Đấy là khu vườn rộng hơn 2 héc-ta của anh Nông Văn Công (SN 1993, thôn Cao Bằng, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc). Khác với những khu vườn xung quanh, vườn nhà anh Công um tùm cỏ dại, đủ loại cây trồng và đặc biệt có tiếng chim hót, sóc, chuột quanh quẩn không rời.
Anh Công tốt nghiệp Đại học Xây dựng miền Trung vào năm 2014. Sau đó, gia đình gặp chuyện nên anh về quê và làm nông theo cách cũ. Tuy nhiên do tiếp xúc với chất hóa học từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến anh ám ảnh. Anh lên thành phố làm việc, song trong tâm trí luôn xuất hiện hình bóng khu vườn. Năm 2017, anh Công quyết định quay về quê tìm hiểu cách làm nông theo kiểu khác.
Anh đọc sách, lên mạng xã hội tham gia các mô hình canh tác nông nghiệp bền vững và bắt đầu thích thú với mô hình vườn rừng. Từ đó anh bắt tay cải tạo khu vườn, trồng thêm cỏ Vetiver, sả, dã quỳ vừa giữ đất, giữ nước và tạo sinh khối rất tốt cho khu vườn.
Trong vườn, anh Công trồng thêm chuối và nhiều loại cây ăn quả như ổi, mãng cầu, bưởi… vừa tạo bóng mát, tăng thêm thu nhập. Anh Công chỉ tạo ra hệ sinh thái, tạo chuỗi thức ăn, cây trồng tự thích ứng phát triển tự nhiên. Cây quả trong vườn anh cũng không bọc túi vải bảo vệ.
Do cắt đứt nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên trong năm đầu, năng suất cây trồng giảm 1 nửa; những năm tiếp theo, năng suất mới tăng lên. Trong khu vườn, anh Công để 1 diện tích đất rậm rạp (khoảng 1 sào) làm “nhà ở” cho côn trùng, chim thú…
Nhờ cách để khu vườn phát triển tự nhiên đa dạng các loại cây trồng nên anh Công tiết kiệm được việc tưới nước cho cây. Mùa khô đến, anh chỉ tưới 1-2 đợt cho cây cà phê, các cây trong vườn như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, bưởi… anh Công không tưới vì chúng được các loại cỏ giữ độ ẩm, và “ké” từ trong thân cây chuối.
Anh Công cho biết, mô hình vườn rừng hầu như không tốn chi phí đầu tư. Từ khu vườn ban đầu, anh chỉ tốn tiền mua các loại cây trồng xen vào, còn lại không tốn tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu...Khu vườn nhà anh Công cho thu hoạch quanh năm, hết mùa cà phê lại đến hồ tiêu; tiếp theo đến các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, bưởi; chưa kể chuối, cau…
Với anh Công, bước ra khu vườn là cách nạp năng lượng tích cực. Những trải nghiệm, hiểu biết về vườn rừng, lợi ích mà mô hình này mang lại được anh chia sẻ trên kênh YouTube mang tên Khu vườn của mẹ. Đây là cách anh lan tỏa tình yêu thiên nhiên, truyền thông điệp tích cực về mô hình canh tác bền vững, đảm bảo sức khỏe cho cả người nông dân và người tiêu dùng.
Huỳnh Thủy