Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng dư nợ
12% là mức tăng trưởng tín dụng hàng năm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 mà UBND tỉnh đưa ra nhằm hiện thực hóa một phần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh - đơn vị chủ trì tham mưu cho tỉnh tổ chức thực hiện nội dung này thì việc thực hiện mục tiêu này không đơn giản, nhất là năm 2021. Do đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tăng khả năng đầu tư.
Tính đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đối với nền kinh tế đạt 62.488 tỷ đồng, tăng 9,34% so với cuối năm 2019. Như vậy, để tăng 12% dư nợ trong năm nay thì các tổ chức tín dụng cần cho vay thêm 7,5 nghìn tỷ đồng. Nếu trong điều kiện bình thường, đây không phải là mục tiêu khó, bởi thực tế cho thấy, trước năm 2020, khi chưa xuất hiện dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động ổn định nên đều có nhu cầu duy trì hoặc tăng thêm nguồn vốn vay để mở rộng quy mô. Vì thế, nhiều ngân hàng đến cuối năm còn phải đề xuất với hội sở chính để điều chỉnh tăng dư nợ cho vay.
Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa đã khiến nhu cầu tăng dư nợ hạn chế. Chỉ số ít doanh nghiệp do nhạy bén chuyển đổi mặt hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như chú ý hơn thị trường trong nước mới có nhu cầu tăng thêm vốn. Do đó, trong số 33 tổ chức tín dụng trên địa bàn, có tới 1/3 số đơn vị tăng trưởng tín dụng âm; 1/3 tăng trưởng nhưng không đáng kể; còn lại tăng từ dưới 100 tỷ đồng đến trên 1 nghìn tỷ đồng/tổ chức tín dụng.
Bước sang năm 2021, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam phải trải qua đợt tái bùng phát lần thứ 3 ngay trong những ngày tháng 1 đến nay, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Chính vì thế, ông Bùi Văn Khoa cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2021 này là không hề đơn giản và phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát dịch của thế giới, trong nước, cũng như trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng cho rằng: Không phải không có những dấu hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng nói riêng, khi mà những tháng gần đây, tỉnh ta tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; một số dự án đã, đang tiếp tục được triển khai; lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ổn định ở mức thấp… Chính vì thế, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì chắc chắn, dư nợ tín dụng cho vay sẽ khả quan hơn năm 2020.
Còn theo đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thì các giải pháp đang được các đơn vị tích cực triển khai đó là: Tăng cường tìm kiếm nguồn khách hàng cả bán buôn và bán lẻ; áp dụng lãi suất cho vay phù hợp; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi nhất nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc an toàn, đúng quy định của pháp luật; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay…
Ngoài ra, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 12% trong năm nay và các năm tiếp theo, thì một vấn đề khác cũng được cho là hết sức cần thiết đó là sự phối hợp vào cuộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu. Có như vậy, các ngân hàng mới tự tin và yên tâm hơn trong tăng trưởng tín dụng.