Để khuyến học, khuyến tài hiệu quả hơn

Người làm công tác khuyến học, khuyến tài không nên lơ là, bỏ sót bất kỳ trường hợp hay ngành nghề nào

Ngày 9-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức tọa đàm "Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP HCM" với sự tham dự của lãnh đạo thành phố, các ban ngành, quận, huyện và các cơ sở giáo dục tại TP HCM.

Nhiều mô hình mới lạ

Là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài của TP HCM, Hội khuyến học quận 4 xác định tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác này trong sự nghiệp giáo dục mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Khuyến học quận 4, cho biết lãnh đạo các cấp hội đẩy mạnh phát động và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Hiện nay, 100% phường, khu phố, các trường tiểu học, THCS, THPT, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn quận 4 đều xây dựng chi hội khuyến học.

Theo bà Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Củ Chi, nếu mô hình "gia đình học tập" là hạt nhân, thì dòng họ, nơi gắn kết dòng máu chính là điểm tựa để các gia đình phấn đấu các danh hiệu.

Theo bà Trang, hoạt động khuyến học, khuyến tài trong dòng họ không chỉ góp phần thúc đẩy phong trào học tập trong các thành viên dòng họ, mà còn xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng thân tình, chặt chẽ hơn. Hiện nay, huyện Củ Chi có 74/82 dòng họ đã được công nhận là "dòng họ học tập".

Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, phát biểu tại tọa đàm

Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, phát biểu tại tọa đàm

Ngoài ra, từ năm 2019 - 2023, các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Củ Chi đã nuôi 50.510 con heo đất, xây dựng 1.839 sổ tiết kiệm khuyến học với tổng số tiền hơn 55 tỉ đồng để chăm lo cho học sinh, sinh viên huyện.

"Huyện đang xây dựng mô hình câu lạc bộ "cha mẹ tinh thần", thu hút người lớn nhận đỡ đầu, chăm lo, động viên học sinh nghèo, cơ nhỡ, mồ côi, để các em có niềm tin, động lực tiếp tục đến trường" - bà Trang nói.

Bước ngoặt quan trọng

ThS Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố, nhận xét công tác khuyến học, khuyến tài của thành phố những năm qua nhận được nhiều sự quan tâm từ Thành ủy, UBND TP HCM, Sở GD-ĐT và hệ thống hội khuyến học các cấp.

Theo ThS Cận, 71 bài tham luận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống hội khuyến học từ cơ sở đến thành phố, các Đảng ủy cấp trên cơ sở, các cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học... đã thể hiện nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau. Nhiều khó khăn, thuận lợi và giải pháp được nêu tại tòa đàm.

Tháng 2-2024, TP HCM chính thức được công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, khẳng định đây là bước ngoặt rất quan trọng đối với công tác giáo dục khuyến học, khuyến tài trên địa bàn.

"Công tác khuyến học, khuyến tài không phải là nhiệm vụ riêng của ban, ngành nào. Đây là công việc, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị" - ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, công tác phân luồng chưa hiệu quả. Chính vì vậy, những học sinh trượt THCS chưa có những định hướng đúng đắn. Thời gian tới, công tác truyền thông trong khuyến học, khuyến tài cần đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn. Tất cả các phòng của Ban Tuyên giáo đều có trách nhiệm, tăng cường thông tin.

Đúc kết lại buổi tọa đàm, ông Sơn khẳng định TP HCM muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trước hết phải tập trung phát triển con người, cụ thể là công tác giáo dục, khuyến học, khuyến tài.

"Có những ngành trực tiếp mang lại giá trị kinh tế ngay, nhưng cũng có những ngành mang lại kinh tế gián tiếp, tuy nhiên chiếm vai trò rất quan trọng. Người làm công tác khuyến học, khuyến tài không nên lơ là, bỏ sót bất kỳ trường hợp hay ngành nghề nào" - ông Sơn chỉ rõ.

Không để kinh phí cản trở sinh viên đến trường

Không riêng gì địa phương, đại diện các trường ĐH, CĐ cho biết luôn cố gắng tạo điều kiện và có nhiều học bổng hỗ trợ sinh viên, giảng viên khó khăn.

ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), tâm sự nhiều sinh viên rất ham học nhưng không thể đến giảng đường ĐH vì học phí khá cao. "Hiện nay, nhà trường có 20% là sinh viên TP HCM, 80% là sinh viên các tỉnh thành khác. Đa số là con trong gia đình làm nông hoặc buôn bán nhỏ. Bài toán đặt ra cho nhà trường là làm sao để kinh phí không phải là lý do cản trở việc học của các em" - ThS Nam nhìn nhận.

ThS Nam cho rằng những năm gần đây báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên, giảng viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bàn về giải pháp thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, ThS Nam cho rằng các trường ĐH, CĐ nên nối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài, cựu sinh viên trường để kêu gọi các nguồn tài trợ về học bổng, dự án hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên khó khăn. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2024, số lượng học bổng tài trợ từ phía doanh nghiệp cho sinh viên trường vượt hơn 6 tỉ đồng.

Bài và ảnh: Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-khuyen-hoc-khuyen-tai-hieu-qua-hon-196241009213446067.htm