Để không sập bẫy tín dụng đen

Tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã và đang góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên việc phân biệt các công ty này với các nhóm tự cho là tổ chức tài chính hợp pháp cũng không đơn giản. Vì thế, nhiều người vẫn rơi vào bẫy tín dụng đen.

Nhiều rủi ro khi vay tiền qua app trực tuyến.

Nhiều rủi ro khi vay tiền qua app trực tuyến.

Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng giám đốc FE Credit cho rằng, tín dụng đen hoạt động bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt khi nấp dưới vỏ bọc là các công ty công nghệ phát triển các ứng dụng (app) cho vay. Nhiều người muốn vay các công ty tài chính chính thức nhưng không thể phân biệt đâu là app cho vay uy tín.

Về việc này, ông Phúc cho rằng do hoạt động cho vay được thực hiện qua ứng dụng nên rất khó để quản lý, kiểm soát, từ đó gây ảnh hưởng đến các công ty tài chính chính thống. Đây là kẽ hở cho tín dụng đen nảy nở.

Trên thực tế, tín dụng đen cũng như hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính không do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép đã gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, tới uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống mà nguy hiểm hơn nó còn gây bất ổn xã hội.

Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NNHNN cho biết, hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động này an toàn, lành mạnh. Từ đó, tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính chính thức tiếp cận được nhóm khách hàng yếu thế (trong đó có những người mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…). Phát triển hệ thống công ty tài chính chính thức cũng nhằm tới khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Được biết, đến nay có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ. Cho tới hết năm 2022, dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng đạt hơn 220.000 tỷ đồng, chiếm 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,9% dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này. Nhiều người dân vẫn bị nhầm giữa công ty tài chính chính thống với những công ty mạo danh.

Theo ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), phát triển được tín dụng tiêu dùng chính thống thì tín dụng đen sẽ không còn đất để hoành hành. Để hình thức cho vay chính thức này đến được với người yếu thế trong xã hội, điều quan trọng nhất là không cần cầm cố, thế chấp tài sản, còn cho vay bằng cách nào, kỹ thuật hay công nghệ gì… thì các công ty phải tự thiết kế sản phẩm cho phù hợp.

Vậy làm sao phân biệt công ty tài chính chính thống khi mà chỉ công ty tài chính được NHNN cấp phép mới được cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng?

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM cho rằng, cần công bố rộng rãi danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép. Các công ty tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá hình ảnh, các sản phẩm, dịch vụ hợp pháp để gia tăng sự nhận diện thương hiệu.

Trong khi đó, theo luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, tính đến nay, mới có 16 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép. Nếu là hoạt động cầm đồ thì có thì có 2 loại giấy phép gồm giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép của cơ quan công an. Trong khi đó, trên thực tế, có hàng nghìn công ty tài chính cung cấp các loại dịch vụ tài chính từ cho vay, cầm đồ đến cho thuê tài chính… có nghĩa là rất nhiều công ty tài chính vi phạm. Trước “thiên la địa võng”, người dân rất khó phân biệt thật giả.

Như vậy, để người dân không phải tìm tới tín dụng đen, không bị sập bẫy tín dụng đen thì trước hết các công ty tài chính chính thống được NHNN cấp phép hoạt động phải tăng cường quảng bá để người dân nhận diện; đơn giản thủ tục cho vay, đồng thời cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các công ty tại chính bất hợp pháp nhưng lại đang hoạt động rộng khắp, ráo riết.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cần phân biệt bản chất hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác, trên cơ sở đó đánh giá và làm rõ các vấn đề có thể phát sinh, đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả, chặt chẽ hơn. Đây là một trong những giải pháp thiết thực ngăn ngừa tín dụng đen.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/de-khong-sap-bay-tin-dung-den-5720637.html