Để giới trẻ yêu nghệ thuật Chèo
Là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, trải qua nhiều thăng trầm, Chèo vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Với mong muốn bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo, thời gian qua, nhiều sự kiện mang tính sáng tạo ở Hà Nội đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho giới trẻ, người yêu thích bộ môn nghệ thuật dân gian này có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Hơi thở mới
Một thời gian dài, nghệ thuật Chèo rơi vào quên lãng, chỉ còn trong ký ức của các vị cao niên. Nhưng bằng tình yêu với nghệ thuật dân gian truyền thống, tiếng Chèo đã rộn ràng trở lại. Thực tế cho thấy, khán giả đến với Nhà hát Chèo Việt Nam từ nhiều năm nay không chỉ là giới trung niên mà còn có các bạn trẻ. Để có thể thỏa sức đam mê với nghệ thuật Chèo, giới trẻ cũng lập ra những sân chơi như dự án “Tôi xê dịch”, “Chèo 48”; hay có khi là những buổi biểu diễn tại một số trường đại học. Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm, tiếp cận nghệ thuật Chèo được tổ chức trong thời gian qua, mới đây, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc cũng được tổ chức tại Hà Nam với sự tham gia của 64 diễn viên đến từ 11 nhà hát. Cuộc thi được tổ chức nhằm phát hiện tài năng diễn viên sân khấu Chèo; khuyến khích động viên các nghệ sĩ trẻ có những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Chèo.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL), Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Lê Minh Tuấn chia sẻ: Cuộc thi được tổ chức với mong muốn bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh nghệ thuật sân khấu Chèo trong đời sống văn hóa. Trước đó, Bộ VHTT&DL cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi tài năng, liên hoan Chèo toàn quốc, tạo sân chơi lành mạnh để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân. Đặc biệt, sức sống của Chèo đang ngày càng phát triển, thể hiện qua việc số lượng thí sinh đăng ký tham dự cuộc thi năm nay đông hơn các năm trước. Việc các thí sinh lựa chọn các trích đoạn mà trước đó đã có nhiều nghệ sĩ biểu diễn thành công cũng sẽ tạo nên hấp dẫn cho cuộc thi. Bởi để tạo dấu ấn, đòi hỏi các thí sinh phải không ngừng nỗ lực trong tập luyện và đòi hỏi phải tiếp tục sáng tạo nhằm tạo ra sự khác biệt so với các tiết mục đã biểu diễn trước đó.
Chèo hội nhập 4.0
Theo thời gian, giới trẻ yêu Chèo có nhiều hướng đi mới nhằm đẩy mạnh truyền thông cho bộ môn nghệ thuật này. Theo tìm hiểu của phóng viên, trên mạng xã hội thông qua kênh Youtube có nhiều video 3 - 10 phút về lịch sử, giá trị văn hóa, nét đặc trưng của Chèo. Hay trên mạng xã hội Facebook vốn có các nội dung về từ ngữ tiếng Anh, giới trẻ cũng tận dụng nền tảng này để giới thiệu các từ cổ trong Chèo. Trên ứng dụng Tik Tok cũng có video 15 giây thể hiện các nhân vật đặc trưng, tạo ấn tượng về Chèo. Đặc biệt, một số bạn trẻ còn có ý tưởng “Chèo therapy”, dựa trên phương pháp Trị liệu nghệ thuật (art therapy), trị liệu cảm xúc cá nhân, giúp mọi người được truyền cảm hứng, sống chậm hơn, giải tỏa căng thẳng thông qua quá trình thưởng thức và sáng tạo với Chèo.
Có thể thấy, bằng nhiều cách làm khác nhau, nghệ thuật Chèo đang dần tiếp cận đối tượng khán giả trẻ. Đinh Thị Thảo – người sáng lập Chèo 48h chia sẻ: “6 năm qua, Chèo 48h vẫn miệt mài tìm cách tạo sân chơi, workshop, lớp học để giá trị nghệ thuật này không mất đi. Nhưng thực tế là chỉ riêng Chèo 48h làm thì chưa đủ. Đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã tham gia và tạo thành cộng đồng yêu Chèo. Với môn nghệ thuật đặc thù, không thể ngay lập tức kết nối với nhiều người, mà dần dần từ cộng đồng này lan tỏa sang cộng đồng khác. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy có sự mở rộng của cộng đồng yêu Chèo. Đã có những hoạt động không phải từ Chèo 48h, mà từ các cộng đồng khác. Đó cũng là những tín hiệu đáng mừng, chúng tôi hy vọng có thêm nhiều cộng đồng, cá nhân cùng chung tay, tạo ra những ý tưởng, giải pháp gần gũi nghệ thuật truyền thống xưa”.
Trước những dấu hiện tích cực của đời sống Chèo ngày nay, NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: “Không chỉ riêng mình tôi mà các thế hệ đi trước, các thế hệ vẫn đang cùng làm nghề, người tâm huyết vẫn luôn có những sự đào tạo, luôn luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết và đặc biệt là truyền thống của Nhà hát Chèo Việt Nam… Tôi vững tin sẽ có nhiều người hiểu, cùng cất tiếng nói để đào tạo lớp diễn viên trẻ cho Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng và các nhà hát Chèo nói chung để khán giả hiểu về nghệ thuật Chèo, vì có hiểu thì mới thích, có thích thì mới đến và có yêu thì mới bỏ tiền ra mua vé”.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-gioi-tre-yeu-nghe-thuat-cheo-401896.html