Để hoàn thành sứ mệnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Kỷ nguyên vươn mình

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (T.Ư MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến đặt vấn đề, với trách nhiệm của mình, MTTQ Việt Nam phải làm gì để đất nước đạt được mục tiêu đề ra và thời gian tới đạt được mức tăng trưởng 2 con số?

Chiều nay, 19/2, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ hai khóa X.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể T.Ư, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì hội nghị.

Chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ hai khóa X - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ hai khóa X - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nâng cao vai trò, chất lượng lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ chính trị của MTTQ Việt Nam

Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 2, khóa X của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam được tổ chức trong thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định.

Đặc biệt, Hội nghị được tổ chức đúng dịp Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Đảng bộ MTTQ, các đoàn thể T.Ư (với 22 đảng bộ và chi bộ trực thuộc) nhằm nâng cao vai trò, chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ chính trị của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tập hợp, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình, xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng trong thời gian tới.

Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, tại Hội nghị lần này, Đoàn Chủ tịch tập trung thảo luận, thống nhất về: Dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; cho ý kiến về báo cáo của Ban thường trực thành lập các Hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029; các nội dung về công tác nhân sự theo thẩm quyền; chương trình Hội nghị Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X lần thứ 3; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của các tầng lớp Nhân dân.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày Tờ trình xin ý kiến về Quy chế hoạt động của Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Theo đó, dự thảo Quy chế được xây dựng căn cứ Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa X (sửa đổi, bổ sung); các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quy định của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền và tình hình thực tiễn, hoạt động của Đoàn Chủ tịch, Ủy ban T.Ư, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Khóa IX. Đồng thời, kế thừa nội dung Quy chế hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa IX. Dự thảo Quy chế lần này gồm 6 Chương, 20 Điều, tăng so với Quy chế hoạt động của khóa IX là 1 Chương, 1 Điều.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Nhắc tới các nội dung cụ thể được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Quy chế, bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin, dự thảo Quy chế cập nhật một số Quy định mới của Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi về chế độ họp của Ủy ban T.Ư: “Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam họp thường kỳ một năm hai lần, họp chuyên đề hoặc bất thường theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch”; bổ sung nội dung về hình thức tổ chức họp của Ủy ban T.Ư (tại Điều 6): “Trong trường hợp đặc biệt không tổ chức họp được thì sẽ xin ý kiến bằng văn bản”; bổ sung về mối quan hệ với cấp ủy đảng theo quy định hiện nay (tại Điều 16)...

Những điểm trọng tâm trong chương trình làm việc toàn khóa

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy đã trình bày Tờ trình xin ý kiến về Chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Theo đó, về dự kiến số lượng Hội nghị, đối với Hội nghị của Đoàn Chủ tịch, dự thảo Chương trình dự kiến 15 hội nghị, gồm các hội nghị cho ý kiến các nội dung trình hội nghị của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X; 3 hội nghị về công tác bầu cử (năm 2026, theo các bước hiệp thương). Cùng đó, theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam, hàng năm theo định kỳ trước mỗi Kỳ họp của Quốc hội, Đoàn Chủ tịch sẽ họp hoặc cho ý kiến bằng văn bản để thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Đối với Hội nghị của Ủy ban T.Ư, dự thảo Chương trình dự kiến có 13 hội nghị, trong đó có 2 hội nghị đã diễn ra; Hội nghị lần thứ 13 (giữa năm 2029) thông qua các hội dung lần cuối Văn kiện trình Đại hội X MTTQ Việt Nam; 10 hội nghị định kỳ sơ kết 6 tháng đầu năm, tổng kết công tác Mặt trận năm và thông qua chương trình phối hợp, thống nhất hành động năm tiếp theo. Về nội dung, các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban T.Ư sẽ cho ý kiến các nội dung theo thường kỳ.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu

Đối với chương trình làm việc của Đoàn Chủ tịch, theo ông Hoàng Công Thủy, sẽ tập trung các nội dung thông qua các văn bản để trình ra Hội nghị Ủy ban T.Ư; phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước Quốc hội; thực hiện các bước hiệp thương bầu cử.

Cùng với các nội dung công tác Mặt trận theo thường kỳ, các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam còn cho ý kiến đối với các nội dung sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết, về công tác MTTQ Việt Nam và nghị quyết, kết luận của Đoàn Chủ tịch; thảo luận một số nội dung chuyên đề. Đồng thời, dự kiến có 6 báo cáo chuyên đề sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết, về công tác Mặt trận.

Tại các hội nghị diễn ra trong thời gian đầu của nhiệm kỳ sẽ thảo luận 4 chuyên đề và cho ý kiến thảo luận các nội dung: dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu, phản hồi ý kiến giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH; chủ trương đề xuất xây dựng Luật hoạt động giám sát của Nhân dân (về quan điểm, nội dung cơ bản, đề xuất).

