Đề khảo sát Ngữ văn: Xã hội có nhiều biến động nhưng một số người e ngại thay đổi
Đề khảo sát môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Vĩnh Phúc theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
I. Đọc hiểu "Ba đồng một mớ mộng mơ"
1. Ngôi kể thứ ba. Dấu hiệu nhận biết: Người kể không trực tiếp tham gia câu chuyện, giấu mình nhưng biết hết tất cả và kể lại toàn bộ câu chuyện; nhân vật được gọi là "chị", "thằng bé"...
2. Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả đôi mắt "thằng bé": ánh mắt sáng quắc, mắt ầng ậc nước.
3. Biện pháp tu từ liệt kê: đường, nước mắm, bột ngọt, xà bông. Hiệu quả nghệ thuật: Tăng tính cụ thể, sinh động, hấp dẫn cho lời văn. Nhấn mạnh nỗi niềm cay đắng của chị - một con người luôn ý thức được giá trị, sự cần thiết của đời sống tinh thần nhưng đành phải chiều theo người thân, chỉ còn biết đến cuộc sống vật chất nghèo nàn, tầm thường. Thể hiện nỗi chua xót, trăn trở của nhà văn khi nhu cầu đời sống tinh thần của con người bị cản trở bởi sự nghèo đói.
4. Nội dung chi tiết: diễn tả nhận thức của "chị" về hiện thực cuộc sống tầm thường và niềm hi vọng về một cuộc sống có chút lãng mạn, mộng mơ dù niềm hi vọng ấy rất mong manh. Đây là một chi tiết quan trọng giúp cốt truyện phát triển, khắc họa rõ nét chiều sâu tâm lí nhân vật "chị" và chủ đề của tác phẩm.
Chi tiết cho thấy sự sáng tạo của nhà văn trong việc khám phá chân lí đời sống: Dù đời thực khắc nghiệt nhưng những khoảnh khắc lãng mạn, niềm hi vọng nhỏ nhoi sẽ đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho con người. Chi tiết góp phần thể hiện chiều sâu tư tưởng của tác phẩm: Con người cần biết trân trọng những giá trị tinh thần đẹp đẽ, đừng để nó bị lấn át bởi nhu cầu vật chất tầm thường.
5. Chủ đề của truyện ngắn: Hiện thực về một cuộc sống thường ngày đầy khó khăn và những sự mơ mộng, lãng mạn luôn nhen nhóm trong tâm hồn con người; thức tỉnh con người nếu luôn đề cao vật chất hơn tinh thần rất dễ dẫn đến lối sống thực dụng.
Chia sẻ góc nhìn của bản thân: Xã hội phát triển đã dẫn đến một bộ phận người sống thực dụng hơn. Đây là cách sống quá coi trọng giá trị vật chất, luôn chạy theo những nhu cầu trước mắt, đề cao lợi ích bản thân lên trên tất cả mà quên đi những giá trị tinh thần. Sống thực dụng dẫn đến những tác hại nghiêm trọng. Con người cần đấu tranh với bản thân để loại trừ lối sống thực dụng. Mỗi người cần cân bằng, nâng cao cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần để cuộc sống luôn tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.
II. Làm văn
1. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận về nhân vật "chị" trong văn bản ở phần Đọc hiểu
- Cảm nhận về nhân vật: Chị có gia cảnh nghèo nhưng sống giàu tình cảm, luôn chia sẻ, giúp đỡ và quan tâm đến mọi người. Chị có một tâm hồn mơ mộng, lãng mạn, tinh tế nhưng phải sống trong môi trường có nhiều người thích thực tế, đề cao vật chất. Chị luôn hi vọng có một đời sống tinh thần phong phú, giàu ý nghĩa.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: cốt truyện giản đơn, là sự xâu chuỗi của những mẩu chuyện nhỏ nhặt, đời thường; điểm nhìn của người kể chuyện kết hợp với điểm nhìn của nhân vật chính; giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng pha chút hài hước; nhân vật không có tên cụ thể, hiện lên qua hành động và tâm lí, có nét tương phản với các nhân vật còn lại…
- Đánh giá chung: Qua nhân vật, nhà văn gián tiếp thể hiện quan điểm nhân sinh sâu sắc đồng thời gửi gắm những thông điệp về sống đẹp.
2. Suy nghĩ về vấn đề: Thế kỉ XXI, xã hội có nhiều biến động, nhiều người chủ động để thích ứng nhưng cũng còn một số người e ngại sự thay đổi
Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
Thân bài
Giải thích:
- Xã hội có nhiều biến động: xã hội có những thay đổi lớn, diễn ra liên tục, khó lường, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống và cuộc sống của con người.
- Chủ động thích ứng: sẵn sàng thay đổi bản thân để có thể hòa hợp, thích nghi với sự thay đổi của xã hội và ứng phó được với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
- E ngại thay đổi: trốn tránh, không muốn thay đổi; cảm thấy lo lắng, căng thẳng vì sợ sự thay đổi có thể gây ra điều không hay cho mình.
Tóm lại, trước những thay đổi lớn của xã hội hiện nay, con người có hai cách ứng xử: sẵn sàng thay đổi để thích nghi, ứng phó; lo sợ, trốn tránh, không muốn thay đổi.
Bàn luận:
- Thế kỉ XXI, quá trình hội nhập quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc đến thế giới và trong nước, tạo nên những biến động lớn trong các lĩnh vực như: kinh tế chính trị, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục, môi trường,… Những biến động đó đặt ra những yêu cầu và thách thức mới với con người thời đại trong đó có năng lực thích ứng.
- Con người chủ động thay đổi, thích ứng với những biến động trong cuộc sống vì: dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của môi trường sống, yêu cầu của cuộc sống; tìm ra giải pháp cho những tình huống, vấn đề khó khăn, biết biến "nguy" thành "cơ"; nâng cao giới hạn của bản thân trong một điều kiện sống có nhiều thách thức để sinh tồn và phát triển…
- Con người e ngại sự thay đổi trước những biến chuyển lớn của xã hội sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường như: khó hòa nhập; tụt hậu; bị lệ thuộc, bị động chờ đợi hoàn cảnh thay đổi; rơi vào tâm lý lo sợ, căng thẳng; mất niềm tin vào bản thân; khó khăn trên bước đường đến thành công... Trong một thế giới đang biến động, nếu đứng im, chúng ta sẽ bị đào thải.
- Người trẻ thích khám phá, dễ dàng tiếp cận với cái mới, sức sáng tạo dồi dào nhưng cũng dễ nản chí, còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, để thích ứng và phát triển trong một xã hội có nhiều biến động như hiện nay, người trẻ cần: tự tin vào năng lực bản thân; nâng cao kiến thức và kỹ năng; sẵn sàng dấn thân để trải nghiệm; tích cực chủ động học hỏi những cái mới; kiên trì nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống để từ đó đem đến những giá trị đóng góp cho gia đình, xã hội và nhân loại. Người trẻ cần tự đặt ra và trả lời câu hỏi: đứng yên và thất bại hay linh hoạt thích nghi để thành công?
Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác.
Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.