Để giao tiếp cùng các cộng đồng dân tộc thiểu số

Đã có trên 5.100 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tham gia hàng trăm lớp học tiếng dân tộc thiểu số do Lâm Đồng tổ chức trong những năm gần đây.

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa xã Đa Nhim - xã trong vùng dân tộc thiểu số tại Lạc Dương

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa xã Đa Nhim - xã trong vùng dân tộc thiểu số tại Lạc Dương

Trên 5 nghìn lượt CBCCVC được đào tạo

Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn tỉnh với tổng dân số gần 1,3 triệu người, trong đó cộng đồng người dân tộc thiểu số chiếm đến 25,7% dân số của tỉnh. Trong số các cộng đồng dân tộc thiểu số này, các dân tộc có dân cư lớn là K’Ho, Mạ, Chu Ru, Nùng, Tày.

Nếu tính ở cấp xã, trong 142 xã phường thị trấn hiện nay của tỉnh (toàn tỉnh có 111 xã, 18 phường và 13 thị trấn), Lâm Đồng đã có đến 78 xã nằm trong diện xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo qui định, chiếm tỷ lệ gần 55%. Còn nếu tính theo thôn thì toàn tỉnh có 478/1.367 thôn nằm trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong nhiều năm nay, hàng năm Lâm Đồng thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cho CBCCVC làm việc liên quan đến yếu tố dân tộc. Tỉnh cũng yêu cầu CBCCVC công tác trong vùng dân tộc thiểu số cần tham gia các lớp tiếng dân tộc thiểu số để sử dụng trong công việc, trong giao tiếp, vận động đồng bào, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Cùng với Trường Chính trị Lâm Đồng hiện các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị ở cấp huyện cũng được tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng về dân tộc được mở hằng năm. Để giảng dạy, hướng dẫn tại các lớp học này, tỉnh và các huyện đã mời các CBCCVC có kinh nghiệm, là lãnh đạo làm công tác quản lý hay người đang làm công việc có liên quan đến dân tộc, hình thành nên đội ngũ giảng viên, báo cáo viên kiêm chức nhằm giúp học viên tiếp cận với thực tiễn ở địa phương.

Tỉnh cho đến nay đã soạn thảo 3 bộ tài liệu gồm tiếng K’Ho, tiếng Chu Ru và tiếng Mạ cho việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số cho CBCCVC trong tỉnh. Đây là 3 cộng đồng lớn nhất trong số các cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương.

Sở Nội vụ Lâm Đồng hằng năm phối hợp với Trường Chính trị Lâm Đồng và Học viện Dân tộc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho lãnh đạo và CBCC từ cấp sở, ban, ngành đến cấp huyện, cấp xã.

Riêng trong đào tạo tiếng dân tộc thiểu số, Sở Nội vụ hàng năm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng mở lớp, tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ theo qui định. Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị các huyện, thành trong tỉnh cũng đứng ra tổ chức các lớp tương tự, đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng trong kiểm tra và cấp bằng.

Chỉ tính trong 3 năm gần đây, Lâm Đồng đã tổ chức được 25 lớp đào tạo tiếng dân tộc, trong đó năm 2018 có 6 lớp với 331 học viên; năm 2019 có 9 lớp với 760 học viên và trong 2020 năm nay có 10 lớp với 589 học viên.

Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng trình diễn cồng chiêng và múa xoan. Ảnh: Trịnh Chu

Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng trình diễn cồng chiêng và múa xoan. Ảnh: Trịnh Chu

Cần mở rộng thêm đối tượng

Vẫn còn không ít những khó khăn trong đào tạo tiếng dân tộc thiểu số của tỉnh hiện nay.

Trước nhất, như Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết, để biên soạn tài liệu cho một thứ tiếng trong khi dân tộc đó chưa có chữ viết cực kỳ công phu. Đa số người thông thạo tiếng nói của 3 cộng đồng người dân tộc thiểu số mà tỉnh biên soạn đều lớn tuổi, trình độ học vấn chưa đồng đều, kiến thức ngôn ngữ lại không có nên phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Sở đã phải hợp tác với rất nhiều đơn vị và các nhà ngôn ngữ học để xây dựng chữ viết và thành lập Hội đồng khoa học thẩm định rất kỹ trước khi ban hành.

Trong giảng dạy, mặc dù giảng viên hầu hết là người dân tộc thiểu số, am hiểu về tiếng nói dân tộc mình nhưng điểm hạn chế là nhiều người không có kỹ năng sư phạm; việc ra đề, kiểm tra, chấm thi chưa được hợp lý và chặt chẽ.

Cùng đó, theo yêu cầu của tỉnh, ưu tiên cho lớp học là những người công tác trong vùng dân tộc, tuy nhiên vẫn còn không ít trường hợp cử đi học không đúng đối tượng, nhiều địa phương cử các lãnh đạo đơn vị tham dự nhưng do bận rộn công việc nên thường xuyên vắng mặt. Trong khi đó, có rất nhiều đối tượng cần học như giáo viên ở các trường mầm non, tiểu học trong vùng dân tộc thiểu số, giáo viên trường dân tộc nội trú, cán bộ y tế cơ sở, cán bộ khuyến nông, các kiểm lầm viên rất muốn học nhưng chưa được cử đi học.

Nhằm xây dựng một đội ngũ giáo viên có kiến thức và có tay nghề, có kinh nghiệm trong dạy tiếng dân tộc, Sở Nội vụ Lâm Đồng gần đây đã phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về nội dung tài liệu và phương pháp giảng dạy; cấp chứng chỉ sư phạm, tổ chức các chuyến đi học tập kinh nghiệm tại nhiều tỉnh. Đến nay đã có 25 giáo viên dạy tiếng dân tộc được cấp chứng chỉ sư phạm Bậc 1.

Trong cuối năm 2019 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch 7610/KH-UBND (ngày 21/11/2019) về việc thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc đối với CBCCVC tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2025”. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Trường Chính trị tỉnh và các sở, ban, ngành, các huyện, thành của tỉnh trong thời gian đến cần bám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng hằng năm để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch này phù hợp với quy định và đặc điểm thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, nhằm phát huy hiệu quả của Đề án.

Tỉnh trong dịp này cũng đang đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm ban hành chính thức bộ tài liệu dạy và học tiếng dân tộc K’Ho, Mạ và Chu Ru vốn Lâm Đồng vẫn đang sử dụng lâu nay.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202011/de-giao-tiep-cung-cac-cong-dong-dan-toc-thieu-so-3032104/