Xây dựng Hội đồng tư vấn theo hướng mở rộng đối tượng tham gia

Tại Hội nghị, trình bày báo cáo việc thành lập các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu nêu rõ, Hội đồng tư vấn là tổ chức hoạt động không chuyên trách của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, có chức năng tư vấn giúp Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam những nội dung liên quan các lĩnh vực hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Đồng thời, kế thừa về tổ chức, số lượng, cơ cấu thành phần của Hội đồng tư vấn (khóa IX), xây dựng Hội đồng tư vấn (khóa X) theo hướng mở rộng đối tượng tham gia là các vị Ủy viên Đoàn chủ tịch, Ủy viên Ủy ban, Chủ tịch Mặt trận các tỉnh, TP; chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực... có uy tín, tâm huyết với công tác Mặt trận. Hội đồng tư vấn hoạt động công khai, dân chủ, đúng quy chế hoạt động và định của Điều lệ MTTQ Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Theo đó, Hội đồng tư vấn khóa X gồm 7 Hội đồng: Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội, Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, Hội đồng tư vấn về Đối ngoại Nhân dân và Kiều bào, Hội đồng tư vấn về Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số (Khóa IX là Hội đồng tư vấn về Khoa học-giáo dục và Môi trường).

Cơ cấu Hội đồng gồm: Chủ nhiệm Hội đồng cơ cấu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; mỗi Hội đồng cơ cấu 3-4 Phó Chủ nhiệm, trong đó có 1 lãnh đạo ban chuyên môn của Cơ quan Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam có liên quan lĩnh vực hoạt động của Hội đồng; thành viên Hội đồng có từ 20-45 người.

Về nhân sự tham gia các Hội đồng tư vấn, theo bà Tô Thị Bích Châu, trên cơ sở giới thiệu nhân sự của Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn (của khóa IX) và các Ban chuyên môn của cơ quan, Ban Thường trực đã lựa chọn, lập danh sách nhân sự tham gia các Hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X với số lượng 187 vị/7 Hội đồng tư vấn.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến các nội dung của Quy chế. Theo các ý kiến, Quy chế cần nghiên cứu điều chỉnh một số điều, nội dung để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, quy định của Hiến pháp, pháp luật, Luật MTTQ Việt Nam và Điều lệ MTTQ Việt Nam; rà soát, điều chỉnh phù hợp các nội dung về quy định chế độ họp; quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của Ban Thường trực; mối quan hệ giữa Ban Thường trực ở cấp T.Ư với địa phương…

Các ý kiến cũng đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung một số hội nghị chuyên đề bàn, góp ý đối với sự phát triển đất nước, nhất là các vấn đề liên quan phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc; vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển KH-XN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...

Đáng chú ý, đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua tờ trình về nhân sự để giới thiệu Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam hiệp thương cử bổ sung bà Nguyễn Thị Tuyến- Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội LHPN Việt Nam và ông Đinh Công Thực- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Nâng cao thực chất hoạt động công tác Mặt trận

Thay mặt chủ tọa phát biểu bế mạc Hội nghị, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã đề cập tới 4 nội dung mà đại biểu đề cập.

Trong đó, Quy chế hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam là văn bản hết sức quan trọng, quy định về nguyên tắc, chế độ làm việc, quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực theo Luật MTTQ Việt Nam, Điều lệ MTTQ Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở thực tiễn.

Quang cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ hai khóa X - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ hai khóa X - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

“Với kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn, tâm huyết, trách nhiệm, các cụ, các vị, các đồng chí đã góp ý nhiều nội dung xác đáng, Ban Thường trực sẽ chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện các Quy chế, bảo đảm cho hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực được thực hiện một cách đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả, nhằm nâng cao thực chất công tác Mặt trận thời gian tới”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Về chương trình làm việc toàn khóa của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đây là văn bản định hướng có vai trò quan trọng đối với hoạt động của MTTQ trong nhiệm kỳ 2024-2029. Chương trình toàn khóa có tính chất khung, quá trình vận hành sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ.

Về việc thành lập các Hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029, Đoàn Chủ tịch giao Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam lựa chọn, ra quyết định thành lập các Hội đồng tư vấn và Ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của các Hội đồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hội đồng tư vấn hoạt động với yêu cầu ngày càng cao.

“Ban Thường trực sẽ nghiên cứu, ban hành chính sách cho phù hợp hoạt động của Hội đồng tư vấn, sao cho các hoạt động của Hội đồng phải gắn với hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, của các ban chuyên môn và giúp các ban thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình; gắn với hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP và của các tổ chức thành viên. Thành viên của Hội đồng tư vấn đều là những người có kinh nghiệm, tâm huyết, khách quan, trung thực- nếu hòa quyện và khai thác được những thế mạnh này thì MTTQ Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao”- ông Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Đặc biệt, đề cập nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị làm rõ sứ mệnh của MTTQ Việt Nam đối với việc triển khai Nghị quyết và có nên phát động cuộc vận động “Toàn dân tiến quân vào khoa học kỹ thuật” không, bởi nội dung Nghị quyết là động lực mạnh mẽ, là bước đột phá để đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới.

“Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Với trách nhiệm của mình, MTTQ Việt Nam phải làm gì để đất nước đạt được mục tiêu đề ra và thời gian tới đạt được mức tăng trưởng 2 con số?”- ông Đỗ Văn Chiến chia sẻ, đồng thời gợi mở một số chuyên đề như: “MTTQ Việt Nam đóng góp vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng”, “MTTQ Việt Nam triển khai chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình, xây dựng đất nước giàu mạnh, thịnh vượng”…

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị trong quý II/2025, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo với sự tham gia của Ban Thường trực, lãnh đạo các Hội đồng tư vấn để bàn và xây dựng phương thức với mong muốn Hội đồng tư vấn có những góp ý thiết thực vào nội dung các chuyên đề này.

Linh Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-hoan-thanh-su-menh-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-trong-ky-nguyen-vuon-minh.html