Để không có sỏi trong đường tiết niệu
Hệ tiết niệu là hệ cơ quan giúp cơ thể thải những chất lỏng dư thừa và các chất hòa tan từ sự lưu thông máu ra môi trường bên ngoài. Hệ tiết niệu gồm 2 thận, 2 niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt.
Vì nhiều lý do khác nhau mà thời gian qua, có nhiều bệnh nhân nhập viện để điều trị các bệnh về đường tiết niệu, trong đó có những người bị sỏi đường tiết niệu với kích thước rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống.
Những viên sỏi “khổng lồ”
Ông N.V.D. (64 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark (thành phố Biên Hòa) trong tình trạng bí tiểu cấp tính. Qua thăm khám, siêu âm, chụp CT hệ tiết niệu, các bác sĩ phát hiện ông D. mắc phải một loạt các vấn đề về đường tiết niệu, bao gồm: sỏi bàng quang kích thước lớn, dày thành bàng quang, tăng sản tiền liệt tuyến, thận ứ nước độ 2, giãn toàn bộ niệu quản và sỏi niệu quản phải. Tình trạng này không chỉ gây ra những cơn đau đớn dữ dội mà còn đe dọa nghiêm trọng đến chức năng của thận của bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Xuân Bảo, chuyên khoa ngoại tiết niệu, cho biết nếu không được điều trị kịp thời, ông D. có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thận mạn tính, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tại Việt Nam, có khoảng từ 10-14% dân số có sỏi đường tiết niệu. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: mất chức năng thận, nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát, viêm thận, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí là tử vong.
Các bác sĩ sau đó đã thực hiện ca phẫu thuật kết hợp nội soi bóc u tiền liệt tuyến và mổ mở để lấy sỏi cho bệnh nhân. Kết quả, bác sĩ đã lấy ra 3 viên sỏi với kích thước “khủng”, trong đó, viên sỏi to nhất có kích thước 10x8cm.
Theo bác sĩ Xuân Bảo, ca phẫu thuật là ví dụ điển hình cho sự phức tạp của các bệnh lý đường tiết niệu. Do những viên sỏi rất to, ở những vị trí phức tạp nên bác sĩ phải thực hiện khéo léo, chính xác. Những viên sỏi được lấy ra ngoài giúp giải phóng đường tiểu và giảm áp lực lên thận, cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa I Cao Chí Viết, Phó trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết bệnh viện đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật lấy sỏi đường tiết niệu cho nhiều bệnh nhân. Trong đó, trường hợp ấn tượng nhất là nữ bệnh nhân 58 tuổi, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán.
Bệnh nhân này chưa từng đến bệnh viện để khám sức khỏe. Đến khi thấy chân phải mỏi nhiều, đi đứng khó chịu, bà mới nói con chở đến bệnh viện để khám. Kết quả, bác sĩ phát hiện có khối sỏi “khổng lồ” trong thận phải của bệnh nhân.
“Đây là trường hợp có sỏi thận to nhất và phức tạp nhất mà chúng tôi từng gặp. Khối sỏi có hình dáng giống củ gừng lớn với nhiều nhánh. Khối sỏi lấp đầy cả 3 nhóm đài trong quả thận phải, gây dãn thận, ứ nước độ 3. Do khối sỏi rất to và phức tạp nên chúng tôi đã phải nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện ca phẫu thuật. Phải mất đến 3 giờ đồng hồ, chúng tôi mới lấy được toàn bộ sỏi trong thận của bệnh nhân và hút ra rất nhiều mủ” - bác sĩ Chí Viết nói.
Cần uống ít nhất 2 lít nước lọc mỗi ngày
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phước, Phó trưởng khoa Ngoại thận - tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, chia sẻ sỏi niệu quả xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng trong đường tiết niệu thành tinh thể rắn. Đối với những viên sỏi có kích thước nhỏ, cơ thể có thể tống ra ngoài khi đi tiểu hoặc điều trị nội khoa. Với những viên sỏi có kích thước lớn, cần phải tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi ngược dòng hoặc phẫu thuật để lấy sỏi.
Triệu chứng điển hình của sỏi đường tiết niệu là cơn đau quặn thận. Cơn đau xuất hiện ở vùng hông, lưng, đau dữ dội, đau từng cơn, lan xuống vùng bẹn. Kèm theo là tiểu máu, tiểu đục, tiểu đau, sốt. Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ có các triệu chứng mơ hồ như đau nhẹ vùng hông, lưng.
Theo bác sĩ Phước, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi đường tiết niệu, trong đó có nguyên nhân ăn mặn của người Việt. Ngoài ra, nhiều người uống rất ít nước, ngồi lâu, ít vận động, ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau xanh cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi. Bệnh sỏi thận thường gặp ở nam giới trung niên nhưng những năm gần đây thì tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ không có sự khác biệt.
Để phòng ngừa bệnh lý sỏi đường tiết niệu, bác sĩ Phước khuyến cáo người dân nên uống đủ ít nhất 2 lít nước lọc/ngày để giúp làm loãng nước tiểu và đào thải các chất cặn bã ra ngoài. Nên ăn nhạt, không ăn mặn. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây; tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện chức năng thận.
Đặc biệt, nên khám sức khỏe định kỳ từ 6-12 tháng/lần để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời. Những người đã từng điều trị sỏi đường tiết niệu phải tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, tránh sỏi tái phát.
Ngoài ra, để phòng ngừa sỏi đường tiết niệu, mọi người nên chú ý đến các yếu tố nguy cơ như: béo phì, tiểu đường, cao huyết áp…