năm 2024.
Chiến lược ESG của PNJ được tích hợp vào cùng chiến lược phát triển tổng thể. Mọi chiến lược điều hành vĩ mô, sáng kiến, sản xuất – kinh doanh, hoạt động xã hội của PNJ đều lấy ESG là kim chỉ nam.
“PNJ đang xây dựng các hoạt động ESG để tăng thêm giá trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu của PNJ đã đạt gần 500 triệu USD, mục tiêu tương lai là đạt 1 tỷ USD”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ nói và cho biết phát triển bền vững không chỉ là xu hướng, mà ngày càng cần thiết hơn trong môi trường thế giới nhiều bất ổn.
Tương tự, việc nghiên cứu và xây dựng chiến lược về phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG cũng là một trong các mục tiêu mà Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đề ra trong giai đoạn 2024-2029. Việc thực hành ESG, theo lãnh đạo PIJICO, không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh doanh an toàn – bền vững – hiệu quả, chuyển đổi số toàn diện, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Nhưng bên cạnh ba đơn vị trên, tính sẵn sàng trong thực hành phát triển bền vững của phần lớn doanh nghiệp còn rất hạn chế.
TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn thuộc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết chỉ 20% trong số 400 doanh nghiệp được đơn vị này khảo sát nắm được thông tin về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững vào năm 2022.
Tháng 12-2023, đơn vị này tiếp tục tiến hành khảo sát 2.730 doanh nghiệp liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, thì chỉ có khoảng 64% doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được vấn đề, nhưng chưa có sự chuẩn bị gì.
Với bối cảnh trên, ông Minh cho rằng để doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất – kinh doanh thông thường sang mô hình theo hướng xanh, phát triển bền vững thì còn nhiều việc phải làm, không chỉ dừng lại ở việc cập nhật, bổ sung, ban hành thể chế chính sách. Theo đó, bản thân doanh nghiệp đáp ứng được ba “chữ T”.
Thứ nhất, tâm thế của người chủ doanh nghiệp. Theo đó, họ phải sẵn sàng trước những yêu cầu đang dần trở thành bắt buộc.
Thứ hai là thông tin. Cụ thể, doanh nghiệp phải nắm bắt được những thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát triển bền vững, chẳng hạn như thể chế, pháp lý ràng buộc.
Thứ ba là tài chính, vì chuyển đổi sang phát triển bền vững có thể yêu cầu chi phí cao, đòi hỏi doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn tài chính dồi dào.
“Với doanh nghiệp nhỏ, việc bắt đầu đúng ngay từ đầu rất quan trọng. Chúng ta phải tư duy toàn cầu nhưng hành động địa phương. Yếu tố xã hội đòi hỏi rất nhiều yếu tố đặc thù, đòi hỏi vô cùng tinh tế”, ông Minh nói tại tọa đàm “Net Zero – Cam kết và hành động vì tương lai bền vững” chiều 22-5.
Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty nhựa tái chế Duy Tân cho biết quỹ thời gian dành cho việc chuyển đổi sang phát triển bền vững là rất lớn. Cụ thể, doanh nghiệp phải bắt đầu nghiên cứu máy móc, dây chuyền từ năm 2016 – trước khi xây dựng nhà máy tái chế rác thải vào năm 2019.
Máy móc bên trong nhà máy chủ yếu được nhập khẩu từ Áo, là dây chuyền hiện đại thuộc loại hàng đầu thế giới hiện nay.
“Dây chuyền sẽ mang lại một vòng đời mới cho chai nhựa qua qua sử dụng. Bây giờ không còn dùng từ tái chế nữa mà thay vào đó là tái sinh chai nhựa”, ông Lê Anh lưu ý.
Để doanh nghiệp không bỏ lỡ ‘chuyến tàu’ ESG
Trong bối cảnh ESG dần trở thành yêu cầu bắt buộc, mang tính quyết định với sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ông Bùi Thanh Minh nhấn mạnh việc phải có những chương trình hội thảo để doanh nghiệp nắm được thông tin, từ đó xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh, nhất là khi nhiều quốc gia, đơn vị yêu cầu định lượng ESG.
