Để học sinh không 'quay lưng' với môn Sử
Theo cô Nguyệt Anh, không cần phải lo học sinh quay lưng với môn Lịch sử mà vấn đề chúng ta cần quan tâm hơn cả chính là cách dạy môn Sử trong nhà trường như thế nào để hấp dẫn cũng như cuốn hút học sinh.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nói có thể từ năm 2025, Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ là 4 môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người vì môn Sử lâu nay được coi là môn phụ và cũng là môn học nhiều học sinh... chán ghét.
Trở thành sinh viên năm cuối Học viện Báo chí & Tuyên truyền nhưng Nguyễn Anh Thư (quê Nam Định) vẫn không quên những giờ học lịch sử khi còn học phổ thông.
“Quãng thời gian học cấp 2 rồi cấp 3, điều khiến em ám ảnh nhất là tiết Lịch sử không phải bắt đầu bằng những câu chuyện thú vị hay những hình ảnh sinh động bắt mắt mà luôn bắt đầu bằng việc giáo viên vào lớp, gọi bất kỳ học sinh nào lên kiểm tra bài cũ.
Sau đó cô giáo đọc kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh tóm tắt và chép lại vào vở. Ngày nào cũng thế, cứ tiết học Lịch sử là việc này lặp lại như một thói quen.
Thậm chí, có những tiết học buổi chiều mùa hè, với “lợi thế” ngồi bàn cuối, em còn tranh thủ chợp mắt được 15 phút mà giáo viên cũng chẳng hề hay biết”, Anh Thư nói.
Cũng theo nữ sinh này, không chỉ cô mà kể cả những bạn học trong lớp cũng chỉ tỉnh ngủ khi giáo viên căn dặn phần kiến thức nào sẽ có trong bài kiểm tra, kiến thức nào quan trọng thi học kỳ hay kiến thức nào hôm sau sẽ kiểm tra 15 phút.
Cùng cảnh ngộ, Nguyễn Minh Quang (học sinh lớp 11, Hà Nội) cho hay: “Trong tất cả các môn học em áp lực và chán nhất là mỗi khi đến tiết học của môn Lịch sử.
Đa số trong những tiết học, cô giáo chỉ đọc lại kiến thức đã có sẵn trong sách giáo khoa, thậm chí những câu hỏi cần phát biểu cũng không cần tư duy, nhìn sách giáo khoa là thấy hết nên có những câu em biết mà chẳng buồn giơ tay phát biểu ý kiến.
Tiết Sử có bạn ngủ gật, có bạn lôi bài tập môn khác ra tranh thủ làm. Dù được định hướng thi vào trường đại học bằng các môn khối C nhưng em lại ghét cay, ghét đắng khi phải học môn Sử, em đang tính sẽ chuyển sang ôn các môn học và xét tuyển đại học bằng khối D”.
Một thực tế không thể phủ nhận là môn Lịch sử theo chương trình cũ vốn nặng về sự kiện, con số, lại không được chăm sóc, đổi mới phương pháp nên vốn không hấp dẫn lại càng khó thu hút học sinh.
Đó là chưa kể một số giáo viên “có tuổi” dạy học theo cách truyền thống - thuần đọc và chép khiến nhiều học sinh quay lưng với môn Lịch sử.
Chia sẻ với VietNamNet, cô Nghiêm Thị Nguyệt Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông IVS - thừa nhận có tình trạng học sinh “quay lưng với môn Sử”. Thực tế này xuất phát từ việc giáo viên cũng như nhà trường chưa đầu tư, đổi mới phương pháp tiếp cận cũng như phương pháp dạy học.
Theo cô Nguyệt Anh, không cần phải lo học sinh quay lưng môn Lịch sử mà vấn đề chúng ta cần quan tâm hơn cả chính là cách dạy môn Sử trong nhà trường như thế nào để hấp dẫn cũng như cuốn hút học sinh.
“Phương châm trường tôi là giáo dục toàn diện học sinh. Đối với môn Lịch sử, nhà trường thường tổ chức các buổi giao lưu nhằm khơi dậy tình yêu lịch sử cho học sinh như mời nhà sử học Dương Trung Quốc, hay anh hùng Phạm Tuân về trò chuyện với các em.
Trong đổi mới giáo dục nhà trường cũng xác định đưa môn Lịch sử đến gần học sinh hơn bằng cách cải tiến phương pháp dạy. Trong đó không dạy đọc chép như cách truyền thống mà lồng ghép các video cho học sinh xem hay tiểu phẩm hóa giờ học trên lớp, kịch hóa 1 đoạn ngắn trong sự kiện lịch sử”, cô Nguyệt Anh cho hay.
Đưa ra ví dụ cụ thể, cô Nguyệt Anh cho biết, nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng, cô và trò cùng tái hiện hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Đảng thành một vở kịch ngắn diễn ngay trên lớp khiến học sinh rất hứng thú.
Hồi ức chiến tranh cũng trở nên sống động hơn là cách học sử đọc chép khô khan, từ đó, có thể tạo điểm nhấn tốt với học sinh.
“Hay nhà trường mời cựu chiến binh nói chuyện với các em về chiến tranh biên giới phía Bắc...”, cô Nguyệt Anh kể.
Tại trường Phổ thông IVS, không chỉ với môn Sử mà các môn học như Ngữ văn nhà trường cũng tạo ra những bài học hết sức sống động cho học sinh như mời đạo diễn Trọng Trinh về giao lưu với học sinh để sân khấu hóa những tác phẩm văn học, giúp các em dễ tiếp thu hơn, và yêu thích bộ môn mình học hơn.
Bài 3: Gỡ khó cho “nỗi buồn môn Sử”
Bài 1: Nỗi buồn môn Sử