Để giữ vững thị trường ngao xuất khẩu
Ngao là đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh, có tiềm năng tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Là tỉnh ven biển có diện tích nuôi ngao lớn nhất khu vực miền Bắc với diện tích trên 1.600ha, tập trung ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Đến nay, ngoài việc chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trực tiếp, trong tháng 12-2020, ngao Nam Định vinh dự là sản phẩm ngao đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngao là đối tượng nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh, có tiềm năng tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Là tỉnh ven biển có diện tích nuôi ngao lớn nhất khu vực miền Bắc với diện tích trên 1.600ha, tập trung ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Đến nay, ngoài việc chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trực tiếp, trong tháng 12-2020, ngao Nam Định vinh dự là sản phẩm ngao đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) cấp. Kết quả này cho thấy trình độ năng lực nuôi trồng, chế biến ngao của tỉnh ta hoàn toàn có thể vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, để nắm được cơ hội “vàng” thúc đẩy thị trường ngao phát triển lên một tầm cao mới cơ hội này, cả các ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi ngao cần thực hiện tốt các quy trình về nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
I. “Gập ghềnh” nghề nuôi ngao xuất khẩu
Nghề nuôi ngao trên địa bàn tỉnh ta hình thành vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước và muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, với sự tạo điều kiện của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và tư duy sáng tạo của các cơ sở nuôi nên nghề nuôi ngao nhanh chóng khẳng định được vị thế. Tỉnh đã chủ động sản xuất được con giống thay cho việc khai thác tự nhiên và mua giống của Trung Quốc; xây dựng thành công thương hiệu “Ngao Giao Thủy” và là tỉnh đầu tiên trong khu vực có nhà máy chế biến ngao, xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Tuy nhiên do tính liên kết chưa chặt chẽ; việc kiểm soát vùng nuôi chưa đồng bộ và người nuôi ngao vẫn phát triển tự phát nên chất lượng ngao giảm sút và không đồng đều giữa các vùng nuôi. Hiện tại, chất lượng ngao nuôi ở nhiều hộ, khu nuôi chưa đáp ứng được nhu cầu chế biến của doanh nghiệp; ngao thương phẩm có kích thước nhỏ mặc dù thời gian nuôi kéo dài. Nếu như 2 năm trước đây, ngao thu hoạch sau thời gian nuôi từ 1 đến 1,5 năm đạt 30-40 con/kg thì nay chỉ đạt 80-100 con/kg. Điều này ảnh hưởng lớn đến giá trị của sản phẩm, không đảm bảo yêu cầu chế biến ngao đóng hộp cũng như nhu cầu của đa số khách hàng châu Âu. Bên cạnh đó, chất lượng ngao chưa đồng đều giữa hai vùng nuôi Giao Thủy và Nghĩa Hưng; công tác quản lý môi trường vùng nuôi chưa tốt dẫn đến tình trạng có thời điểm ngao chết hàng loạt ảnh hưởng lớn đến đầu vào nguyên liệu cho nhà máy sản xuất. Nguyên nhân do giống ngao nuôi trên địa bàn tỉnh đang bị thoái hóa; môi trường sinh thái vùng nuôi đang bị suy thoái, mật độ nuôi thả dày dẫn đến thiếu nguồn thức ăn; các khâu liên kết giữa phát triển nguồn giống, nuôi thương phẩm và tổ chức tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ. Trong khi đó, nhận thức của chính người nuôi ngao và người dân về việc bảo vệ môi trường cho con ngao sinh trưởng còn hạn chế; việc xả rác thải trên bãi biển và các khu vực nuôi đã gây ô nhiễm môi trường. Đó là những nguyên nhân khiến ngao của tỉnh từng được EU công nhận xếp ở loại B, nay đã giảm xuống còn loại C. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chặng đường tiếp cận thị trường xuất khẩu của ngao thêm “gập nghềnh”, con ngao có nguy cơ không thể tiêu thụ tại thị trường châu Âu hoặc chỉ có thể xuất khẩu sang các thị trường có hạn mức giá thấp, nghĩa là giá trị hiệu quả kinh tế cho người nuôi sẽ giảm.