Ông Lê Anh cũng thừa nhận việc kiểm kê khí nhà kính, phát thải carbon… được nhiều đơn vị quan tâm. Bản thân Nhựa Tái chế Duy Tân – với vai trò một đơn vị thực hiện các động tác về môi trường – cũng được đặc biệt quan tâm tại các báo cáo về ESG. Do đó, doanh nghiệp đã liên hệ với các đơn vị tư vấn để đo lường, lượng hóa… các đóng góp vào môi trường.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh một trong những yếu tố doanh nghiệp cần nắm bắt là nguyên tắc “khi chúng ta giảm phát thải, giảm rác thải và suy giảm đa dạng sinh học thì thế giới tập trung vào việc gia tăng không chỉ những gì chúng ta đang có”.
Chẳng hạn, 43% rừng thì không phải 43% rừng tạo ra tín chỉ carbon, mà cải tạo hấp thụ carbon sẽ tạo ra tín chỉ carbon. Tương tự, với lĩnh vực năng lượng, nếu giảm phát thải trong lĩnh vực này thì sẽ tạo ra tín chỉ carbon.
Còn với tài chính khí hậu, tài chính xanh thì việc giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính sẽ được hỗ trợ.
“Để được hỗ trợ thì chúng ta phải làm từ tiền dự án cho đến khi triển khai, kết thúc dự án. Nếu chúng ta cẩn thận kiểm kê thì chúng ta có thể bán được tín chỉ carbon, từ đó cải thiện đời sống người lao động, dân cư”, ông Thọ nói.
Về phía đơn vị tài trợ vốn, Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc chiến lược của OCB cho biết tất cả các bộ, ban, ngành, Chính phủ đã đề ra chủ trương và chiến lược, tiêu chí, mục tiêu rất rõ ràng để đạt được mục tiêu ngắn – trung – dài hạn khi thực hiện chiến lược phát triển vền vững.
Tuy nhiên, đây chỉ góc độ để biết và hiểu. Còn để thực thi và cách thức thực thi thì cần sự hỗ trợ nhiều hơn trong vấn đề khung hướng dẫn ESG.
“Điều đó tạo hệ quả ngay trong câu chuyện một doanh nghiệp muốn vay vốn xanh thì họ sẽ thể hiện tinh thần và hiệu quả như thế nào với tổ chức tín dụng”, ông Tùng lưu ý.
Về phía ngân hàng, vị này cho biết các nhà tài trợ vốn sẽ tiếp cận các dự án, khách hàng qua yếu tố ứng xử. Theo đó, các khoản vay vốn cho dự án xanh không khác so với khoản vay dự án thông thường.
“Sản phẩm của doanh nghiệp giải quyết vấn đề gì cho khách hàng, các yếu tố quản trị rủi ro của doanh nghiệp trong quản trị rủi ro môi trường… sẽ được chúng tôi xem xét trọng yếu hơn”, ông Tùng nói.
Bên cạnh những yếu tố trên, một yếu tố quan trọng để ra quyết định cho vay là hiệu quả của dự án. Có nhiều dự án xanh và hướng đến phát triển bền vững ở điểm yếu là việc bao giờ dự án đạt hiệu quả.
Để vay vốn từ ngân hàng, vị này cho rằng doanh nghiệp cũng phải có mức độ hiệu quả về tài chính nhất định ngay trong ngắn hạn, bên cạnh các hiệu quả phi tài chính.
“Doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay vốn xanh của ngân hàng phải có kế hoạch cụ thể, cần xây dựng và thiết kế ngay trong giai đoạn đầu tiên. Ví dụ, như dự án bất động sản, ngay trong giai đoạn thiết kế, chuẩn bị phương án đấu thầu, triển khai… đã phải có các bài toán về việc thực hành ESG vào từng khâu ra sao. Điều đó mới khiến dự án có hiệu quả trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn”, ông Tùng lưu ý.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-esg-khong-con-xa-tam-voi-cua-doanh-nghiep/