Tiên phong trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - Bài 4: Đột phá trong kỷ nguyên mới

Bộ Công an đã tiên phong thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy với mô hình 3 cấp, hiện đại hóa công nghệ và mở rộng nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất 'Vì nhân dân phục vụ'. Tinh thần tiên phong, gương mẫu của Bộ Công an được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, chuyên gia ghi nhận, đánh giá cao.

Đây không chỉ là ‘cuộc cách mạng’ tổ chức mà còn là tầm nhìn chiến lược, đưa Công an nhân dân trở thành lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, gần dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và thúc đẩy đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư đã thông tin về một số chủ trương, chiến lược mà Đảng đang tập trung lãnh đạo, nhằm đạt mục tiêu cao nhất là ổn định xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 4/2025 (Ảnh: BCA).

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 4/2025 (Ảnh: BCA).

Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang tinh, gọn, mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần tự lực, tự cường; giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định; bảo đảm lực lượng vũ trang nhân dân luôn là chỗ dựa vững chắc, tin cậy và là niềm tự hào của nhân dân, của dân tộc Việt Nam.

Thông tin về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, người đứng đầu Đảng ta cho biết, qua tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng, không cầu toàn nhưng không nóng vội, không được để gián đoạn công việc, mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ".

Đề cập đến sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy Bộ Công an, Tổng Bí thư đánh giá, lực lượng công an nhân dân sau 3 lần sắp xếp, kể từ năm 2018 đến nay đã tinh gọn đáng kể, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, Bộ Công an không tổ chức công an cấp huyện và tiếp nhận một số nhiệm vụ mới.

“Bộ Công an ngoài thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì có rất nhiều đóng góp vào nhiệm vụ tham mưu chiến lược và phát triển kinh tế - xã hội, giữ yên bình, an toàn cho cuộc sống của từng người dân”, Tổng Bí thư bày tỏ.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Công an toàn quốc, tháng 12/2024. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Công an toàn quốc, tháng 12/2024. Ảnh: Nhật Bắc

Cũng đề cập đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tại Hội nghị Công an toàn quốc, tháng 12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Lực lượng Công an nhân dân đã gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, để lại nhiều kinh nghiệm quan trọng cho các ban, bộ ngành khác trong hệ thống chính trị.

Trao đổi với Tiền Phong, các đại biểu và nguyên đại biểu Quốc hội đều nhận định, đánh giá, Bộ Công an là một trong những bộ tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận, vào năm 2018, Bộ Công an đã tiên phong trong việc bỏ cấp tổng cục. Khi bỏ cấp trung gian, các chỉ đạo, điều hành từ cấp bộ sẽ xuống thẳng cấp cục, như thế việc triển khai thực hiện sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn. “Đây là một bước đột phá rất lớn của Bộ Công an”, ông Phạm Văn Hòa cho hay.

Cũng với tinh thần tiên phong trong sắp xếp tổ chức bộ máy, từ ngày 1/3/2025, Bộ Công an đã đi đầu trong việc bỏ công an cấp huyện, duy trì công an cấp tỉnh và cấp xã. Tiếp nối tinh thần tiên phong này, dự kiến tới đây, sau khi sửa đổi một số điều của Hiến pháp, cả nước sẽ hướng tới bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, duy trì mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

“Đây là việc làm rất mới và chưa có tiền lệ. Tôi đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công an trong việc tiên phong, gương mẫu tinh gọn tổ chức bộ máy. Đến nay, tổ chức bộ máy đã đi vào nề nếp, hoạt động hiệu quả, thực chất hơn”, đại biểu đang là Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội bày tỏ.

Với việc tổ chức mô hình hai cấp ở địa phương, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, lực lượng công an sẽ gần dân, sát dân, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, đặc biệt trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Người dân, doanh nghiệp thay vì tới công an huyện như trước đây thì nay chỉ cần đến công an cấp xã, phường. Như vậy, việc xử lý các thủ tục hành chính sẽ nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đặc biệt trong việc cấp đổi giấy phép lái xe, khi cấp xã làm nhiệm vụ này sẽ rút ngắn thời gian hơn, hiệu quả hơn và người dân rất đồng tình, ủng hộ.

“Bên cạnh những cái được là rất nhiều, trong giai đoạn đầu khi bỏ cấp trung gian, khó tránh khỏi việc phát sinh một số hạn chế, bất cập. Nhưng với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi tin rằng, những vướng mắc, bất cập tạm thời sẽ sớm được khắc phục. Cùng với việc hiện đại hóa công nghệ, kết nối đồng bộ dữ liệu, khi bộ máy đã ổn định, đi vào nề nếp, chắc chắn guồng máy sẽ hoạt động ổn định, chất lượng và hiệu quả hơn”, ông Hòa nhìn nhận.

