Đề khảo sát Ngữ văn: Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông

Câu nghị luận xã hội đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu thí sinh bàn về vai trò của việc cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ tự do.

Câu 2. Biện pháp tu từ: Điệp ngữ/điệp cấu trúc câu "Nếu cảm thấy… tôi sẽ…

Câu 3. Học sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau song cần giải thích được các ý chính: "Nếu … tôi sẽ…" là giả thiết khuyên con người có cái nhìn tích cực, cầu thị, mạnh mẽ vượt khó khăn (buồn chán, buồn rầu, đau ốm, sợ hãi) bằng niềm tin và sự lạc quan (cất vang lời ca, cười vang, làm việc, tiến về phía trước). Đây là bài học trong cuộc sống đối với mỗi con người.

Câu 4. Học sinh có thể có nhiều cách diễn đạt, song cần nêu ra thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân. Có thể tham khảo các ý sau: Hãy lạc quan, yêu đời; hãy luôn ước mơ, hi vọng vào cuộc sống; hãy chủ động trong việc điều chỉnh cảm xúc của bản thân; hãy tự tin, bản lĩnh. Trước những khó khăn, thử thách, cần nỗ lực không ngừng.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Vai trò của suy nghĩ tích cực trong cuộc sống (cân bằng cảm xúc trước bão giông): "Cân bằng cảm xúc" là việc nhận thức, xử lí, điều chỉnh cảm xúc một cách chính xác và hiệu quả; là làm chủ cảm xúc của bản thân, bình tĩnh, tự tin trong việc xử lí mọi công việc, tình huống.

Cân bằng cảm xúc giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, giúp bản thân có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Không nên quá nóng nảy, mất bình tĩnh trong việc xử lí các tình huống tránh những sai lầm.

Câu 2. Phân tích sự phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đoạn trích, từ đó nhận xét về ngòi bút nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

* Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", đoạn trích, vấn đề nghị luận

* Phân tích sự phản kháng mạnh mẽ của Mị trong đoạn trích: Tham khảo một số ý cơ bản sau:

- Mị đã đấu tranh tư tưởng để quyết định cứu A Phủ bằng sức mạnh của tình người.

- Mị mạnh mẽ, táo bạo, quyết liệt, dứt khoát cắt dây cởi trói giải thoát cho A Phủ.

- Mị đấu tranh lựa chọn giữa sự sống và cái chết, giữa nỗi sợ hãi và lòng ham sống.

- Mị quyết định chạy theo A Phủ để thoát khỏi cái chết, để thay đổi số phận và được sống đúng nghĩa.

- Nghệ thuật: Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế; giọng văn linh hoạt; thủ pháp tăng tiến; ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn, kịch tính, mang đậm màu sắc Tây Bắc.

- Đánh giá chung: Nhân vật góp phần thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

* Nhận xét ngòi bút nhân đạo của nhà văn Tô Hoài:

- Thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người dân lao động miền núi trước cách mạng.

- Trân trọng và ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, sự phản kháng và sức sống mãnh liệt của người dân Tây Bắc.

- Tố cáo, lên án bản chất xấu xa, tàn bạo của giai cấp thống trị. Niềm tin vào sự thay đổi số phận của họ ngày một tốt đẹp hơn.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-khao-sat-ngu-van-can-bang-cam-xuc-ca-luc-bao-giong-179240605161949114.htm