Để không lãng phí 'bờ xôi, ruộng mật': Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuấtBài 2: Nhiều 'điểm nghẽn' về cơ chế, chính sách
Thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đang xây dựng, khiến đất nông nghiệp bị chia cắt, hệ thống thủy lợi nội đồng bị ách tắc, không phục vụ được tưới tiêu.
Hơn nữa, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, cơ chế, chính sách về tích tụ, tập trung ruộng đất còn hạn chế… Đây là những “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ để ngành Nông nghiệp Thủ đô bứt phá.
Khó khăn từ thực tiễn…
Nhắc tới những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, giọng Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) Vương Thị Thảo chùng xuống: “Những năm qua, hàng trăm héc ta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã thu hồi, nhường chỗ cho các dự án phát triển đô thị. Hiện tại, toàn xã chỉ còn 32ha đất nông nghiệp. Người dân tận dụng tối đa diện tích để trồng ổi Đài Loan, trồng táo, hồng xiêm, dưa lê… Tuy nhiên, do diện tích đất sản xuất nông nghiệp xen kẹt trong các dự án, nên hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng bị phá vỡ. Hơn nữa, do nằm trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xã không thể triển khai đầu tư mới các công trình thủy lợi nên hễ mưa là cả cánh đồng trồng ổi lại bị úng, thiệt hại tới năng suất, chất lượng và có thời điểm mất trắng”.
Những khó khăn của nông dân xã Di Trạch cũng là khó khăn chung của nhiều hộ nông dân ở khu vực ven đô.
Chẳng hạn, tại huyện Mê Linh, nhiều khu vực trước đây chuyên canh hoa, rau màu, hiện đã được chuyển thành đất dự án đô thị, nên việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do hệ thống thủy lợi bị chia cắt.
Còn tại huyện Đan Phượng cũng có khoảng 20ha đất nông nghiệp thuộc vùng trũng thấp và giáp ranh dự án xây dựng khu đô thị, rất khó canh tác, tập trung ở các xã: Tân Lập, Hạ Mỗ, Tân Hội…
Ngoài ra, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng (huyện Thạch Thất) Vũ Khắc An, nếu nông dân sản xuất nông nghiệp thuần túy, lợi nhuận sẽ không cao, thậm chí thu không đủ chi. Thế nhưng, đầu tư nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì lại vướng cơ chế, chính sách. Nhiều hộ dân muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền nhưng đều không được phê duyệt, vì sợ vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp.
Tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), dù nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi của xã, nhưng nông dân gặp khó khi chính sách phát triển trang trại lại quy định: Không được xây dựng nhà điều hành, công trình phụ trợ khác liên quan. Trong khi đó, các trang trại hoạt động hiệu quả trên địa bàn xã đều được hình thành từ những năm 2000.
Ông Nguyễn Quang Khải, chủ một trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu cho biết, những năm trước đây, chính sách phát triển trang trại khá cởi mở và được xã khuyến khích, nên nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đã đầu tư hàng tỷ đồng. Thế nhưng, khi áp vào các văn bản pháp luật mới ban hành, thì những công trình này của người dân lại trở thành vi phạm trật tự xây dựng. Do đó, nếu Nhà nước không có giải pháp tháo gỡ, thì ngành Nông nghiệp sẽ khó phát triển.
Bà Đỗ Thị Ánh ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) - hộ dân trồng hơn 30 mẫu rau trên vùng đất bãi, chia sẻ, dù có lợi thế lớn là không khí trong lành, đất đai màu mỡ, dễ dàng tích tụ ruộng đất, nhưng muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất bãi thì ngoài khó khăn về cơ chế, chính sách còn không đủ điều kiện vay vốn vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, hệ thống giao thông nội đồng, đường điện ở đây cũng chưa được đầu tư xây dựng..., nên không phát huy hết tiềm năng.
Còn theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, do nhiều trở ngại, đến nay, toàn thành phố mới xây dựng được 285 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Con số còn khiêm tốn so với tiềm năng đất đai, lợi thế thị trường tiêu thụ ở thành phố gần 10 triệu dân...
