Để hàng Việt 'ăn sâu, bén rễ' ở thị trường Thái
Trong khi người tiêu dùng Việt Nam gần như đã rất quen thuộc với thương hiệu hàng hóa của Thái Lan từ hàng gia dụng, tiêu dùng tới nhiều loại nông sản thì hàng Việt đến với thị trường Thái Lan vẫn là hành trình mới khởi đầu.
Gần 100 doanh nghiệp Việt Nam vừa tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan do Bộ Công Thương và Tập đoàn Central Retail tổ chức. Các doanh nghiệp tham gia với mong muốn có kết nối giao thương với các hệ thống phân phối bán lẻ tại Thái Lan.
Việt Nam vẫn nhập siêu từ Thái Lan
Theo thông tin từ Cetral Retail, chương trình tuần hàng trên đã giúp cho 19 doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp và ổn định sang Thái Lan thông qua chuỗi siêu thị của Central Group Thái Lan, tiêu biểu như các thương hiệu: King Coffee (cà phê hòa tan), Mr. Viet (cà phê), Trung Nguyen (cà phê), Real Bean Coffee (cà phê hạt và cà phê bột), Bibica (snack), Acecook (mì gói), Vifon (phở ăn liền), Hai Binh (hạt điều rang củi), Chinsufoods (xì dầu), Daiviet (cháo ăn liền), Viet Pepper (hạt tiêu)...
Thêm vào đó, nhiều mặt hàng trái cây Việt Nam cũng đang thu hút người tiêu dùng Thái Lan. Tại siêu thị Tops (nằm trong Trung tâm thương mại CentralwOrld - Thủ đô Bangkok), người tiêu dùng Thái Lan có thể mua trái nhãn nhập khẩu từ Việt Nam – loại nhãn theo tiêu chuẩn Global GAP, thu hoạch tại vùng trồng có mã số đạt chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu đi thị trường Thái Lan.
Với giá bán khuyến mãi hấp dẫn 259 Baht/500g, giảm giá chỉ còn 169 Baht/500g (khoảng 230.000 đồng/kg), dự kiến có khoảng 2,3 tấn nhãn đến từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ được tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ Tops.
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, năm ngoái, đơn vị này đã thử nghiệm xuất khẩu gần 1 tấn trái nhãn sang Thái Lan và nhận thấy người tiêu dùng Thái Lan rất thích sản phẩm này. “Đây cũng là lý do năm nay, chúng tôi xuất khẩu nhãn sang Thái Lan tăng trưởng 140% so với năm ngoái”, ông cho biết.
Mặc dù có những tín hiệu khởi sắc nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, sự diện của hàng Việt trên đất Thái vẫn là hành trình còn nhiều việc phải làm. Trong những năm qua, Thái Lan luôn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan chỉ đạt trung bình khoảng 7 tỷ USD mỗi năm.
Năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đến Thái Lan chỉ đạt 7,5 tỷ USD, tăng 21,5%; trong khi nhập khẩu từ Thái Lan là 14,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu trên cho thấy rõ ràng Việt Nam đang nhập siêu hàng hóa từ quốc gia láng giềng.
7 tháng 2023, xuất khẩu sang Thái Lan giảm nhẹ 3%, với 4,12 tỷ USD, nhập khẩu đạt 6,76 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu suy giảm là do chịu tác động từ kinh tế toàn cầu gặp khó, lạm phát gia tăng.
Một trong những lý do khiến hàng Việt khó cạnh tranh ở thị trường Thái là do tính tương đồng của các mặt hàng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận cơ hội ở thị trường Thái là rất lớn. Theo bà Võ Thị Thanh Huyền, đại diện Công ty CP Dh Foods - công ty chuyên về gia vị, muối chấm, đánh giá: Thái Lan là thiên đường ẩm thực và đồ ăn, kể cả gia vị. Việt Nam vẫn có cơ lợi thế và cung cấp thêm những sản phẩm đặc trưng.
Tuy vậy, vị đại diện Dh Foods cũng lưu ý, cánh cửa vào Thái Lan rộng đến đâu còn phụ thuộc vào độ chuyên nghiệp của doanh nghiệp, từ chất lượng, bao bì và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết.
Học từ chính cách mà người Thái đã làm
Từ kinh nghiệm xuất khẩu thành công vào thị trường Thái Lan, bà Văn Thị Loan, Giám đốc Real Bean Coffee cho biết, thị trường tiêu dùng Thái Lan khá tương đồng với Việt Nam về mặt sản phẩm, nhưng thị hiếu có một số khác biệt về cách đóng gói, kích thước… do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin trước để có sự chuẩn bị, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn để vào hệ thống phân phối.
“Để hấp dẫn được người tiêu dùng Thái Lan, không chỉ cần sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng mà cần có cả câu chuyện sản phẩm thú vị, độc đáo. Ngoài ra, người Thái Lan cũng rất ưu tiên các giá trị bền vững trong quá trình sản xuất như thân thiện môi trường, bao bì có thể tái chế được", bà Loan nói.
Thêm vào đó, hàng Việt cũng cần nhìn cách mà người Thái thâm nhập thị trường Việt Nam để tạo dựng những bước đi mới cho sản phẩm của mình. Thực tế, doanh nghiệp Thái Lan luôn rất chỉn chu, kỹ lưỡng từ bao bì đến chất lượng sản phẩm, vì những sản phẩm có bao bì tốt sẽ được yêu thích hơn sản phẩm sơ sài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rào cản như ngôn ngữ, kỹ thuật, ít tiếp xúc với các thị trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Thái Lan nên tìm hiểu kỹ thị trường này, có những mặt hàng nào khác với Việt Nam, phải sản xuất và đóng gói thế nào để bán được?
Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, trong khi chúng ta còn đang bán sầu riêng tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Đây là cách giúp sản phẩm Thái Lan tiến vững ở thị trường nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thâm nhập tốt thị trường Thái Lan thì hàng Việt cần thêm các hệ thống phân phối tại Thái Lan để đưa sản phẩm có thể tới gần, ăn sâu bén rễ tại thị trường này.