Để không còn khói rơm rạ mùa gặt

Trước đây rơm rạ sau thu hoạch thường được nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh xử lý bằng cách đốt ngay tại đồng ruộng. Hệ lụy nhãn tiền là mùa gặt luôn đi kèm với… mùa khói. Khoảng 2 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nông dân biết tận dụng nguồn rơm rạ vào chăn nuôi, sản xuất, tạo ra nhiều giá trị hữu ích. Hình ảnh 'người người đốt rơm rạ, nhà nhà đốt rơm rạ' vào mỗi mùa gặt nhờ đó cũng giảm đi đáng kể.

Người dân xã Thanh Yên thu gom rơm rạ.

Người dân xã Thanh Yên thu gom rơm rạ.

Vụ mùa 2024, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên gieo cấy hơn 470ha lúa. Điều này có nghĩa sau thu hoạch sẽ có một lượng lớn rơm rạ tồn dư trên đồng ruộng. Cùng thời điểm này những năm trước, cứ vào khoảng thời gian từ 17 - 19 giờ, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã, nhất là những tuyến đường gần đồng ruộng mù mịt khói rơm rạ, mùi nồng của khói khiến không khí càng thêm ngột ngạt. Thế nhưng vụ mùa này, dù đang vào thời điểm bắt đầu thu hoạch rộ nhưng khắp các cánh đồng trên địa bàn xã, theo như quan sát chỉ lác đác vài hộ dân còn đốt rơm rạ sau khi thu hoạch.

Ông Lò Văn Hải, chủ tịch UBND xã Thanh Yên chia sẻ: Trước mỗi vụ gặt, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền tới người dân những ảnh hưởng tiêu cực của việc đốt rơm rạ như: gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông vừa lãng phí phụ phẩm nông nghiệp. Điều đáng mừng là khoảng 2 - 3 năm trở lại đây tình trạng này đã giảm đáng kể. Rơm rạ sau thu hoạch hầu hết được người dân thu gom mang về nhà sử dụng trong chăn nuôi như làm thức ăn, đệm lót sinh học. Có hộ thì ủ với phân gia súc, gia cầm hoặc chế phẩm vi sinh để làm phân bón. Nhiều gia đình làm mô hình trang trại, gia trại còn phải thu mua thêm rơm rạ của các hộ khác để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt với giá thu mua từ 100.000 – 150.000 đồng trên 1.000m2 ruộng. Mặc dù, giá bán rơm không cao, nhưng việc rơm được tái sử dụng đã góp phần gia tăng giá trị cây lúa, làm giảm ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất.

Nhiều hộ dân tận dụng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi thay vì đốt tại ruộng.

Nhiều hộ dân tận dụng rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi thay vì đốt tại ruộng.

Hơn 700m2 lúa vừa được thu hoạch xong, chị Tòng Thị Thu, xã Thanh Yên đã tranh thủ xuống đồng thu gom lại rơm mà máy gặt đập liên hợp để lại. Nhà đã sử dụng gas để đun nấu từ lâu và cũng chỉ nuôi từ 2 - 3 con trâu, nhưng 2 năm nay, vụ thu hoạch lúa nào chị cũng cặm cụi đem rơm về nhà.

“Trước đây tôi toàn đốt rơm rạ tại ruộng, vì nghĩ sẽ tốt cho đất và nhu cầu sử dụng không nhiều. Mấy năm nay xã tuyên truyền không đốt vì ảnh hưởng đến môi trường, hơn nữa việc đốt rơm tại đồng không mang lại lợi ích như bà con nghĩ mà mang lại nhiều tác hại. Bởi thực tế cho thấy, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ trở thành các chất vô cơ nên mất đi lượng dinh dưỡng cần thiết, vì vậy tôi không đốt rơm rạ trên đồng nữa. Giờ mang về làm thức ăn cho trâu bò, nếu mà không hết thì đem phủ lên luống khoai tây, khoai lang. Hầu hết các gia đình ở xóm tôi không ai đốt rơm trên đồng nữa” - Chị Thu chia sẻ.

Rơm rạ được dùng để trồng nấm tại Trung tấm Nấm Điện Biên.

Rơm rạ được dùng để trồng nấm tại Trung tấm Nấm Điện Biên.

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt. Cụ thể, phạt tiền từ 2,5 - 3 triệu đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. Và thay vì vi phạm, ngày càng có nhiều nông dân lựa chọn thu gom rơm rạ để sử dụng vào nhiều mục đích hữu ích. Không chỉ tận dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, rơm còn được tận dụng để trồng nấm. Bởi sau vụ thu hoạch là khoảng thời gian nông nhàn, đây cũng là thời điểm nhiều hộ gia đình trồng nấm bước vào vụ trồng chính với chủ yếu các loại nấm như: nấm rơm, nấm sò…

Vụ đông xuân vừa qua, sau khi thu hoạch lúa chị Lường Thị Tiện, bản Co Củ, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ đã đầu tư tiền mua giống, túi đựng, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ có sẵn để đóng hơn 100 bịch nấm sò. Nấm cho thu hoạch liên tục trong khoảng 2,5 tháng, mỗi tháng thu từ 2 – 3 đợt. Theo chị Tiện tính toán, với giá bán nấm sò trên thị trường trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, trừ chi phí cho thu lãi hơn 10 triệu đồng. Vụ mùa này, sau khi hoàn tất thu hoạch, chị sẽ tiếp tục tận dụng rơm rạ để trồng nấm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất.

Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất.

Có trụ sở nằm ở ngay trung tâm cánh đồng Mường Thanh, Trung tấm Nấm Điện Biên không chỉ cung cấp hàng triệu bịch giống nấm cho nông dân, mà còn là nơi thu mua lượng lớn rơm rạ mỗi năm. Ông Phạm Ngọc Sáng, Giám đốc Trung tâm Nấm Điện Biên cho biết: Trung bình mỗi năm Trung tâm sử dụng từ 250 - 300 tấn rơm để làm nguyên liệu trồng nấm. Thông thường chúng tôi sẽ tập trung thu mua rơm rạ vào vụ mùa bởi thời điểm này ít mưa, rơm rạ khô, dễ bảo quản. Còn vụ đông xuân mùa thu hoạch thường có mưa nên rơm rạ ẩm, dễ thối mốc. Hiện nay, trung bình cứ 4 tấn rơm đang được chúng tôi thu mua với giá 1 triệu đồng.

Có thể thấy, rơm rạ có rất nhiều lợi ích và điều quan trọng là chúng ta sử dụng cách nào để phát huy hết hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tình trạng đốt rơm rạ mặc dù đã giảm đáng kể, song vẫn chưa thể chấm dứt triệt để. Để nâng cao hiệu quả việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; triển khai các mô hình ứng dụng hiệu quả; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để thuận tiện trong thu gom, xử lý rơm rạ… Chỉ khi người nông dân thấy rõ hiệu quả và nguồn lợi to lớn từ rơm rạ thì họ sẽ tự giác chuyển đổi phương thức canh tác, tận thu, chế biến rơm rạ hiệu quả.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/218523/de-khong-con-khoi-rom-ra-mua-gat