Để hệ giá trị con người Việt Nam đi vào cuộc sống
Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người là vô cùng cần thiết, quan trọng và cấp bách. Và để các hệ giá trị đó hiện hữu, đi vào cuộc sống, cần những chuẩn mực cụ thể tương ứng.
Những giá trị hiện hữu
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, bao trùm thì việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người cùng với đó là những chuẩn mực cụ thể tương ứng là vô cùng cần thiết, quan trọng và cấp bách.
Theo TS Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP HCM: Hệ giá trị con người là một đại lượng khái quát còn chung chung (tất nhiên không tách rời hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình). Hệ giá trị con người phải được cụ thể hóa thành chuẩn mực con người mới dễ đi vào đời sống, hướng dẫn trực tiếp ý thức và hành vi con người, giống như quy phạm pháp luật hay quy ước của các hương ước, gia ước/ gia phong…
Thực tế có nhiều ví dụ như vậy. Điển hình như lời dạy thanh, thiếu niên hay những lời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa một cách dễ nhớ, dễ hiểu. Đó cũng được xem là những chuẩn mực:
5 điều Bác Hồ dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/ Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Bác nhắc nhở, khuyên cán bộ, đảng viên: Cần, kiệm, liêm, chính, Chí công, vô tư; hay với các thầy thuốc, bác sĩ thì Người nói: Lương y như từ mẫu…
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII viết: "Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội". Nghị quyết cũng xác định 5 (nhóm) đức tính, giá trị chuẩn mực cần xây dựng gồm: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc
Đó là những quy ước, tiêu chí, chỉ dẫn, hướng dẫn hành vi rất cụ thể, thiết thực.
Hệ chuẩn mực do hệ giá trị quy định trực tiếp. Song cần dựa trên hoàn cảnh, yêu cầu cụ thể của đối tượng, giai tầng, nghề nghiệp và trình độ phát triển kinh tế- văn hóa xã hội mà cụ thể hóa hệ chuẩn mực con người Việt Nam cho phù hợp. Ví dụ con người trong trường học, trong doanh nhiệp… có thể có những chuẩn mực khác nhau ở mức độ khác nhau.
Nhưng để xây dựng được như vậy, thì từ hệ giá trị chúng ta cụ thể thành hệ chuẩn mực con người Việt Nam chung để dựa vào đó mà cụ thể hóa thành các tầng lớp người cụ thể hơn nữa. Có 3 tầng: Hệ giá trị con người Việt Nam; Hệ chuẩn mực con người chung; Hệ chuẩn mực con người cụ thể.
Khi nói tới xây dựng hệ chuẩn mực con người Việt Nam cụ thể đang bàn ở chủ yếu bao gồm tám giá trị cốt lõi của người Việt Nam ngày nay mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Nhưng vì tính phong phú của hệ giá trị, nhất là hệ giá trị chuẩn mực nên có thể cũng cần cụ thể hóa, bổ sung thêm một số giá trị khác và cụ thể hóa thành những chuẩn mực cụ thể.
Giá trị của con người là những phẩm chất, năng lực, kỹ năng hành vi, yêu cầu quan trọng trong quá trình sống và hoạt động lặp đi lặp lại một cách phổ biến trong một thời kỳ lịch sử nhất định của con người được định hình hay sẽ định hình. Do đó sẽ có rất nhiều giá trị - chuẩn mực cụ thể. Ngoài các giá trị - chuẩn mực cốt lõi, khi cụ thể hóa cần bổ sung thêm giá trị - chuẩn mực khác tùy theo từng đối tượng nghề nghiệp, đơn vị cho phù hợp.
Vấn đề phát triển con người toàn diện đã được Đại hội IX của Đảng xác định: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Tiếp đó, các kỳ Đại hội X, XI, XII, XIII cũng đưa ra các chuẩn giá trị vừa có sự tương đồng và vừa có sự khác biệt về số giá trị và cách gọi các giá trị.
Trên cơ sở nghiên cứu và khảo sát riêng, PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nêu lên bảng giá trị Việt, góp phần thảo luận về xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đó là: (1) Tinh thần yêu nước; (2) Tinh thần nhân ái; (3) Anh hùng, dũng cảm; (4) Biết chấp nhận (nhẫn), tiếp thu; (5) Hiếu học; (6) Sáng tạo; (7) Cần cù; (8) Lạc quan; (9) Trọng đạo lý; (10) Ưa ổn định.
Dù có những biến động nhưng các giá trị này không biến mất mà đang được tiếp tục củng cố, có những hình thức biểu hiện mới với những mức độ khác nhau.
Dễ nhớ, dễ thực hiện
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học trên nền tảng hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc". Kết luận trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tám giá trị cốt lõi là một sự khái quát, tổng kết ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Để cụ thể hóa những giá trị đó trong đời sống, theo TS Hồ Bá Thâm, những vấn đề không được đưa vào luật thì để dưới dạng quy ước cộng đồng mang tính vận động của các đoàn thể, giai tầng, tổ chức, quy định gắn với chuẩn mực về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, khu dân cư, đơn vị công tác…
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng hệ giá trị, hệ chuẩn mực con người Việt Nam nói chung để từ đó các đơn vị, cá nhân biết, cụ thể hóa, áp dụng, thực hiện cho phù hợp.
Việc thực hiện hệ chuẩn mực con người Việt Nam cần gắn với hệ chuẩn mực gia đình văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đơn vị, xóm ấp, tổ, khu phố văn minh..
Cán bộ, đảng viên phải làm gương thực hiện hệ chuẩn mực con người Việt Nam ở nơi sinh sống, nơi công tác, học tập, lao động…
Nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi lệch chuẩn.
Lồng ghép quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cả về nội dung và tổ chức bộ máy, kiểm tra, theo dõi, đánh giá rút kinh nghiệm hằng năm./.