Gấp rút khôi phục chăn nuôi, đón đầu thị trường cuối năm
Cơn bão Yagi đi qua để lại thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều trang trại chăn nuôi lớn bị xóa sổ, đặt ra mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Thiệt hại và thiếu hụt
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, bão Yagi là cơn bão có cường độ lớn, gây mưa lũ lớn trên diện rộng, hậu quả nghiêm trọng. Riêng với ngành chăn nuôi, thống kê sơ bộ đã có trên 26 nghìn con gia súc, trên 2,9 triệu con gia cầm bị chết. Không những thế, nhiều trang trại còn bị hư hỏng nặng, chưa thể khôi phục ngay trong "một sớm một chiều".
Đối với tỉnh Ninh Bình, tuy không chịu tác động trực tiếp của bão, không bị thiệt hại lớn như các địa phương khác nhưng cũng đã ghi nhận trên 6 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Như trại chăn nuôi của anh Phạm Ngọc Thắng (xã Khánh Dương, huyện Yên Mô) do nằm ở khu vực bãi bồi ven sông Vạc nên đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ đợt mưa lũ vừa qua.
Anh Thắng cho biết: Ra vùng đất bãi này làm ăn gần 20 năm nhưng chưa khi nào tôi chứng kiến nước sông dâng cao và nhanh như vậy, toàn bộ chuồng trại của gia đình bị ngập sâu tới hơn 1 m. Thật may, tôi được anh em bạn bè trợ giúp, sơ tán khẩn cấp hơn 1 nghìn con vịt, 800 con gà và gần 40 con lợn đến nơi an toàn. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển, con vật vẫn bị ngấm nước, đói, rét nên đã có khoảng 100 con gia cầm bị chết.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá lợn hơi những ngày cuối tháng 9 đã tăng khoảng 3-4 nghìn đồng/kg so với 1 tháng trước, ở mức 67-68 nghìn đồng/kg. Ngành chuyên môn nhận định, nguồn cung thịt lợn giảm ngoài nguyên nhân do bão lũ còn do dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp. Dự báo, giá lợn hơi trong thời gian tới vẫn tiếp tục tăng và có thể đạt mốc 80 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu thịt lợn sẽ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. Bởi vậy, các địa phương cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng đàn, tái đàn, đồng thời áp dụng biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh
Trở lại trại chăn nuôi của anh Phạm Ngọc Thắng (xã Khánh Dương, huyện Yên Mô) sau những ngày bão lũ, hoạt động sản xuất đã cơ bản trở lại bình thường. Anh Thắng chia sẻ: Vừa rồi sau khi nước rút, tôi đã dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng, nâng cao nền chuồng, tu sửa thiết bị, sau đó đưa đàn vật nuôi về. Từ nay đến Tết Nguyên đán còn khoảng 4 tháng nữa, cũng đủ một chu kỳ chăn nuôi nên gia đình đang đặt mua con giống ở các cơ sở uy tín để chuẩn bị tái đàn. Dự kiến, đợt này, trại sẽ thả thêm khoảng 700 con gà thịt và 50 con lợn giống nhằm đón đầu thị trường cuối năm.
Phán đoán giá cả các sản phẩm chăn nuôi thời gian tới sẽ tiếp tục đà tăng nên gia đình ông Dương Văn Hiền (xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) cũng đã nhanh chóng nhập thêm 80 con lợn giống về nuôi, cùng với đó tiếp tục duy trì đàn vịt đẻ hơn 600 con.
Ông Hiền cho biết: "Mặc dù giá lợn giống có hơi cao nhưng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư vì thực tế thị trường vẫn đang thiếu hụt nguồn cung, giá lợn hơi liên tục tăng. Điều quan trọng nhất lúc này là làm sao chăn nuôi thật tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh".
Thời điểm hiện tại, không chỉ có anh Thắng, ông Hiền mà người dân tại nhiều địa phương khác cũng đang khắc phục khó khăn, gấp rút tăng đàn, tái đàn để đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần bình ổn giá và tăng thu nhập. Tuy nhiên, theo ngành chuyên môn, từ nay đến cuối năm, thời tiết sẽ còn nhiều biến động. Các dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... vẫn là nguy cơ lớn. Vì vậy, công tác vệ sinh phòng bệnh và đảm bảo an toàn sinh học phải được đặt lên hàng đầu.
Ông Trần Văn Luận, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo: Bà con chỉ tái đàn khi chuồng trại chăn nuôi đã gia cố, tu sửa, vệ sinh, khử trùng tiêu độc sạch sẽ. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi, có các biện pháp tiêm phòng vắc-xin bổ sung ngay sau mưa lũ cho đàn vật nuôi các bệnh như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, cúm gia cầm nhằm ngăn ngừa dịch bệnh có thể phát sinh.
Bên cạnh đó, sau mưa lũ, thị trường vật nuôi thiếu hụt, giá con giống lên cao nên bà con cần dự trù vật tư, con giống, chủ động tìm mua, lựa chọn con giống ở những đơn vị cung ứng uy tín, đảm bảo con giống sạch bệnh, chuẩn bị cho tái đàn.
Về phía chính quyền địa phương cần phát động các chiến dịch tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mưa lũ để loại bỏ mầm bệnh trong môi trường. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh trên đàn vật nuôi, xử lý nhanh các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Chủ vật nuôi cần báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện động vật có dấu hiệu ốm yếu, không được phép giết mổ, buôn bán hoặc vứt bỏ vật nuôi chết ra ngoài môi trường.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu