Để hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững

Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên vừa tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tại Việt Nam”. Qua đó tạo cơ hội cho các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên và người làm thực tế học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)..., góp phần phát triển hệ thống QTDND an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến tâm huyết tại hội thảo..

PGS.TS ĐÀO MINH PHÚC, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG HỌC VIỆN NGÂN HÀNG: Điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý

Thực tế thời gian qua cho thấy, trong khi các ngân hàng thương mại chưa đủ sức đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, thì hệ thống QTDND đã khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp không nhỏ trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân nông thôn, tạo thêm công ăn việc làm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động, hệ thống QTDND vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém và bất cập trong tổ chức và hoạt động. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau, bên cạnh sự phát triển nền kinh tế xã hội, về chính sách và cơ chế kinh tế, thì gần đây, một số QTDND có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, không tuân thủ các quy định phát luật, buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ...

Ngoài ra, công tác quản lý, thanh tra, giám sát của một số Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với các QTDND còn hạn chế, thiếu quyết liệt, dẫn đến một số QTDND hoạt động có vấn đề, tiềm ẩn rủi ro rất lớn, đe dọa sự an toàn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh về cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước đối với các QTDND.

TS NGUYỄN THỊ KIM THANH, PHÓ TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI QTDND: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ

Để củng cố và phát triển hệ thống QTDND, thời gian qua, Hiệp hội QTDND Việt Nam không chỉ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ QTDND, mà còn kịp thời đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, thông tin giữa các QTDND hội viên; tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cho hệ thống cũng như những thông tin, văn bản pháp luật mới của cơ quan quản lý để các QTDND nắm bắt kịp thời và hoạt động đảm bảo tính tuân thủ...

Bên cạnh sự hỗ trợ của hiệp hội, từng QTDND cần đặt ra chiến lược phát triển cho mình thông qua việc thúc đẩy đào tạo nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ, quản trị điều hành, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ QTDND. Ngoài ra, quỹ cần xây dựng và triển khai các giải pháp tổng thể để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các cá nhân đang tham gia vào các lĩnh vực ưu tiên, từ đó mà các đối tượng này tăng tính chủ động, đánh giá được lợi ích, rủi ro khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức cung ứng tín dụng.

Hoạt động của các QTDND cũng cần bám sát tôn chỉ, mục đích và theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước; chú trọng yếu tố con người thông qua việc chuẩn hóa yêu cầu đầu vào, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ...

ÔNG TĂNG HẢI CHÂU, GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH ĐẮK LẮK: Khuyến khích mở rộng quy mô

Các QTDND được chia làm 3 nhóm: quỹ có quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn. Thời gian qua, một số nhà quản lý cho rằng, QTDND đang phát triển quá “nóng”. Đối với họ, các quỹ có tổng tài sản trên trên 500 tỉ đồng đã được xem là quỹ có quy mô lớn, cần được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế, tôi nhận thấy quỹ có quy mô lớn (tổng tài sản trên 500 tỉ đồng) thường được xếp hạng tín dụng loại A, tức là hoạt động tốt. Điều này đồng nghĩa với việc quỹ có quy mô nhất định thì mới có thể đảm bảo các điều kiện an toàn khi phát triển. Từ thực tế này, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần khuyến khích các QTDND phát triển lên quỹ có quy mô lớn. Chỉ đến khi quỹ có tổng tài sản trên 2.000 tỉ đồng mới cần yêu cầu họ chuyển đổi mô hình thành ngân hàng thương mại cổ phần.

Với những quỹ có quy mô nhỏ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, một là tạo điều kiện cho họ lớn lên, để gia nhập vào nhóm QTDND có quy mô vừa. Hai là tìm cách sáp nhập hoặc giải thể nếu họ không thể phát triển.

Đối với địa bàn hoạt động của quỹ, nhiều nhà quản lý tỏ ra nghi ngại nhóm các QTDND hoạt động liên phường, xã. Nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc hạn chế phạm vi hoạt động của QTDND không khác nào “chặt tay chặt chân” các quỹ này. Khi hoạch định cơ chế chính sách, phải tính đến việc tạo điều kiện cho QTDND lớn lên, để họ được hoạt động liên phường, xã nếu vẫn đảm bảo các tiêu chí an toàn.

