Để không còn những cái chết đau lòng
Kinh nghiệm phòng chống thiên tai cho thấy, cẩn thận bao nhiêu vẫn thiếu mà chủ quan một tý cũng thừa...
Lội nước lũ tới đưa tang cặp vợ chồng trẻ Lê Tự Quốc (SN 1992) và Lưu Thị Hòa Sương (SN 1997), người dân thôn Thanh Quýt 3 (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không khỏi xót thương cảnh cháu bé hơn 20 tháng tuổi mặc áo tang khóc đòi mẹ.
Trước đó, vào chiều 10/10, trên đường về nhà, tới đoạn nước chảy xiết, lực lượng chức năng địa phương chốt chặn cảnh báo, không cho người và phương tiện qua lại, vợ chồng anh Quốc đã gửi xe máy lại nhà một người dân gần đó rồi lội bộ qua đoạn ngập nước. Khi đi được một đoạn, hai vợ chồng không may bị nước lũ cuốn trôi…
Quá thương tâm, song vụ việc đau lòng kể trên là một trong những ví dụ điển hình về sự chủ quan của người dân trước sự dữ dằn của thiên tai.
Hơn 1 tuần qua, mưa lũ đã liên tiếp đổ xuống dải đất miền Trung. Lượng mưa đo được nhiều nơi tại Thừa - Thiên Huế hay Quảng Trị đã vượt mốc trận lũ lịch sử của năm 1999. Cơ quan khí tượng trực 24/24h liên tiếp ra các bản tin cảnh báo tình hình thiên tai bất thường, những vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở…
Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai từ T.Ư tới địa phương ngày nào cũng họp từ sáng sớm để bám sát diễn biến, lên phương án ứng phó… Bộ đội, dân quân địa phương không quản ngày đêm, vất vả sơ tán hàng chục nghìn dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, ngập trũng… Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật đưa tin…
Thế nhưng thống kê thiệt hại về người vẫn cứ liên tiếp gia tăng. Cụ thể, tính tới tối 13/10 đã có 44 người chết và mất tích. Đáng nói trong số này, ngoài 7 thuyền viên gặp nạn trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, còn lại đa số đều do lũ cuốn trôi… Chúng ta phải làm gì để không còn những cái chết đau lòng, không đáng có?
Mới đây, trong cuộc họp ứng phó với tình hình mưa lũ miền Trung, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng phải đặt câu hỏi: “Tại sao khi bão lớn, lũ lớn không có người chết nhưng cứ sau bão, sau lũ lại chết người?”
Day dứt nêu vấn đề rồi tự vị Bộ trưởng cũng lặng lẽ trả lời: “Tất cả đều do chủ quan mà ra! Kinh nghiệm phòng chống thiên tai cho thấy, cẩn thận bao nhiêu vẫn thiếu mà chủ quan một tý cũng thừa!”.
Và như bao cuộc họp chỉ đạo ứng phó thiên tai khác, vị tư lệnh ngành luôn yêu cầu lực lượng tại địa phương không được chủ quan lơ là, phải chủ động ứng phó bám sát phương châm 4 tại chỗ; tăng cường kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu, nhất là qua các ngầm tràn, các bến đò…
Những chỉ đạo trên cũng được nhắc đi nhắc lại tại các công điện của Thủ tướng, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai khi mỗi lần bão lũ đổ bộ.
Không thể phủ nhận công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương đã phát huy hiệu quả giảm thiểu thiệt hại; tại những khu vực ngập sâu hay đoạn qua ngầm tràn đều được treo biển báo nguy hiểm hoặc cắt cử người canh gác… Thế nhưng nhiều khi tất cả những nỗ lực đó vẫn “chịu thua” trước ý thức chủ quan của người dân.
Được biết hàng năm, các địa phương, đặc biệt những nơi có nguy cơ cao đều dành kinh phí tổ chức các chương trình tập huấn quản lý, phòng ngừa rủi ro thiên tai. Thế nhưng có ai biết việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao kỹ năng trong phòng chống thiên tai cho người dân đã tới nơi tới chốn hay chưa? Xin đừng để câu hỏi này bị rơi vào khoảng lặng…
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-khong-con-nhung-cai-chet-dau-long-d482490.html