Để học sinh yêu và học tốt môn lịch sử
Lịch sử không chỉ là quá khứ, mà còn chứa đựng những bài học kinh nghiệm từ tiền nhân, giáo dục cho thế hệ trẻ biết rõ cội nguồn gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước, biết quý trọng những giá trị của lịch sử để kế thừa và phát huy.
Tiếng lòng yêu nước
Ở một góc trong khuôn viên Trường Đại học Hồng Đức đầy nắng, tôi cùng PGS.TS Mai Văn Tùng, Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và em Tô Thị Diệu, thủ khoa toàn quốc khối C00 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 10 điểm môn Lịch sử, đã có một cuộc trò chuyện thú vị về lịch sử dân tộc và làm sao để giới trẻ có hứng thú với môn Lịch sử.
Câu chuyện lịch sử là câu chuyện muôn thủa, năm nào cũng điệp khúc “biết rồi nói mãi”. Nhưng cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng. Tôi tự hỏi, học lịch sử có lợi ích gì cho bản thân và tương lai? Tôi yêu sử, nhưng cũng lờ mờ về mục đích của nó.
“Lịch sử, hay truyền thống lịch sử là người thầy dẫn quá khứ đến với hiện tại và soi đường đi tới tương lai”, thầy Tùng bắt đầu câu chuyện.
Dân tộc sẽ không còn gì nếu đánh mất đi lịch sử của mình. Bởi, lịch sử mang trong mình vận mệnh lớn lao, chất chứa những giá trị truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, làm điểm tựa cho dân tộc ta vững bước đi tới tương lai. Lịch sử là môn học có ý nghĩa nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc. Kiến thức, sự kiện lịch sử là cái không thay đổi. Cái chúng ta có thể thay đổi là cách tiếp cận. Ngoài những tư liệu trong sách vở, đất nước chúng ta có rất nhiều di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh. Tuy nhiên, học sinh lại rất thiếu thực địa.
Chẳng nói đâu xa, ở quê hương Hậu Lộc của tôi có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng như nhà thờ họ Tăng ở xã Hưng Lộc là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và in ấn tài liệu tuyên truyền của Đảng thời kỳ 1942-1945; “ATK” của các đồng chí Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập, Lê Tất Đắc, Đinh Chương Lân trong những năm tháng hoạt động bí mật ở Hậu Lộc. Hay như nhà lưu niệm chiến sĩ cách mạng Nguyễn Chí Hiền thuộc xã Hòa Lộc - là địa điểm di tích lưu niệm danh nhân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; trận địa Đông Ngàn thuộc xã Hoa Lộc - nơi trung đội gái dân quân Hoa Lộc bắn rơi máy bay Mỹ... Nhưng, suốt những năm học phổ thông không ai chỉ cho chúng tôi để biết, để nhận thức đó là lịch sử. Chúng tôi thiếu vắng những tiết học ngoại khóa được đến nhà tưởng niệm, lăng mộ, đền thờ... là nơi gắn với thân thế, sự nghiệp, hoạt động của tiền nhân.
“Cuộc cách mạng” không chỉ riêng của ngành giáo dục
Để lịch sử đi vào cuộc sống cần có sự vào cuộc của cả xã hội, từ những người làm sách, báo, game show, đến nền âm nhạc, điện ảnh. Đó mới là những lối đi gần gũi nhất, thiết thực nhất với người trẻ.
Nhiều fanpage đã được lập ra thu hút hàng nghìn thành viên với những mục đích tích cực, lan tỏa tình yêu với lịch sử, truyền thụ kiến thức lịch sử. Những người yêu thích tìm hiểu văn hóa truyền thống Đại Việt có thể tham gia trang Đại Việt cổ phong, Hoa văn Đại Việt; thích các bộ phim diễn họa lịch sử thì không thể không đến với Việt Sử Kiêu Hùng; thích nghe các câu chuyện lịch sử thì có thể cùng chia sẻ ở các fanpage như: “Ở đây có những câu chuyện lịch sử”, “Tìm hiểu lịch sử”. Những người hứng thú với lịch sử thế giới, lịch sử chiến tranh thì có Hội những người thích tìm hiểu về thế chiến thứ 2 hoặc tìm hiểu về chiến tranh ở Việt Nam.
Ngoài ra, một hình thức giáo dục lịch sử được học sinh quan tâm là chương trình “Học Lịch sử thật tuyệt” phát trên Kênh truyền hình giáo dục (VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam) hay chương trình “Những anh hùng thế kỷ XX” phát sóng trên chương trình Chuyển động 24h và các nền tảng số của VTV Digital. Các sản phẩm trên tuy khác nhau về hình thức chuyển tải kiến thức lịch sử, nhưng đều hướng tới mục đích là làm cho môn học Lịch sử trở nên gần gũi, thân thiện, đáng yêu hơn với học sinh, qua đó giúp các em thêm say sưa, hứng thú với môn học. Hơn thế, các hình thức giáo dục này phù hợp với lứa tuổi, nhận thức, tâm lý học sinh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bồi đắp tình yêu lịch sử truyền thống và niềm tự hào dân tộc cho các em.
Thời gian trước, bộ phim điện ảnh “Đào, phở và piano” do NSƯT Phi Tiến Sơn đạo diễn kiêm biên kịch, đã tạo nên một hiệu ứng truyền thông thu hút đông đảo khán giả mua vé, đặc biệt là các bạn trẻ. Trước đó, chúng ta cũng có: Con đường đã chọn, Mùi cỏ cháy, Giải phóng Sài Gòn, Những người viết huyền thoại, Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn... Đây đều là những bộ phim xứng đáng mang sứ mệnh ghi dấu lịch sử dân tộc bằng điện ảnh, gợi lại những dấu mốc hào hùng của lịch sử, khiến người xem thêm thấm thía giá trị của độc lập tự do.
Ngày Quốc khánh 2/9 là lúc để chúng tôi nói lời cảm ơn của mình với dải đất hình chữ S này, nơi đã chịu đựng bao đau thương của chiến tranh. Với một cô gái bắt đầu bước vào đời như Tô Thị Diệu, yêu nước là yêu nơi mình sinh ra và lớn lên, yêu tiếng nói, yêu con người, và quan trọng là yêu những trang sử hào hùng của dân tộc.
Theo em, học để biết giá trị của lịch sử, hiểu về gốc rễ của từng vấn đề, biết cách nhìn nhận và đánh giá các sự kiện ấy. Như lời PGS.TS Mai Văn Tùng nhận xét: “Suy cho cùng, sai về mặt kiến thức do trí nhớ, xét trong một nghĩa hẹp chỉ gây nguy hại nhất thời, còn sai về mặt nhận thức lịch sử mới thật sự nguy hiểm"...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/de-hoc-sinh-yeu-va-hoc-tot-mon-lich-su-222965.htm