Để không tụt hậu khi 'thế giới đi quá xa'
Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến nguy cơ chúng ta có thể bị tụt lại phía sau trong tiến trình phát triển của nhân loại: 'Thế giới họ đi quá xa…nếu ta không thay đổi thì khó có thể bắt kịp'.
Nhìn lại lịch sử của nhân loại, chúng ta có thể đồng thuận rằng, sự phát triển của mỗi quốc gia trước hết phải dựa vào sức mạnh tự thân, tức là nội lực. Thế nhưng, lịch sử thế giới hiện đại cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của các nguồn lực quốc tế.
Ngày 16/4, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 11 của BCH trung ương Đảng khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến nguy cơ chúng ta có thể bị tụt lại phía sau trong tiến trình phát triển của nhân loại: “Thế giới họ đi quá xa…nếu ta không thay đổi thì khó có thể bắt kịp”.

Việt Nam đang chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, được xác định sẽ bắt đầu từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Trước đó, trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam”, Tổng Bí thư cũng cho rằng nếu một quốc gia “không kịp thời bắt nhịp với thế giới, nhận diện và tranh thủ cơ hội để đặt đất nước vào đúng dòng chảy của thời đại trong 10 năm, 20 năm tới” thì “nguy cơ tụt hậu sẽ hiện hữu hơn bao giờ hết”.
Quả vậy, trên phạm vi toàn cầu, nhân loại đang chứng kiến một thế giới ngày càng trở nên biến động, khó lường. Mặc dù hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng các cuộc xung đột cục bộ vẫn tiếp tục xảy ra cùng vai trò có dấu hiệu bị suy yếu của các tổ chức khu vực và toàn cầu đang đe dọa nền hòa bình của thế giới. Về kinh tế, một số biểu hiện leo thang của chủ nghĩa bảo hộ trong thời gian gần đây, đặc biệt là cạnh tranh giữa các nước lớn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, mà còn đặt ra nhiều thách thức cho tiến trình toàn cầu hóa, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Trong bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm phác họa bối cảnh thế giới ngày nay đặc trưng bởi các xu thế chính trị, kinh tế, xã hội như “hòa bình, hợp tác và phát triển, xu thế dân chủ hóa quan hệ quốc tế, xu thế phát triển bền vững, xu thế hợp tác và liên kết kinh tế; là sức mạnh của cộng đồng quốc tế đồng thuận trong kiến tạo, củng cố thế giới đa cực, đa trung tâm, dân chủ, công bằng, bình đẳng, dựa trên luật pháp quốc tế và đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đang mở ra không gian phát triển vô tận dựa trên tri thức và tiềm năng con người”.
Tổng Bí thư khẳng định rằng: “Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia-dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó”. Vì “các nước vừa và nhỏ thường bị đặt ở thế bị động, không kịp thích ứng” cho nên chúng ta cần tích cực chuẩn bị để không chỉ có thể chủ động thích ứng với sự biến động của bối cảnh, mà còn “nâng tầm hội nhập quốc tế”.
Việt Nam đang chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, được xác định sẽ bắt đầu từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên sắp tới là hiện thực hóa sứ mệnh chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam: “Lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Vai trò của nguồn lực quốc tế
Để đất nước có thể bứt phá phát triển, tránh xa nguy cơ tụt hậu, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 11 của BCH trung ương Đảng khóa 13, trước mắt chúng ta cần “tập trung tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo”.
Nhìn lại lịch sử của nhân loại, chúng ta có thể đồng thuận rằng, sự phát triển của mỗi quốc gia trước hết phải dựa vào sức mạnh tự thân, tức là nội lực. Thế nhưng, lịch sử thế giới hiện đại cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của các nguồn lực quốc tế với sự phát triển bứt phá “thần kỳ” của các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, hay vùng lãnh thổ Đài Loan từ nửa sau thế kỷ 20…Mối quan hệ hữu hảo với các quốc gia phát triển, đặc biệt là các cường quốc, đã giúp các nước nêu trên tận dụng được các nguồn lực đa dạng, từ sự ủng hộ chính trị cho đến vốn, công nghệ, trình độ quản lý, cũng như thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Những kết quả rõ rệt của chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng và nổi bật vào việc thay đổi vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà
Với Việt Nam, lịch sử Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, và quá trình đổi mới trong gần 40 năm vừa qua cũng cho thấy vai trò nổi bật của các yếu tố ngoại lực.
Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, ngọn cờ tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê Nin được truyền bá bởi chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem đến cho những người Việt Nam yêu nước khi đó, vốn đang có biểu hiện “bế tắc về đường lối cách mạng”, một nhãn quan chính trị mới, phù hợp với bối cảnh xã hội thực dân, nửa phong kiến. Tư tưởng mới, tư duy mới và phương pháp hành động phù hợp kết hợp với sức mạnh sẵn có ở trong nước đã giúp phong trào đấu tranh cách mạng tiến lên tầm cao mới.
Sau thành công của Cách mạng tháng 8 năm 1945, tiến trình bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế của nhân dân Việt Nam hẳn sẽ gian nan hơn rất nhiều nếu thiếu sự ủng hộ, hỗ trợ to lớn và quý báu của bạn bè quốc tế.
Trong gần 100 năm vừa qua, nhận thức lãnh đạo của Đảng và hành động chính sách đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế của Nhà nước đã cho thấy sự hoàn thiện và trưởng thành vượt bậc: “từ hội nhập có giới hạn, có chọn lọc, thiên về ý thức hệ” đến “hội nhập kinh tế đơn thuần ban đầu”, rồi “hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện”, và hiện nay là “hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực”.
Có thể nói, những kết quả rõ rệt của chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng và nổi bật vào việc thay đổi vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cho đến hiện nay, sau gần 40 năm Đổi Mới, không thể phủ nhận thực tế là vị thế quốc gia của nước ta đã thay đổi rõ rệt: “Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh phát triển sâu rộng, thực chất”.
Tâm thế quốc gia vươn mình
Hướng về tương lai, xét đến các mục tiêu phát triển đất nước và bối cảnh thế giới hiện nay, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta “phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế”, nhằm tranh thủ và tận dụng được các nguồn lực quốc tế để góp phần giúp đất nước bứt phá phát triển.
Chúng ta có thể gọi tâm thế mới đó là “tâm thế quốc gia vươn mình”, đòi hỏi sự tự tin, cầu thị, sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia và các tổ chức quốc tế, hợp tác đồng bộ, toàn diện, sâu rộng trong mọi lĩnh vực. Cũng có nghĩa, thay vì bị động, trông chờ sự hỗ trợ quốc tế, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ phải cởi mở và chủ động hơn, “chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới”.
Để gia tăng vị thế quốc gia và uy tín quốc tế, chúng ta không chỉ cần “chú trọng phần đối tác, hạn chế phần đối tượng”, mà còn cần phải “tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”…”, phải thể hiện đúng tinh thần “đối tác tích cực, có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp cho những nỗ lực chung của khu vực và thế giới”.
Nắm bắt đúng các xu hướng quốc tế không chỉ là điều kiện tiên quyết để có thể tranh thủ và tận dụng được các sức mạnh của thời đại, mà quan trọng hơn, còn giúp chúng ta nhận thức rõ đất nước đang đứng ở đâu, từ đó có thể sớm phát hiện các biểu hiện tụt hậu. Cũng vì thế, tâm thế quốc gia vươn mình sẽ giúp chúng ta chủ động, tích cực đẩy mạnh, và luôn nỗ lực nâng tầm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, qua đó giúp đất nước hòa vào các dòng chảy chính của thời đại, tiến cùng nhân loại.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra, tâm thế mới trong hội nhập quốc tế có nghĩa là nhận thức và hành động phải “đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại”, qua đó không chỉ gia tăng sức mạnh của đất nước thông qua việc kết nối, gắn kết với thế giới, mà còn đưa đất nước trở thành một cấu phần hữu ích cho thế giới.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-khong-tut-hau-khi-the-gioi-di-qua-xa-2394432.html