Để Hiệp ước trở thành ngọn hải đăng của hy vọng
Vòng đàm phán thứ tư của Liên Hợp Quốc nhằm hướng tới một hiệp ước toàn cầu đầu tiên về tình trạng ô nhiễm nhựa sẽ bắt đầu ngày 23.4 tại thành phố Ottawa, Canada. Dự kiến kéo dài 1 tuần, đây là vòng đàm phán mới nhất, được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những điểm vướng mắc cần được giải quyết sau vòng đàm phán cuối cùng ở Kenya cách đây 5 tháng. Nếu thành công, thế giới sẽ chứng kiến một thỏa thuận môi trường lớn thứ hai kể từ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu là gì?
Tại Hội nghị Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2022, các quốc gia trên thế giới đã nhất trí xây dựng một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024 để giải quyết thảm họa ô nhiễm nhựa, vốn đang được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ đỉnh núi đến đáy đại dương, cũng như trong máu người và sữa mẹ.
Được đề xuất bởi Peru và Rwanda, với sự hỗ trợ từ 27 quốc gia và hơn 750 nhóm xã hội dân sự, hiệp ước này sẽ quản lý toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khâu khai thác nhiên liệu hóa thạch, thiết kế nhựa cũng như quá trình sản xuất, tiêu thụ và quản lý chất thải liên quan. Mục tiêu bao trùm của hiệp ước là hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ưu tiên các vật liệu có thể tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.
Giống như Thỏa thuận khí hậu Paris, Hiệp ước được kỳ vọng sẽ đưa ra cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý để bảo đảm rằng tất cả các quốc gia cùng nhau hướng tới một giải pháp và có thể chịu trách nhiệm với các tiêu chuẩn mới trong các ngành sử dụng nhựa và phát triển hệ thống quản lý chất thải hiệu quả.
Thừa nhận sự chênh lệch lớn về tài nguyên trên thế giới, đề xuất này cũng kêu gọi tài trợ toàn cầu để hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi khỏi nhựa, giống như Thỏa thuận khí hậu Paris kêu gọi tài trợ khí hậu.
Kể từ năm 2022, các nhà đàm phán đã gặp nhau ba lần và dự kiến sau cuộc đàm phán ở Ottawa, sẽ tổ chức vòng đàm phán cuối cùng tại Hàn Quốc trước đi đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay.
Nhựa là hệ số nhân của các mối nguy cơ
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), thế giới hiện đang thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm nhưng chưa đến 10% trong số rác thải nhựa này được đem đi tái chế. Số lượng rác thải nhựa được đem đi tái chế quá ít trong khi số lượng nhựa được sản xuất ra và vứt bỏ không ngừng tăng theo thời gian, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe con người.
Tác động của ô nhiễm nhựa có thể nhận thấy rõ ràng trên toàn thế giới, đặc biệt là trong môi trường biển. Đại dương chứa đầy nhựa và gây hại nghiêm trọng cho động vật hoang dã. Cả những động vật biển lớn như cá voi, hải cẩu, rùa và những động vật nhỏ như nhuyễn thể, san hô đều đang bị thương, bị nhiễm độc và tử vong do rác thải nhựa.
“Nhựa là hệ số nhân của mối đe dọa”, Trisia Farrelly, một nhà nhân chủng học môi trường, đã viết trong Conversation. “Chúng có thể tác động cùng với các yếu tố gây nguy hiểm khác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và khai thác quá mức tài nguyên biển, tạo ra những thiệt hại lớn hơn nhiều so với khi chúng xảy ra riêng lẻ”.
Không chỉ những sinh vật biển mới đang bị tổn hại bởi nhựa. Theo thời gian, nhựa phân hủy thành các hạt vi mô và nano xâm nhập vào nước uống, thực phẩm và không khí. Các nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng nó có thể tích tụ khắp cơ thể và ngay cả bào thai cũng được phát hiện bị nhiễm vi nhựa .
Ngoài những hậu quả về sức khỏe, sự phụ thuộc toàn cầu vào nhựa còn góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch, cũng chính là nhiên liệu hóa thạch đang làm nóng bầu khí quyển và gây ra các sự kiện thảm khốc toàn cầu. Một báo cáo tuần trước từ Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley liên bang Hoa Kỳ cho biết, ngành nhựa hiện chiếm 5% lượng khí thải carbon toàn cầu. Báo cáo ước tính đến năm 2050, khoảng 20% nhiên liệu hóa thạch sẽ được dùng để sản xuất nhựa.
