Để hoạt động ngân hàng đảm bảo an toàn thời kỳ số

PTĐT - Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tín dụng có những diễn biến với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai các giải pháp chủ động phòng ngừa...

Ngành Ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với đảm bảo bí mật thông tin khách hàng.

Ngành Ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với đảm bảo bí mật thông tin khách hàng.

PTĐT - Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, tín dụng có những diễn biến với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai các giải pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước kiềm chế, giảm thiểu tham nhũng và tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm nghiêm trọng để hoạt động ngân hàng an toàn và hiệu quả trong thời kỳ số.

Những thách thức
Hoạt động ngân hàng, kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn các đối tượng tội phạm và nhiều cạm bẫy đối với bất cứ cán bộ ngân hàng có lập trường, tư tưởng không vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ non yếu. Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng phát triển nhanh, đa dạng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hiện đại hóa công nghệ thông tin. Điều này khiến rủi ro an ninh trong lĩnh vực này ngày càng thường trực do sự kết nối mở, liên tục, đa chiều, phức tạp. Trong khi việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn quản lý. Những lo ngại về vấn đề bảo mật trong các giao dịch thanh toán ngày càng tăng. Một số tổ chức tín dụng chạy theo mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng nóng, đầu tư vào các lĩnh vực dễ gặp rủi ro, vi phạm các tiêu chuẩn, quy định an toàn hoạt động ngân hàng. Do đó, thiệt hại liên quan đến lĩnh vực này cũng tăng theo… Ngoài các hành vi giả mạo hồ sơ, chứng từ, thông đồng nội bộ lấy tiền tiết kiệm, tiền vay, đe dọa cướp tiền ngân hàng… như đã xảy ra ở một số ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn trong thời gian qua, hiện nay còn xuất hiện các hình thức vi phạm tinh vi hơn như rửa tiền, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Điển hình là vụ việc xảy ra tại Vietinbank chi nhánh Đền Hùng. Cuối năm 2019, đơn vị nhận được thông tin khách hàng là Công ty cổ phần thương mại thép Đông Hưng thông báo tài khoản của Công ty bị chuyển số tiền 3,140 tỷ đồng nhưng Công ty khẳng định không thực hiện lệnh chuyển tiền. Ngân hàng đã báo cáo NHNN và cơ quan Công an vào cuộc, điều tra và bắt giữ nhóm tội phạm. Các đối tượng này ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu với hành vi thu thập, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản khách hàng rồi giả mạo dấu, chữ ký, lập các giấy tờ ủy nhiệm chi chuyển tiền về tài khoản mở tại chi nhánh Đồng Nai để rút tiền, chiếm đoạt. Hay như vụ việc mua bán trái phép hóa đơn và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Junma Phú Thọ. Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho việc mua, bán hóa đơn khống giữa Công ty TNHH Thương mại Tài Tiến với 5 công ty tại thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng đã cấu kết với cán bộ ngân hàng làm thủ tục thanh toán khống trên hệ thống ngân hàng bằng cách lập giấy nộp tiền khống vào tài khoản của đơn vị, doanh nghiệp mua hóa đơn, đồng thời dùng ủy nhiệm chi khống để làm thủ tục chuyển tiền trên hệ thống từ tài khoản của đơn vị, doanh nghiệp mua hóa đơn đến tài khoản các công ty bán hóa đơn; cùng lúc đó làm thủ tục rút tiền mặt khống khỏi tài khoản. Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã làm thủ tục thanh toán khống qua ngân hàng cho 584 tờ hóa đơn GTGT với doanh số khống 620 tỷ đồng. Trước những rủi ro, thách thức trong hoạt động ngân hàng thời kỳ công nghệ số ngành Ngân hàng đã và đang đặc biệt quan tâm nhằm khắc phục, ngăn ngừa những kẽ hở có thể làm nảy sinh hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đồng vốn.

Các ngân hàng siết chặt an ninh, an toàn kho quỹ, ngăn chặn sai phạm trong quản lý tiền tệ, kho quỹ.

Các ngân hàng siết chặt an ninh, an toàn kho quỹ, ngăn chặn sai phạm trong quản lý tiền tệ, kho quỹ.

Siết chặt an ninh ngân hàng Với 60 đầu mối hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, gồm: 20 chi nhánh Ngân hàng cấp I, 14 chi nhánh Ngân hàng cấp huyện thuộc hệ thống Ngân hàng NN&PTNT, 129 phòng giao dịch; 39 quỹ TDND, 12 phòng giao dịch; 1 tổ chức tài chính vi mô (TYM Việt Trì), để bảo đảm an ninh, an toàn trong toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường công tác an ninh tại các điểm giao dịch; phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các ứng dụng về phương tiện thanh toán mới, tiên tiến, bảo đảm chặt chẽ và an toàn. Chủ động kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động cho vay, thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền…; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc. Bên cạnh đó, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các TCTD về công tác phòng, chống tham nhũng, tội phạm; đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tội phạm đi vào thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị nói riêng và trong toàn ngành Ngân hàng nói chung, góp phần đảm bảo sự an toàn trong hoạt động ngân hàng, đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Theo đó, các TCTD đã cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tội phạm gắn liền với công tác chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; coi công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Xây dựng văn hóa đơn vị, chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, thiết lập hệ thống kiểm soát đối với tất cả các mặt hoạt động, nhất là trong công tác huy động vốn, cho vay và thanh toán. Mặt khác, ngân hàng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành đã phát hiện các dạng tồn tại, sai phạm và có những cảnh báo, khuyến cáo cụ thể đối với các tổ chức tín dụng có liên quan, nhằm ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra.Ông Nguyễn Trung Chính- Giám đốc BIDV Hùng Vương cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng cấp trên, BIDV Hùng Vương một mặt đổi mới công tác quản trị điều hành một cách toàn diện; mặt khác tăng cường quản lý rủi ro, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin và lĩnh vực ngân hàng số, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra nội bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; siết chặt an ninh, an toàn kho quỹ, ngăn chặn sai phạm trong quản lý tiền tệ, kho quỹ và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Để hoạt động ngân hàng đảm bảo an toàn trong thời kỳ số, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng; phối hợp xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng, làm lành mạnh hệ thống, bảo đảm an ninh tiền tệ, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tại các TCTD tiếp tục thực hiện rà soát lại các văn bản, quy định, quy chế có liên quan nhằm phát hiện các quy trình, thủ tục chưa phù hợp, có thể tạo ra rủi ro trong hoạt động ngân hàng, tạo sơ hở cho các hành vi tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, đi đôi với tăng cường bảo mật thông tin khách hàng; bảo mật thiết bị, hệ thống máy tính trong quá trình tác nghiệp…

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/202101/de-hoat-dong-ngan-hang-dam-bao-an-toan-thoi-ky-so-175099