Giải bài toán chính sách
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Nguyễn Thị Diễm Hằng, khi nông dân sản xuất không hiệu quả họ sẽ “chán ruộng”, bỏ ruộng. Chính quyền không thể ép nông dân hay doanh nghiệp sản xuất, không được bỏ ruộng hoang… Thay vì hô hào, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ tối đa việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân, nhất là hỗ trợ xây dựng nhà máy sơ chế đạt chuẩn và vùng hàng hóa nông sản chất lượng.
Tuy nhiên, hiện các chính sách liên quan đến việc xây dựng nhà máy, nhà sơ chế tại các vùng nguyên liệu ở Hà Nội rất khó khăn, bởi liên quan đến quỹ đất, thủ tục thuê đất, hồ sơ năng lực đầu tư dự án xây dựng nhà máy, nhà sơ chế, chế biến nông sản.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để ruộng hoang là một lãng phí lớn, nhưng không thể tích tụ ruộng đất bằng cách thu hồi đất của nông dân để giao lại cho các doanh nghiệp hoặc cho các chủ trang trại. Làm như vậy có thể phù hợp với đòi hỏi của thị trường, nhưng lại không bảo đảm được công bằng xã hội. Chính sách phù hợp nhất ở đây là bảo đảm quyền tự do tài sản của nông dân đối với ruộng đất và tạo mọi điều kiện để việc thực thi quyền tự do tài sản đối với ruộng đất nhanh chóng và dễ dàng nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để việc tích tụ ruộng đất có thể diễn ra một cách tự nhiên, phù hợp với tiến độ của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Có hai nút thắt về thể chế cần được xử lý là chính sách hạn điền và chính sách miễn thuế đất nông nghiệp. Việc tích tụ ruộng đất sẽ bất khả thi, nếu chính sách hạn điền không được hủy bỏ hoặc được nới rộng. Những người nông dân bỏ ruộng hoang sẽ không chuyển nhượng ruộng đất, nếu họ không phải chịu thiệt hại gì cho hành vi gây lãng phí của mình.
Tuy nhiên, việc đánh thuế phải ở mức vừa phải để không tạo ra gánh nặng cho những người nông dân, nhưng vẫn khuyến khích cho việc chuyển nhượng đất đai. Cuối cùng, thuế nói chung và thuế đất nông nghiệp nói riêng không chỉ là công cụ để thu ngân sách, mà còn là công cụ điều chỉnh hành vi, nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược của nền quản trị quốc gia, trong đó có mục tiêu tích tụ ruộng đất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Tám (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, việc miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được triển khai nhiều năm nay, nhưng tình trạng ruộng bị bỏ hoang, không canh tác ngày càng nhiều, gây lãng phí nguồn lực; trong khi nhiều tổ chức, cá nhân không thuê được đất để sản xuất. Điều này cho thấy, cơ chế khuyến khích tài chính đối với đất nông nghiệp chưa hiệu quả. Cơ chế và mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp... còn hạn chế, đã cản trở đầu tư vào nông nghiệp - một lĩnh vực rất kén nhà đầu tư.
Chẳng hạn, tại Khoản 3, Điều 191, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa”…
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp đang có sự chồng chéo và không phát huy hiệu quả. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy liên kết, tổ chức sản xuất bài bản cho các nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Song đến nay trên địa bàn thành phố hầu như rất ít hộ gia đình, đơn vị thực hiện được.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho rằng, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP quy định hợp tác xã có thể được hưởng 100% chi phí tư vấn liên kết (tối đa là 300 triệu đồng), bao gồm tư vấn nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, tư vấn xây dựng dự án liên kết. Thế nhưng, phần lớn hợp tác xã hiện nay rất khó tìm kiếm và hợp tác được với các đơn vị tư vấn, nhất là đơn vị có năng lực.
Không những vậy, chính sách đối với một số loại hình đất, như đất bãi, đất lâm nghiệp… vẫn còn không ít bất cập. Đơn cử như thành phố Hà Nội có hàng nghìn héc ta đất bãi màu mỡ, trù phú, đủ điều kiện canh tác nông nghiệp, nhưng nông dân vẫn sản xuất cầm chừng, nhiều diện tích bỏ hoang. Nguyên nhân là do vướng các quy định về hành lang thoát lũ, vướng những quy định tại Luật Đê điều…
(Còn nữa)