Thách thức ở Ottawa
Các cuộc đàm phán tuần này được coi là cuộc đàm phán lớn nhất từ trước đến nay, với khoảng 3.500 cá nhân đăng ký tham dự, bao gồm các nhà vận động hành lang, các nhà khoa học và các tổ chức phi lợi nhuận về môi trường.
Tuy nhiên, các quốc gia đã bị chia rẽ về các vấn đề này trong ba vòng đàm phán trước đó - được tổ chức tại Punta del Este của Uruguay, Paris của Pháp và gần đây nhất là ở Nairobi của Kenya.
Tại cuộc đàm phán ở Nairobi vào tháng 11.2023, dự thảo hiệp ước đang được xem xét đã tăng từ 30 trang lên 70 trang khi một số quốc gia nhất quyết phản đối các biện pháp tham vọng hơn như hạn chế sản xuất và loại bỏ dần việc sử dụng nhựa.
Tổ chức Đại dương Tara chỉ ra rằng văn bản dự thảo dài từ 31 đến 70 trang là một dấu hiệu cho thấy các điều khoản chính của hiệp ước "vẫn chưa được xác định", buộc các nhà đàm phán phải cân nhắc tất cả các lựa chọn.
Các quốc gia trong đó có Pháp đang kêu gọi thành lập các nhóm làm việc xen kẽ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt: xác định sản phẩm nhựa nào có vấn đề và có thể tránh được, loại polyme và chất nào nên bị cấm cũng như củng cố các tiêu chí thiết kế sinh thái.
Quan điểm của các bên
Nhiều quốc gia sản xuất nhựa và hóa dầu bao gồm Ảrập Xêút, Iran và Trung Quốc - được gọi chung là “Nhóm các quốc gia có cùng quan điểm” - phản đối kịch liệt việc đề cập đến giới hạn sản xuất. Nhóm này đã ngăn chặn các quốc gia khác thảo luận về bất kỳ từ ngữ nào trong hiệp ước kêu gọi hạn chế sản xuất, tiết lộ hóa chất hoặc đưa ra lịch trình cắt giảm sau phiên họp tại Nairobi năm ngoái.
Trong khi đó, "Liên minh tham vọng cao" gồm 60 quốc gia, bao gồm các nước EU, các quốc đảo, Nhật Bản và UAE, muốn chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Được hỗ trợ bởi một số nhóm bảo vệ môi trường, liên minh này đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ với các điều khoản ràng buộc để “hạn chế và giảm thiểu việc sản xuất và tiêu thụ nhựa nguyên chất có nguồn gốc từ hóa dầu xuống mức bền vững”. Họ cũng đang đề xuất các biện pháp như loại bỏ dần các loại nhựa sử dụng một lần và cấm một số chất phụ gia hóa học có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Hoa Kỳ cũng ủng hộ kế hoạch chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Nhưng không giống như Liên minh tham vọng cao, Hoa Kỳ muốn các nước đặt ra kế hoạch riêng để thực hiện điều đó và trình bày chi tiết những kế hoạch đó trong các cam kết được gửi thường xuyên tới Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó,Nhóm thương mại Đối tác Toàn cầu về thông tư nhựa đại diện cho các nhà sản xuất hóa dầu lớn bao gồm các thành viên của Hội đồng Hóa chất Hoa Kỳ và Nhựa châu Âu, là bên phản đối mọi giới hạn về sản xuất. Nhóm này lập luận rằng, việc đưa ra giới hạn sản xuất sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao, gây gánh nặng cho người tiêu dùng và hiệp ước chỉ nên giải quyết vấn đề nhựa sau khi chúng được sản xuất.
Các công ty này muốn tập trung vào việc khuyến khích tái sử dụng hoặc tái chế nhựa; phát triển thị trường đốt nhựa làm nhiên liệu, mặc dù một cuộc điều tra trước đây của Reuters đã phát hiện ra những trở ngại to lớn trong phương pháp này. Tính minh bạch về hóa chất được sử dụng trong sản xuất, nhóm cho biết các công ty nên được phép tiết lộ những hóa chất đó một cách tự nguyện.
Dự kiến vòng đàm phán diễn ra trong 1 tuần, đến ngày 1.5, với mục tiêu hoàn tất hiệp ước để phê chuẩn vào tháng 12 tới. Nếu được thông qua, đây sẽ là thỏa thuận môi trường quan trọng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015.
Tổ chức Hòa bình xanh cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới cần thực sự quyết tâm để Hiệp ước chống ô nhiễm toàn cầu trở thành ngọn hải đăng hy vọng, đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên nhựa và đảo ngược xu hướng ô nhiễm nhựa.