Để giấc mơ xanh không còn dang dở

Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã đặt ra cho Việt Nam một lộ trình chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng. Tuy nhiên, quá trình này đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ vấn đề tài chính, công nghệ đến chính sách.

Năng lượng tái tạo đang là xu thế toàn cầu.

Năng lượng tái tạo đang là xu thế toàn cầu.

Nhu cầu đầu tư khổng lồ

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhu cầu năng lượng không ngừng tăng cao. Đặc biệt, năng lượng từ than đá vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Theo thống kê, hơn 50% lượng điện của Việt Nam được sản xuất từ than đá, một nguồn năng lượng gây ô nhiễm cao và không bền vững.

Sự phụ thuộc vào than đá khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có lượng phát thải CO2 trên đầu người cao nhất khu vực Đông Nam Á. Mặc dù đã có những bước tiến trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nhưng tổng tỷ lệ đóng góp của năng lượng mặt trời và gió vào hệ thống vẫn còn khá khiêm tốn.

Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt là nhu cầu đầu tư khổng lồ vào năng lượng tái tạo. Theo ước tính, Việt Nam cần huy động hơn 500 tỷ USD để có thể hoàn thành mục tiêu này vào năm 2050. Nguồn vốn này không chỉ phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió mà còn cho việc nâng cấp hệ thống lưới điện, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Tuy nhiên, việc huy động một lượng vốn lớn như vậy trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và thị trường vốn trong nước chưa phát triển đầy đủ là một bài toán khó.

Bên cạnh vấn đề tài chính, việc cân bằng giữa an ninh năng lượng và mục tiêu môi trường cũng là một bài toán nan giải. Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu điện năng tăng nhanh. Việc chuyển đổi quá nhanh sang năng lượng tái tạo có thể gây ra tình trạng thiếu hụt điện, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Mặt khác, nếu quá tập trung vào đảm bảo an ninh năng lượng mà bỏ qua mục tiêu môi trường thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không.

Hạ tầng và công nghệ cũng là những rào cản lớn. Hệ thống lưới điện hiện tại của Việt Nam chủ yếu được thiết kế để truyền tải điện từ các nhà máy nhiệt điện. Việc tích hợp một lượng lớn điện năng lượng tái tạo vào hệ thống này đòi hỏi những thay đổi lớn, đòi hỏi đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các thiết bị, công nghệ liên quan đến năng lượng tái tạo.

Chính sách và thể chế cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này còn gặp nhiều khó khăn. Các quy định pháp luật chưa đủ rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây cản trở cho các nhà đầu tư.

Điện mặt trời là năng lượng sạch đang được thế giới phát triển mạnh.

Điện mặt trời là năng lượng sạch đang được thế giới phát triển mạnh.

Cần sự đột phá

Trước những thách thức trên, việc tìm kiếm những giải pháp đột phá, hiệu quả là vô cùng cấp bách. Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa giấc mơ năng lượng tái tạo, trước tiên, hệ thống pháp luật hiện hành cần được hoàn thiện, đảm bảo tính nhất quán giữa các quy định, tránh tình trạng chồng chéo và thay đổi liên tục. Một khung pháp lý ổn định sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm, giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tin tưởng vào thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hóa nguồn vốn. Cần khuyến khích đầu tư tư nhân, huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển thị trường trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Song song, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển năng lượng tái tạo. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước có nền năng lượng tái tạo phát triển sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian và giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, hợp tác quốc tế cũng giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến, các nguồn vốn ưu đãi và các đối tác chiến lược.

Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt không chỉ giúp giảm áp lực lên hệ thống điện mà còn giảm chi phí cho người tiêu dùng.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng là một phần không thể thiếu trong nỗ lực “xanh hóa” và “số hóa” của Việt Nam. Để đảm bảo sự tham gia của doan nghiệp, chính phủ cần có hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, chuyển giao công nghệ trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Linh Đan - Viện Kinh tế và Quản lý Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, năng lượng tái tạo đang là xu hướng toàn cầu. Các quốc gia đang thúc đẩy việc giảm thải carbon trong ngành điện, hướng tới cắt giảm và loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Với Việt Nam, chuyên gia này cho rằng chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và học hỏi các kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Chuyển đổi năng lượng không chỉ là cam kết quốc tế mà còn là cơ hội để Việt Nam phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và bảo vệ an ninh năng lượng. Dù hành trình này đầy rẫy những thách thức, nhưng với sự quyết tâm từ chính phủ, sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, và sự chung tay của toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu có 40% lượng điện tiêu thụ đến từ năng lượng tái tạo và tăng lên 70% vào năm 2050. Thực tế, theo tính toán của Hiệp hội năng lượng, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ US/năm), nhưng thực hiện 3 năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ US/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ US/năm) là thách thức lớn.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-giac-mo-xanh-khong-con-dang-do.html