Để giám sát, phản biện xã hội trở thành thương hiệu của Mặt trận

Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam.

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Đóng góp chung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội có sự tham gia tích cực, bằng những kinh nghiệm và việc làm cụ thể của Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, giám sát và phản biện xã hội là phương tiện để MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực nhà nước, có tác dụng phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Với đội ngũ những người am hiểu lý luận về nhà nước và pháp luật, chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật, Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, góp phần cùng MTTQ Việt Nam phát huy vai trò trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Trong những năm qua, Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật đã tổ chức nghiên cứu, phản biện, góp ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản luật, Nghị định, Thông tư, Đề án với chất lượng, hiệu quả tốt được các cơ quan soạn thảo ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ tính trong nhiệm kỳ khóa IX, Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật đã tư vấn cho Ban Thường trực và Đoàn chủ tịch UBTƯ Việt Nam tham gia xây dựng và hoàn thiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó đã tổ chức các cuộc họp phản biện xã hội đối với các dự án luật như dự án Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Nhà ở...

"Bằng các hoạt động về góp ý và phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và giám sát xã hội cũng như qua các đợt khảo sát ở địa phương, Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật đã góp phần tham gia tích cực vào nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam" - GS.TS Trần Ngọc Đường khẳng định.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp nhìn chung vẫn còn là một vấn đề mới. Vì thế trong nhận thức, cũng như trong tổ chức thực tiễn hoạt động giám sát và phản biện xã hội chưa được xem là một phương thức đại diện cho nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo cho quyền lực nhà nước hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, góp phần phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về hoạt động giám sát và phản biện xã hội và phải trở thành thương hiệu của MTTQ Việt Nam các cấp.

Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Đường, kiểm soát quyền lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, Hiến pháp năm 2013 đã đặt cơ sở hiến định cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Đây là cơ chế do những cá nhân công dân và tổ chức không phải nhà nước tiến hành kiểm soát quyền lực nhà nước. Cơ chế này, sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực đến nay đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, Luật MTTQ Việt Nam mới chỉ quy định những nguyên tắc, thủ tục chung, còn thiếu những quy định cụ thể trong đó có các chế tài đối với các cơ quan, tổ chức là đối tượng chịu sự giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám sát và phản biện xã hội tạo điều kiện để Mặt trận làm tốt hơn công tác tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước.

Tiến Đạt

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-tro-thanh-thuong-hieu-cua-mat-tran-10297441.html