Để gia đình là tổ ấm của mỗi người

PTĐT - Các thành viên trong gia đình giống như những cây bút trong hộp màu vẽ. Bức tranh gia đình được vẽ đẹp hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào sự đóng góp của các thành viên, các màu sắc với sự pha trộn hài hòa trong từng đường nét.

Gia đình là trường học hình thành nhân cách đầu tiên với mỗi người.

Gia đình là trường học hình thành nhân cách đầu tiên với mỗi người.

Thực tế, bức tranh gia đình trong xã hội hiện nay đã có những “thất thoát” của các màu sắc, cách ứng xử giữa các thành viên giống như nét vẽ cũng vì thế mà thay đổi khiến bức tranh trở nên đơn sắc và sự bền vững, hạnh phúc của tổ ấm gia đình bấp bênh hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Vì vậy “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay. Khi guồng quay của xã hội hiện đại đã phần nào làm ảnh hưởng đến các giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử gia đình. Có phút giây nào trong dòng chảy không ngừng của xã hội, chúng ta chậm lại, quan sát và cảm nhận: Kinh tế thị trường và những công nghệ ngày một phát triển đang tác động như thế nào đến chính chúng ta, đến những người thân và cả gia đình? Khi ngắt cuộc điện thoại là vơi đi nỗi nhớ người xa xứ; khi máy tính, tivi thay câu chuyện bà kể mỗi đêm hè; khi con trẻ mải chơi game và không còn “mong mẹ về chợ” hay bữa cơm tối chẳng mấy khi đủ thành viên vì bố bận tới khuya mới về… Hoặc chúng ta có quá tham lam và ích kỷ khi áp đặt lối sống cá nhân lên cao hơn trách nhiệm với gia đình của mình? Rồi những chuẩn mực, những nét văn hóa tốt đẹp được kế thừa và phát huy từ lâu đời trong mỗi gia đình theo sự chiều chuộng quá đà được “du di” dần gây ra sự lệch lạc trong ứng xử của mỗi cá nhân. Sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trở nên lỏng lẻo, một số giá trị đạo đức như trách nhiệm, sự hiếu nghĩa, thủy chung... có lúc bị coi nhẹ so với ham muốn vật chất, công danh. Tình trạng này làm cho nhiều tổ ấm có nguy cơ tan vỡ, kể cả những gia đình tưởng như lý tưởng, có học thức, kinh tế ổn định… Hơn hết, khi gia đình bất ổn, ai sẽ là người uốn nắn, chỉ bảo những bài học đầu tiên và theo suốt cuộc đời về văn hóa ứng xử giữa người với người, với gia đình, với xã hội…Anh Nguyễn Như Việt (xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao) là một thành viên trong gia đình có nhiều thế hệ, bởi vậy từ nhỏ, anh được ông bà, bố mẹ yêu thương và uốn nắn, chỉ bảo cặn kẽ từng lời ăn, tiếng nói. Tuy nhiên, khi đã trưởng thành, có gia đình nhỏ trong đại gia đình, phần do công việc thường xuyên phải đi cơ sở, thời gian dành cho công việc gần như chiếm trọn một ngày nên những công việc ở nhà phần lớn do các thành viên khác đảm nhiệm. Anh chia sẻ: “Ngoài việc phấn đấu trong công việc để có thu nhập ổn định, còn phải cố gắng tham gia các hoạt động ngoài giờ do công ty phát động để rèn luyện sức khỏe, thi đua và thời gian dành cho gia đình là rất ít. Nhiều lúc, tôi cảm thấy ngôi nhà dường như chỉ là nơi để ở, mối quan hệ thương yêu, gần gũi, sẻ chia giữa từng thành viên trở nên lỏng lẻo, nguyên nhân chính là giờ phút bên nhau của các thành viên gia đình ít ỏi. Làm sao để hiếu kính với ông bà, bố mẹ, nuôi dạy con cái… là điều mà tôi vô cùng trăn trở”.

Người mẹ dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con.

Người mẹ dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con.

Thực tế hiện nay, cấu trúc và quan hệ trong gia đình truyền thống có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình luôn là nhân tố quan trọng không thể thiếu để mỗi người đủ hoàn thiện, từ đó đóng góp những công dân tốt cho xã hội. Những bài học ứng xử từ đơn giản như lễ phép chào hỏi, kính trên nhường dưới, những cử chỉ, thái độ trong mâm cơm, bàn trà… cho đến những lễ giáo, gia phong của mỗi gia đình, dòng họ lại là những “kỹ năng” quan trọng, theo mỗi người đến tận cuối đời. Gia đình cụ Nguyễn Hữu Phát - phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì là gia đình có bốn thế hệ, nhiều năm liền được công nhận là Gia đình văn hóa. Cụ Phát chia sẻ: “Nhiều thành viên tạo nên gia đình và nhiều gia đình hình thành cộng đồng xã hội, từ việc tuân thủ gia phong trong gia đình đến tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nội quy, quy định của Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp… ở góc độ này có thể cho là giống nhau. Bởi vậy, các thành viên trong gia đình có gắn kết, yêu thương và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình thì khi mở cửa bước ra xã hội mới có thể là công dân tốt. Nhiều công dân tốt giúp cộng đồng xã hội phát triển tốt. Muốn được như thế thì không chỉ con trẻ, mà ngay cả người lớn, người cao tuổi cũng phải tự hoàn thiện mình để làm gương cho con, cháu…”.Gia đình và giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam gắn trong nội dung vận động xây dựng gia đình văn hóa được xác định là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong những năm qua, các cấp, các ngành, các đoàn thể đưa nội dung, mục tiêu cuộc vận động vào chương trình công tác, chương trình thi đua để chỉ đạo theo ngành dọc từ tỉnh đến cơ sở thực hiện. Mặt trận Tổ quốc đã gắn phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Uống nước nhớ nguồn” với các nội dung tiêu chuẩn gia đình văn hóa; Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức nhiều hoạt động mang đặc thù của giới như phong trào thi đua: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; chương trình xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” với nhiều mô hình hiệu quả như: Câu lạc bộ xây dựng “Gia đình hạnh phúc”, tổ phụ nữ “Không sinh con thứ 3”; “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”… góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình, trách nhiệm của phụ nữ, nam giới và các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... Các phong trào thi đua đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, kết nối các tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo cùng nhau xây dựng gia đình theo tiêu chí: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững.Để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi con người, là tế bào lành mạnh của xã hội, vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của mọi công dân trong xã hội, coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Gia đình có trách nhiệm với xã hội; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình đồng thời là trách nhiệm của toàn xã hội.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201906/de-gia-dinh-la-to-am-cua-moi-nguoi-165431