Để giáo viên sống được với nghề
Trao đổi với báo chí đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học qua có hơn 10.000 giáo viên (GV) nghỉ hưu, gần 9.300 người bỏ việc; các địa phương được giao bổ sung 27.850 người nhưng chỉ tuyển được hơn 17.000. Nhiều người nhìn nhận nghề giáo không còn hấp dẫn do áp lực cao nhưng thu nhập chưa tương xứng.
Mặc dù từ tháng 7-2023, lương cơ bản tăng thêm 20,8% và GV cũng nhận được các khoản phụ cấp nhưng với phần lớn GV, nếu không làm thêm, không dạy thêm thì thu nhập khó trang trải các chi phí cuộc sống. Riêng tại TP HCM, từ đầu năm 2023, thành phố bắt đầu áp dụng chính sách thu nhập tăng thêm cho GV. Tùy vào bậc học, thâm niên công tác, GV sẽ nhận thu nhập tăng thêm ở mức tối đa với hệ số 1,8, tăng thêm gấp 2 lần lương. Nhờ chính sách này mà một bộ phận GV bớt đi những lo toan cuộc sống để toàn tâm, toàn ý với nghề. Chẳng hạn một GV có 15 năm đi dạy, tiền lương hơn 5 triệu đồng và gần 8 triệu đồng phụ cấp đứng lớp. Nay với hệ số thu nhập tăng mức tối đa, mỗi tháng khoản hỗ trợ này hơn 10 triệu đồng, cũng góp phần động viên GV an tâm đứng trên bục giảng.
Tuy nhiên, chính sách thu nhập tăng thêm của TP HCM không áp dụng với tất cả GV mà các trường thống nhất tiêu chí, quy trình đánh giá để bảo đảm những GV nhận được phụ cấp tăng thêm là xứng đáng với đóng góp của mình và là động lực để làm tốt hơn nhiệm vụ.
Do đó, bài toán thừa và thiếu GV vẫn tiếp tục phải có lời giải bên cạnh việc giữ chân những thầy cô tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Những người thầm lặng hy sinh, dành cả đời cho sự nghiệp "trồng người" phải được sự tôn trọng của xã hội bên cạnh chính sách tiền lương, thu nhập để họ đi trọn quãng đường dài nghề nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có nêu tiền lương GV phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng con đường để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm và cần thuyết phục các bộ, ngành và cơ quan hữu quan.
Trong khi tiếp tục chờ đợi để có những thay đổi về chính sách tiền lương, để GV có thể sống được với nghề thì các địa phương cần những chính sách, chế độ đãi ngộ kịp thời, như TP HCM và một số địa phương đã làm trong thời gian qua là rất đáng hoan nghênh. Trong vòng 3 năm qua, tổng số GV nghỉ việc, bỏ việc lên đến hơn 40.000 người với nhiều lý do, trong đó lương thấp chỉ là một yếu tố nhưng nếu thu nhập được cải thiện xứng đáng với công sức thì hẳn nhiều GV cũng sẽ cân nhắc trước khi quyết định rời bỏ bục giảng.
Nâng thu nhập, giữ GV ở lại với trường lớp cũng góp phần nâng cao trở lại vị thế người thầy. Lúc đó, người thầy thêm tự hào về người và nghề, xóa đi những định kiến sai lầm, đủ sức vượt qua những áp lực công việc nặng nề. Khi người thầy không còn lo toan với những nhu cầu vật chất để đắp đổi cuộc sống hằng ngày, không phải vật lộn mưu sinh bằng nghề tay trái hay dạy thêm thì họ mới an tâm cống hiến, dồn hết tâm nguyện cho lý tưởng cao đẹp, cho sự nghiệp "trồng người".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/de-giao-vien-song-duoc-voi-nghe-20230904221326305.htm