Cùng chia sẻ với Tiền Phong, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) nhớ lại, thời điểm khi Bộ Công an tiến hành bỏ cấp tổng cục, có không ít người, ngay cả cán bộ trong ngành cũng bày tỏ băn khoăn, vì cho rằng, có tổng cục mới tạo nên sức mạnh và dưới tổng cục là các cục, đơn vị trực thuộc. Thế nhưng, vào thời điểm đó, Bộ Công an đã quyết tâm thực hiện bỏ các tổng cục.

“Khi trở về cấp cục, lực lượng công an vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Điều đó chứng tỏ khi không có cấp tổng cục, các chỉ đạo từ cấp bộ sẽ trực tiếp xuống cấp cục, không phải qua cấp trung gian, như thế lại sát hơn, gần hơn, trực tiếp hơn, và hiệu quả mang lại rất cao. Như vậy có thể nói, Bộ Công an đã tiên phong, gương mẫu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Vừa qua, khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập, nhiều bộ, ngành đã không còn cấp tổng cục. Khi xóa bỏ cấp trung gian, nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành. Đó là sự đi đầu trong tinh gọn tổ chức bộ máy, cũng rất đúng chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Công an”, ông Lê Như Tiến, nói.

Sau khi bỏ cấp tổng cục, Bộ Công an tiếp tục đi đầu trong việc bỏ công an cấp huyện, để hướng tới bỏ đơn vị hành chính cấp huyện tại các tỉnh, thành phố đang triển khai hiện nay. Khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, chức năng, nhiệm vụ sẽ rõ ràng hơn và sẽ hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh. Cấp tỉnh khi đó sẽ chỉ đạo điều hành, còn cấp xã sẽ trực tiếp triển khai thực hiện, sát dân, gần dân nhất, giải quyết tất cả các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Về công tác quản lý, ông Lê Như Tiến cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, sẽ trở thành “cánh tay nối dài” trong việc quản lý xã hội. “Không phải như trước đây nhiều năm, cán bộ xã phải cưỡi trâu đi kiểm tra ruộng đồng nữa. Bây giờ ngồi tại trụ sở, người ta có thể làm được tất cả các công việc cần thiết, từ quản lý nhân sự đến khoa học kỹ thuật, đến công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng… Sự phát triển của khoa học công nghệ chính là cánh tay nối dài cho công tác quản lý, rất hợp lý”, vị chuyên gia gắn bó nhiều khóa ở Quốc hội cho hay.

Đáng lưu ý, ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh rằng, tinh gọn tổ chức bộ máy, bỏ cấp trung gian không chỉ là vấn đề tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu ngân sách, mà còn tăng cường hơn hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, làm cho chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, vì dân hơn.

Lực lượng Công an tiên phong, gương mẫu trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Ảnh: Như Ý

Lực lượng Công an tiên phong, gương mẫu trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Ảnh: Như Ý

“Trước kia, nhiều khi có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, cứ bảo đó là công việc, thẩm quyền của huyện. Thế là người dân lại phải chạy đôn chạy đáo từ xã lên huyện, từ phường lên quận, cứ vòng đi vòng lại mất rất nhiều thời gian, công sức. Đùn đẩy trách nhiệm như vậy, người dân rất khổ. Nhưng bây giờ với chính quyền hai cấp, bỏ cấp trung gian thì việc phân cấp phân quyền rõ hơn và dễ thực hiện hơn”, ông Tiến nêu rõ.

“Chúng ta phải đánh giá cao sự năng động, đi đầu, dự báo rất sớm, rất xa của ngành Công an. Không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều cán bộ lão thành cũng ghi nhận, đánh giá cao, đó là một sự đột phá cần thiết để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong quá trình đó, người đi đầu bao giờ cũng gặp phải những khó khăn, lực cản nhất định. Nhưng khi chúng ta đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện, vì nhiệm vụ chung, vì sự phát triển chung của đất nước trong tình hình mới, chúng ta sẽ làm được và làm rất hiệu quả”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Việc xóa bỏ công an cấp huyện là một bước tiến quan trọng trong quá trình Bộ Công an thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, thể hiện tinh thần quyết liệt và sáng tạo trong cải cách tổ chức. Dù đối mặt với nhiều thách thức, đây là hướng đi phù hợp nhằm xây dựng lực lượng công an tinh gọn, hiệu quả, gần dân và phục vụ nhân dân tốt hơn. Với sự lãnh đạo sát sao từ Trung ương và sự đồng lòng của toàn lực lượng, mô hình công an 3 cấp tin tưởng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.

Nội dung: Luân Dũng | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tien-phong-trong-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-bai-4-dot-pha-trong-ky-nguyen-moi-post1732444.tpo