Để không còn những liệt sĩ vô danh

Việc lấy Gen (ADN) để xác định thân nhân liệt sĩ giúp các gia đình có thêm cơ hội tìm được phần mộ người thân.

Đau đáu tìm người thân

Sáng 26/7, ông Nguyễn Trường Sơn, 76 tuổi (ngụ quận 1, TP.HCM) có mặt rất sớm tại Trung tâm Y khoa Vạn Hạnh để lấy mẫu ADN dành cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính.

Giấy báo tử và hình ảnh của anh trai ông - liệt sỹ Nguyễn Sỹ Lĩnh (sinh năm 1947, hy sinh năm 1968) được nâng niu, cất giữ cẩn thận.

Ông Nguyễn Trường Sơn cầm ảnh, giấy báo tử của anh trai đến lấy mẫu ADN. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Ông Nguyễn Trường Sơn cầm ảnh, giấy báo tử của anh trai đến lấy mẫu ADN. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Ông Sơn cho biết, anh trai hy sinh ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định sau 4 năm nhập ngũ. Suốt 50 năm qua, gia đình ông lặn lội khắp nơi để tìm phần mộ ông Lĩnh nhưng vô vọng.

Ngay cả việc nhờ nhà ngoại cảm tìm kiếm, gia đình ông cũng đã thử nhưng không có kết quả. Vì chưa tìm được người con trai đã hy sinh, mẹ của ông Sơn không yên lòng khi nhắm mắt.

"Lúc mẹ tôi còn sống, mẹ dặn mấy anh em phải mang anh trai về. Cách đây 3 năm, mẹ tôi mất nhưng vẫn canh cánh trong lòng vì chưa tìm được con", ông Sơn nghẹn ngào.

Người đàn ông 76 tuổi bật khóc vì đã lặn lội khắp nơi nhưng vẫn không tìm được phần mộ của anh trai. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Người đàn ông 76 tuổi bật khóc vì đã lặn lội khắp nơi nhưng vẫn không tìm được phần mộ của anh trai. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Tương tự, bà Trần Như Cường (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng sụt sùi cho biết, bà mồ côi cả cha và mẹ, mất luôn cả những người anh vì chiến tranh tại chiến khu Đ, tỉnh Đồng Nai.

Bà Cường kể, anh trai lớn hy sinh 1963, anh tiếp theo hy sinh năm 1965, mẹ hy sinh năm 1966 và ba hy sinh năm 1968.

Từ năm 1976, bà Cường và một người anh trai còn lại cùng nhau đi tìm kiếm mộ của ba mẹ, hai anh khắp Đồng Nai nhưng vô vọng. Đến năm 1998, bà Cường nhờ nhà ngoại cảm và tìm được phần mộ của ba.

Tuy nhiên, thời điểm đó không có xét nghiệm ADN, bà cũng không biết chính xác phần mộ đó có phải của ba mình hay không. Dù vậy, bà vẫn đưa phần mộ về thờ cúng, vì nếu không phải là ba thì cũng là liệt sĩ, người đã ngã xuống vì đất nước, dân tộc.

Bà Trần Như Cường lo sợ không còn đủ thời gian để đi tìm phần mộ người thân. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Bà Trần Như Cường lo sợ không còn đủ thời gian để đi tìm phần mộ người thân. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

"Anh trai còn lại duy nhất của tôi cũng qua đời vì ung thư năm 2001. Giờ chỉ còn một mình tôi, mà tôi cũng đã 70 tuổi rồi, không biết có kịp tìm được người thân hay không.

Tìm được ba mẹ, các anh là tâm nguyện của đời tôi. Nếu tôi không đủ sức khỏe để đợi đến ngày đó, con cái tôi sẽ làm thay", bà Cường nói.

Ngồi trên chiếc xe lăn, được con trai đưa đến Trung tâm Y khoa Vạn Hạnh, bà Huỳnh Thị Bảy (80 tuổi, ngụ quận Tân Phú) tràn trề hy vọng.

Bà chia sẻ, anh trai mình là liệt sĩ Huỳnh Văn Đáng (sinh năm 1941, hy sinh năm 1968). Ngày đó, bà chỉ biết anh trai mình làm nhiệm vụ chăm sóc y tế cho những chiến sĩ bị thương chứ hoàn toàn không biết ở địa điểm nào.

Bà Huỳnh Thị Bảy hy vọng sẽ tìm được người thân thông qua mẫu ADN. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Bà Huỳnh Thị Bảy hy vọng sẽ tìm được người thân thông qua mẫu ADN. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Vài năm sau khi anh nhập ngũ, gia đình được một người chỉ dẫn để đi thăm anh. Tuy nhiên, khi gia đình chưa kịp đi gặp, giấy báo tử đã được gửi về nhà. Đau đớn, xót xa nhưng không có cách nào để tìm phần mộ của anh.

"Chúng tôi chỉ có một thứ duy nhất là giấy báo tử, nhờ đó mà biết ngày làm giỗ. Mấy chục năm qua, gia đình tôi luôn đau đáu, mong mỏi tìm được anh.

Mẹ tôi trăn trở, u uất vì không tìm được phần mộ của con mình. Giờ mẹ tôi đã mất, tôi chỉ mong tìm được hài cốt của anh để đem về thờ cúng, mong mẹ an lòng", bà Bảy nói.

Ngoài bà Bảy, bà Cường, ông Sơn, có khoảng 25 người khác cũng đang đau đáu, mong mỏi được tìm lại phần mộ của người thân mình - những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh.

Họ đến Trung tâm Y khoa Vạn Hạnh để lấy mẫu ADN với hy vọng có thể tìm được phần mộ của người thân để thờ cúng; đồng thời, thỏa được nỗi canh cánh trong lòng hàng chục năm nay.

Nhanh chóng trả lại tên cho các Anh hùng liệt sĩ

Trao đổi với PV Báo Giao thông, thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng PC06, Công an TP.HCM cho biết, vào ngày 23/7, Bộ Công an phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra mắt ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Sau đó, Bộ Công an đã có chủ trương phối hợp với các tỉnh, đề nghị công an các địa phương phối hợp các đơn vị thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ.

Tiếp nhận thông tin, trong thời gian ngắn, Công an TP.HCM đã mời thân nhân có liệt sĩ chưa xác định danh tính đến nhận ADN. Sau bước này, các đơn vị sẽ phối hợp để tìm danh tính các liệt sĩ.

Công an TP.HCM tặng quà thân nhân liệt sĩ trong chương trình thu nhận ADN. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Công an TP.HCM tặng quà thân nhân liệt sĩ trong chương trình thu nhận ADN. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Theo bà Lãnh, việc thu nhận mẫu ADN là nội dung bước đầu của chương trình. Công an TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý hành chính thông tin đến với người dân, để họ nắm lộ trình thực hiện.

"Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thiêng liêng, đòi hỏi phải gấp rút, chạy đua với thời gian để tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sỹ càng nhanh càng tốt.

Việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử cũng như ứng dụng tiện ích của Đề án 06 trong việc đối sánh dữ liệu, thu thập mẫu ADN đối với thân nhân gia đình liệt sĩ là một trong những nội dung trọng tâm mà Chính phủ hướng đến", bà Lãnh nói.

Trước đó, vào ngày 23/7, Bộ Công an và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định danh tính và thân nhân.

Ngân hàng này hướng đến mục tiêu năm 2030 xác định danh tính khoảng 20.000 mẫu, bằng phương pháp giám định ADN, xác minh 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-khong-con-nhung-liet-sy-vo-danh-192240726121102508.htm