Để gia đình thực sự là tổ ấm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác khẳng định: 'Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình'. Giữ vai trò quan trọng là thế, nhưng trong cuộc sống hiện đại, một số giá trị của gia đình đang bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Để gia đình thực sự là tổ ấm, là 'tế bào' lành mạnh của xã hội đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình luôn phải có ý thức, trách nhiệm giữ 'lửa' cho chính tổ ấm của mình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Kiều, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh có 3 thế hệ cùng chung sống. Là người bà, người mẹ trong gia đình, bản thân chị Kiều thường xuyên học hỏi, sống gương mẫu để giáo dục con, cháu chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Nhờ vậy, các con của chị khi trưởng thành đều trở thành người có ích cho xã hội, sống có trách nhiệm với gia đình, chấp hành tốt quy định của địa phương, nơi công tác.
Chia sẻ kinh nghiệm về giữ “lửa” hạnh phúc gia đình, chị Kiều cho hay: “Để có cuộc sống hòa thuận trong gia đình 3 thế hệ thật không dễ dàng vì mỗi thế hệ có sự khác biệt về tư tưởng, lối sống, quan điểm nên sẽ không tránh khỏi những va chạm trong cuộc sống hằng ngày. Tôi luôn dạy các con, cháu đoàn kết, hài hòa, giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, gia đình chúng tôi đã dung hòa giữa các thế hệ để cùng xây dựng tổ ấm hòa thuận, hạnh phúc”.
Cùng với việc chăm lo, xây dựng gia đình hạnh phúc, chị Kiều luôn tích cực tham gia phát triển kinh tế, nỗ lực cố gắng để có một cuộc sống đầy đủ cả vật chất và tinh thần. Ngoài ra, chị Kiều còn là một chi hội trưởng phụ nữ nhiệt tình, năng động, tích cực tham gia các phong trào của hội, được chị em hội viên quý mến.
Là cán bộ hội phụ nữ, chị Trương Thị Tình, thôn Xuân Tiến, xã Phong Bình, huyện Gio Linh luôn bận rộn với các chương trình, hoạt động hội. Công việc khá vất vả, thường xuyên đi sớm về muộn nhưng chồng chị Tình hiểu và tôn trọng công việc của vợ, anh luôn tạo điều kiện để vợ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chị Tình chia sẻ: “Gia đình chính là hậu phương vững chắc nhất để tôi yên tâm tham gia công tác hội. Tôi rất vui khi người bạn đời cùng hỗ trợ tôi làm tốt mọi công việc hội, việc nhà. Để xây dựng một gia đình hạnh phúc cần phải có sự nỗ lực từ hai phía, như gia đình tôi, nếu không có sự hậu thuẫn từ gia đình thì bản thân tôi sẽ khó làm tròn trách nhiệm với công tác hội, vừa làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình”.
Xã hội ngày càng phát triển, lối sống hiện đại đang làm nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam ít nhiều bị thay đổi. Cuộc sống bận rộn, thiết bị công nghệ thông minh ra đời khiến các thành viên gia đình ngày càng ít thời gian bên nhau, quan tâm lẫn nhau. Nhiều bậc cha mẹ mãi lo phấn đấu vì sự nghiệp, làm kinh tế mà ít gần gũi, chăm lo, giáo dục con cái, khiến các con cảm thấy cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình. Cùng với đó, tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn… đang có chiều hướng gia tăng đã làm cho giá trị gia đình dần giảm đi.
Khi gia đình không còn là tổ ấm yêu thương, chính trẻ em trở thành nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nề. Xác định vai trò quan trọng của gia đình, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/ QĐ-TTg chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Từ đó đến nay, Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đây cũng là ngày nhắc nhở mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị của mái ấm và cùng nhau vượt qua khó khăn để có một gia đình hạnh phúc.
Là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ luôn xác định công tác xây dựng gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động trọng tâm của hội. Các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án của các cấp hội phụ nữ đều hướng tới vận động, hỗ trợ phụ nữ gìn giữ, vun đắp giá trị gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Đặc biệt, thông qua việc triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” đã góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt công tác gia đình, đảm bảo an sinh xã hội, làm cơ sở nền tảng để đảm bảo bình đẳng giới, thúc đẩy KTXH của địa phương phát triển.
“Nhằm góp phần lan tỏa, giữ gìn và phát huy các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác xây dựng gia đình, các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, vun đắp giá trị gia đình trong tình hình mới.
Thường xuyên đổi mới phương thức tuyên truyền; đẩy mạnh giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình giúp người dân phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” gắn với phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ thời đại mới bằng những việc làm, mô hình, hoạt động cụ thể, thiết thực phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Nâng cao hiệu quả và tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gio Linh Trần Thị Long thông tin.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/de-gia-dinh-thuc-su-la-to-am/177951.htm