Để gạo sạch Hải Lăng có chỗ đứng trên thị trường

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn với diện tích 18 ha với sự tham gia của 8 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Hải Lăng đã triển khai qua hai vụ đông xuân 2018 - 2019 và hè thu 2019. Quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm gạo đảm bảo, tuy nhiên hiện nay việc tiêu thụ chậm, đặc biệt đối với các mô hình chọn canh tác giống lúa AID 168 gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiếp cận thị trường.

 Gạo sạch Hải Lăng được bày bán tại các gian hàng sản phẩm đặc trưng huyện Hải Lăng

Gạo sạch Hải Lăng được bày bán tại các gian hàng sản phẩm đặc trưng huyện Hải Lăng

Vụ đông xuân 2018 - 2019, cùng với các HTX như Đại An Khê (Hải Thượng), Diên Khánh (Hải Dương), Hưng Nhơn (Hải Hòa), Phước Điền (Hải Thành), Văn Quỹ (Hải Tân), Kim Long (Hải Quế), Hà Lộc (Hải Sơn), HTX Lam Thủy xã Hải Vĩnh triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn với giống lúa ADI 169 trên diện tích 2 ha, 18 hộ tham gia. Sản lượng vụ đông xuân 2018 - 2019 thu hoạch được khoảng 6,5 tấn. Sau khi tiến hành thu mua của các hộ dân thực hiện mô hình, HTX đem lúa xay được khoảng một tấn gạo để đóng gói bao bì thành phẩm mang thương hiệu gạo sạch Hải Lăng, tuy nhiên đến nay mới chỉ bán được một tạ gạo trong số đó. Quá sốt ruột với tình trạng tiêu thụ gạo chậm, Ban Giám đốc HTX Lam Thủy quyết định bán lúa với giá thành thấp hơn giá thu mua.

Giám đốc HTX Lam Thủy Nguyễn Đăng Hiển cho biết: “HTX đứng ra thu mua lúa sạch cho dân với giá 8.500 đồng/kg, nhưng đành phải bán lại với giá lúa thường là 6.000 đồng/kg, sản lượng vụ đông xuân được 6,5 tấn lúa thì chúng tôi phải bán 5 tấn lúa theo giá lúa thường, lỗ 12,5 triệu đồng. Bây giờ người dân đã thu hoạch xong lúa hè thu nhưng HTX chưa dám thu về, hiện vẫn đang gửi trong dân”. Cũng theo ông Hiển, thời gian qua HTX đã nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, giới thiệu quảng bá ở các hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, trong các đợt gặp mặt con em quê hương làm ăn xa quê để có thể tìm hướng tiêu thụ gạo sạch ra các tỉnh, gửi sản phẩm đi chào hàng ở Hà Nội, Đà Nẵng…. HTX thậm chí chấp nhận bán gạo với giá thấp hơn mức giá chung của Liên hợp tác xã nông sản an toàn Hải Lăng quy định đối với các đơn vị tham gia mô hình, tuy nhiên việc tiêu thụ gạo vẫn gần như dẫm chân tại chỗ.

Đối với HTX Đại An Khê, Giám đốc HTX Nguyễn Trung Trực cho biết, sản lượng vụ đông xuân 2018 - 2019 thu được hơn 7 tấn thì đến nay HTX đã tiêu thụ hơn 6 tấn thông qua kênh bán lẻ và tìm thị trường phân phối số lượng sỉ ở Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Giá bán sỉ là 20.000 đồng/kg, bán lẻ 25.000 đồng/kg, hiện còn hơn 1 tấn gạo của vụ đông xuân, HTX Đại An Khê đang tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ để chuẩn bị tiêu thụ lúa vụ hè thu 2019. Ông Trực cũng thừa nhận, so với 4 HTX triển khai sản xuất giống lúa Lộc Trời, các HTX còn lại sản xuất giống ADI 168 thì việc tiêu thụ gạo chậm hơn. Để khắc phục khó khăn, HTX vừa tiến hành thu mua lúa của người dân, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh các kênh bán lẻ và đặc biệt thực hiện phương châm có khách mua chừng nào xay lúa chừng đó để hạn chế giảm chất lượng gạo.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn đòi hỏi người dân trong quá trình canh tác không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm cỏ bằng tay và bỏ nhiều công chăm sóc hơn so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, sản phẩm gạo sạch Hải Lăng vẫn đang trong quá trình tiếp cận thị trường nên chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi để sử dụng. Vụ đông xuân 2017 - 2018, có 8 HTX liên kết triển khai mô hình trên diện tích 18 ha và tiếp tục thực hiện đối với vụ hè thu 2019. Giám đốc Liên hiệp HTX nông sản an toàn Hải Lăng Nguyễn Hữu Phước cho biết, vụ hè thu vừa qua các HTX thu hoạch khoảng 40 tấn lúa và hiện đang nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Giống lúa ADI 168 là giống lúa thuần chất lượng cao, gạo trắng, cơm dẻo, dai, ăn có vị ngọt, tuy nhiên các HTX triển khai giống lúa này đang gặp khó trong việc bán ra thị trường. Nguyên nhân có thể do người tiêu dùng chưa quen với các giống lúa mới. “Phương pháp canh tác lúa theo hướng hữu cơ an toàn này được các doanh nghiệp ở các tỉnh rất quan tâm khi chúng tôi đi tiếp cận giới thiệu sản phẩm. Thời gian qua Liên hiệp HTX cũng đã nhận được nhiều đề nghị từ các đối tác đặt hàng sản xuất các giống lúa như Bồ Đề 688 X2, giống lúa tím than, lúa thơm RVT canh tác theo hướng hữu cơ với sản lượng bao tiêu sản phẩm lên đến cả trăm tấn, chúng tôi đang nghiên cứu hướng sản xuất này. Trước mắt vụ đông xuân 2019 - 2020, Liên hiệp HTX sẽ có sự bàn bạc giữa các thành viên, lựa chọn giống lúa phù hợp với thị hiếu khách hàng để canh tác, rút kinh nghiệm từ các vụ trước nhằm tránh tình trạng lúa làm ra tiêu thụ chậm”, ông Phước chia sẻ thêm.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Sản phẩm gạo canh tác theo hướng hữu cơ của Hải Lăng đã được cấp chứng nhận mã số mã vạch in trên bao bì, có đủ điều kiện để có thể đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị. Tại các gian hàng sản phẩm đặc trưng huyện Hải Lăng ở địa bàn các xã, thị trấn của huyện hiện bình quân mỗi tháng bán được khoảng 1 tạ gạo sạch Hải Lăng, khối lượng tiêu thụ vẫn đang ở mức trung bình.

Thực tế qua hai vụ sản xuất cho thấy, HTX nào làm tốt khâu quảng bá sản phẩm, linh hoạt tìm kiếm các kênh phân phối sỉ, lẻ thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm sẽ thuận lợi hơn. Vấn đề chủ yếu là sự nỗ lực tìm kiếm đầu ra của các HTX, tuy nhiên chính quyền địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ, đồng hành với HTX, người dân để tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sản xuất phát triển bền vững.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142514