II. Chuẩn hóa quy trình nuôi trồng, chế biến ngao
Năm 2012, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến ngao tại tỉnh ta với công nghệ tiên tiến nhập khẩu từ Hà Lan có công suất thiết kế lên tới 300 tấn ngao/ngày, với nhiều sản phẩm đa dạng từ ngao tươi sống, đến đồ hộp và đông lạnh đã mở ra cơ hội phát triển đồng bộ cho nghề nuôi ngao. Sau khi thu hoạch, ngao được đưa về nhà máy để chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu làm sạch đến bảo quản, dựa trên đặc tính tự đào thải của ngao. Tại đây, trong 24 giờ đầu, ngao được làm sạch nội tạng, tạp chất qua hệ thống nước lạnh, chảy liên tục; sau đó chuyển sang hệ thống công nghệ diệt sạch vi khuẩn và khử mặn rồi đóng gói theo công nghệ làm lạnh đột ngột để con ngao rơi vào chế độ “ngủ đông” trước khi cung ứng ra thị trường. Với chế độ bảo quản này và việc đóng trong hộp nhựa PP chuyên dụng đã giúp ngao sống được nhiều ngày trong tủ lạnh, kho mát ở nhiệt độ 4-8 độ C. Còn ở nhiệt độ 7-8 độ C, có thể bảo quản được từ 14 đến 15 ngày mà chất lượng vẫn tốt (ngao thông thường đang bán trên thị trường chỉ sống được 3-4 ngày); mà không cần sử dụng bất cứ hóa chất nào. Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết: Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan lựa chọn tỉnh ta để đặt trụ sở nhà máy chế biến thủy sản bởi nơi đây có nhiều vùng nuôi ngao rộng lớn, điều kiện tự nhiên thuận lợi. Bước đầu công ty đã có đơn hàng hơn 4.000 tấn ngao xuất đi châu Âu trong năm nay và đang chuẩn bị những đơn hàng xuất sang thị trường Hàn Quốc.
Nhận thấy rõ tiềm năng của nghề nuôi ngao trên cơ sở đầu tư bài bản từ vùng nuôi đến khâu chế biến, sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) hỗ trợ doanh nghiệp, người nuôi ngao khắc phục những hạn chế này, đảm bảo cung ứng đầy đủ ngao nguyên liệu cho thị trường xuất khẩu, hướng tới nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm. Theo đó, hàng loạt giải pháp được đặt ra bắt đầu từ việc xây dựng trại giống, đảm bảo cung ứng đủ giống đạt tiêu chuẩn để sản xuất ngao thương phẩm; thống nhất lại quy trình, phương pháp nuôi và đảm bảo môi trường an toàn cho ngao phát triển, xây dựng, quy hoạch vùng sản xuất lớn, liên kết sản xuất, áp dụng các quy chuẩn an toàn theo đúng quy định của quốc gia, quốc tế. Tiếp tục nâng tầm công nghệ chế biến ngao để giảm dần xuất khẩu sản phẩm thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ như sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền. Tổ chức có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm tới các tỉnh, thành phố trên cả nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Sở NN và PTNT phối hợp Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Nam Định - Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam”. Với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành chức năng và các tổ chức quốc tế, tháng 5-2020, “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) có quy mô 500ha, sản lượng 10 nghìn tấn/năm đã vinh dự là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata. Đây là khởi đầu cho mô hình liên kết sản xuất ngao đạt tiêu chuẩn quốc tế mà hơn 50% thị trường nhập khẩu ngao yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận này. Do đó cần nhanh chóng nhân rộng mô hình sản xuất theo quy chuẩn ASC cho các vùng nuôi khác trên địa bàn để nghề nuôi ngao phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tại diễn đàn phát triển thị trường tiêu thụ ngao, hàu tại các tỉnh ven biển phía Bắc tổ chức tại tỉnh Thái Bình trong tháng 12-2020, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Vùng nuôi ngao của tỉnh vẫn còn khoảng 3.000ha ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, có khả năng đạt chứng nhận ASC. Đồng thời đề nghị Bộ NN và PTNT, các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, chế biến ngao xuất khẩu và chứng nhận ASC đối với các vùng nuôi ngao khác trên địa bàn tỉnh. Cùng với chính quyền địa phương, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Bộ NN và PTNT, các chuyên gia Hà Lan xây dựng trại giống ngao đạt tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa lại quy trình nuôi. Bên cạnh đó, công ty cũng đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ chế biến các phụ phẩm nước cốt ngao, vỏ ngao làm mỹ phẩm, dược phẩm, nước giải khát, thức ăn chăn nuôi… để đa dạng hóa mặt hàng, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm và hạn chế thải loại ra môi trường. Các địa phương có vùng nuôi ngao cũng nghiên cứu có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về địa phương phối hợp cùng người nuôi liên kết, sản xuất ngao bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống và thu nhập cho người dân. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình tại cơ sở, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý vùng nuôi, giám sát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên đang là cách chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh ta quyết tâm đưa nghề nuôi ngao vươn lên tầm cao mới và tiến tới thống nhất xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Ngao Nam Định./.