ThS HOÀNG VĂN TUẤN, PHÓ GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN NGÂN HÀNG - PHÂN VIỆN PHÚ YÊN: Giảm thiểu mất an toàn trong hoạt động

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống QTDND nảy sinh một số yếu kém, bất cập, hạn chế dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động cả hệ thống QTDND. Các vấn đề liên quan đến sự mất an toàn trong hoạt động của QTDND có thể nhận diện là mức vốn điều lệ còn thấp; tăng, giảm vốn điều lệ tùy tiện. Tổ chức nhân sự, đặc biệt là Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát xáo trộn thường xuyên. Việc bầu, bãi nhiệm các chức danh không đúng trình tự, thủ tục. Địa bàn hoạt động của QTDND vượt quá địa bàn cho phép và giao dịch với khách hàng ngoài thành viên không đúng quy định. Nợ quá hạn, đặc biệt là nợ dưới tiêu chuẩn, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỉ trọng cao trong tổng dư nợ và có chiều hướng gia tăng trong khi quỹ dự phòng rủi ro không đủ khả năng bù đắp...

Để giảm thiểu mất an toàn trong hoạt động QTDND, cần có giải pháp đồng bộ nhằm tăng mức vốn điều lệ đối với QTDND có vốn điều lệ còn thấp. Bên cạnh đó, cần kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Có cơ cấu tổ chức hợp lý, hiệu quả, phân quyền, phân nhiệm rõ ràng. Có chính sách nhân sự phù hợp, khuyến khích mọi người trong công việc đồng thời duy trì kỷ luật nội bộ. Tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo, học hỏi lẫn nhau giữa các QTDND để nâng cao kiến thức về nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát QTDND.

BÀ NGUYỄN THỊ BÍCH THI, ĐẠI DIỆN QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN NINH HÒA (KHÁNH HÒA): Đa dạng hóa sản phẩm

QTDND thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2016. Với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, quỹ xác định việc phát triển sản phẩm theo định hướng thị trường, phục vụ tốt nhất nhu cầu khách hàng là giải pháp quyết định sự tồn tại và phát triển của đơn vị. Vì vậy, QTDND Ninh Hòa không ngừng đổi mới, xây dựng và ban hành các sản phẩm dịch vụ đa dạng, từ cho vay, tiết kiệm đến chuyển tiền. Bên cạnh đó, quỹ lên kế hoạch bán hàng, tiếp thị rõ ràng, cụ thể; chú trọng công tác chăm sóc khách hàng; cải cách và đơn giản hóa thủ tục giao dịch nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định...

Qua quá trình hoạt động, QTDND Ninh Hòa nhận thấy để có thể phát triển sản phẩm dịch vụ tại QTDND, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững thì cần lưu ý một số vấn đề cốt lõi. Cụ thể, sản phẩm phải phù hợp với đặc thù của địa phương; có sự khác biệt với các tổ chức tín dụng khác để cạnh tranh và đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu của từng đối tượng khách hàng... Thiết kế các sản phẩm đặc thù, khó bắt chước, phù hợp địa phương và đối tượng phục vụ. Điển hình như các sản phẩm riêng biệt của QTDND Ninh Hòa đang triển khai hiện nay gồm: cho vay làng nghề trồng hoa cúc tết với thời hạn dưới 8 tháng; cho vay trao tặng người thân; sản phẩm gửi góp với số tiền tích cóp nhỏ lẻ, không giới hạn thời gian gửi trong suốt thời hạn đăng ký.

Bản thân các QTDND cũng cần có các giải pháp để tự mình chấn chỉnh, củng cố những vấn đề còn bất cập về tổ chức và hoạt động để QTDND thực sự hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả. PGS.TS Đào Minh Phúc

LÊ HẢO (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/241840/de-he-thong-quy-tin-dung-nhan-dan-phat-trien-ben-vung.html