Đề kiểm tra học kì 2 Ngữ văn tỉnh Bình Phước bàn về tác hại của TikTok
Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Phước vừa tổ chức kiểm tra học kì 2 năm học 2022-2023, trong đó ngữ liệu phần đọc hiểu môn Ngữ văn đề cập đến tác hại của TikTok. Nội dung đề kiểm tra môn Ngữ văn như sau.
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau: Mỗi lần chuẩn bị mở TikTok tôi đều tự dặn mình sẽ không xem quá 30 phút, nhưng rất hiếm khi làm được. 30 phút sẽ thành 40 phút và đôi khi vượt quá một giờ đồng hồ. TikTok, YouTube, hay Instagram tuy là sản phẩm của các công ty công nghệ khác nhau và mang đến trải nghiệm khác biệt cho người dùng, song chúng đều chia sẻ một đặc điểm chung quan trọng: tất cả đều được thiết kế để giữ chân người dùng ở mức tối đa.
Để đạt mục tiêu đó, những nền tảng này đã phát triển các thuật toán cá nhân hóa để tạo ra vòng lặp "gây nghiện". Ví dụ, bằng cách phân tích các dữ liệu như người dùng bỏ qua nội dung gì hoặc có xu hướng thả tim video nào, thuật toán của TikTok sẽ hiển thị nhiều video với nội dung đánh trúng sở thích từng người.
Thuật toán này là một "siêu vũ khí" thực thụ khi kết hợp với tính năng cuộn vô hạn (infinite scrolling). Trong khi chế độ mặc định của YouTube là để người dùng chủ động tìm kiếm nội dung, TikTok tự động hiển thị một video ngẫu nhiên mà nó cho rằng phù hợp với mối quan tâm của người dùng ngay khi ứng dụng được mở ra. Chỉ với động tác quẹt lên, người dùng sẽ liên tục tải được video mới. Chu trình "quẹt, xem, quẹt, xem" tạo nên trải nghiệm liền mạch, khó dứt. Bên cạnh đó, tính gây nghiện của TikTok cũng đến từ việc tạo ra "nỗi sợ bỏ lỡ"…
Những mạng xã hội như Facebook hay Instagram cũng tận dụng các cơ chế tương tự để giữ chân người dùng. Tuy nhiên, định dạng video ngắn mà TikTok tiên phong có khả năng lan tỏa (viral) rộng rãi và nhanh hơn cả bởi chúng khai thác điểm yếu lớn nhất của con người hiện đại: khả năng tập trung suy giảm trầm trọng. Người dùng ngày càng thích những thứ ngắn gọn và "dễ tiêu hóa" nên video TikTok được cả thế giới ưa chuộng và chia sẻ rộng rãi.
Điều này có thể mang lại tác động tích cực khi TikTok lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng hoặc thông tin thiết yếu. Ngược lại, nếu bị kẻ xấu lợi dụng, TikTok sẽ nhanh chóng trở thành cỗ máy truyền tin giả hoặc video độc hại. Việc TikTok liên tục thu thập và lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ của người dùng cũng đặt ra nguy cơ về bảo mật dữ liệu cá nhân.
(Trích "Cai nghiện TikTok", Ngô Di Lân)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Theo đoạn trích, "siêu vũ khí" mà các mạng xã hội sử dụng để giữ chân người dùng hiện nay là gì? (0,5 điểm)
Câu 2. Vì sao video TikTok được cả thế giới ưa chuộng và chia sẻ? (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về "nỗi sợ bỏ lỡ" của con người thời hiện đại được nhắc đến trong đoạn trích? Theo anh/chị, từ "nỗi sợ" ấy sẽ dẫn tới những hệ lụy gì? (1,0 điểm)
Câu 4. Thông tin: "định dạng video ngắn mà TikTok tiên phong có khả năng lan tỏa rộng rãi và nhanh hơn cả bởi chúng khai thác điểm yếu lớn nhất của con người hiện đại: khả năng tập trung suy giảm trầm trọng" có ý nghĩa gì với anh/chị? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Nhiều người trẻ thường có "nỗi sợ bỏ lỡ" các nội dung thú vị trên TikTok mà không nhận ra điều đáng sợ hơn là bỏ lỡ những cơ hội trong đời thực.
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc không bỏ lỡ những cơ hội trong cuộc đời.
Câu 2 (5,0 điểm): Anh/chị hãy phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị (trích đoạn Vợ chồng A Phủ); từ đó, nhận xét ngắn gọn về số phận và vẻ đẹp tâm hồn người lao động miền núi Tây Bắc.
Đề kiểm tra học kì 2 Ngữ văn tỉnh Bình Phước bàn về tác hại của TikTok.
Học sinh bàn về lợi và hại của mạng xã hội TikTok như thế nào?
Trước hết, theo đoạn trích, siêu vũ khí mà các mạng xã hội sử dụng để giữ chân người dùng hiện nay là các thuật toán cá nhân hóa để tạo ra vòng lặp "gây nghiện".
Video TikTok được cả thế giới ưa chuộng và chia sẻ vì người dùng ngày càng thích những thứ ngắn gọn và "dễ tiêu hóa".
"Nỗi sợ bỏ lỡ" của con người thời hiện đại được hiểu là nỗi sợ bị bỏ qua những thông tin thú vị, hấp dẫn, mới mẻ trên mạng xã hội. Là nỗi sợ bị "lạc hậu" về một thông tin hay video mới nào đó đang thu hút mọi người mà mình không được biết.
"Nỗi sợ" ấy sẽ dẫn tới việc: (Học sinh có thể tự do bày tỏ quan điểm riêng, miễn là hợp lí). Gợi ý: Không kiểm soát được việc sử dụng mạng xã hội mà bị cuốn theo, từ đó dẫn tới mất thời gian, ảnh hưởng sức khỏe, công việc… Xem mạng xã hội là kênh thông tin tốt nhất để nắm bắt những biến động của cuộc sống xung quanh mà không quan tâm tới các kênh thông tin chính thống khác hoặc mải mê sống ảo trên mạng mà xa rời đời thực.
Thông tin "định dạng video ngắn mà TikTok tiên phong có khả năng lan tỏa rộng rãi và nhanh hơn cả bởi chúng khai thác điểm yếu lớn nhất của con người hiện đại: khả năng tập trung suy giảm trầm trọng".
Điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm của TikTok nếu người dùng sa đà vào nó: bị giảm khả năng tập trung – tức là không có khả năng chú ý lâu hơn vào một vấn đề nào đó, dễ dẫn tới những đánh giá hời hợt và đưa ra quan điểm, hành động sai lầm. Là lời nhắc nhở, cảnh báo, là bài học đối với bản thân: hãy tập trung vào đời thực thay vì sa đà vào mạng xã hội; tăng cường rèn luyện khả năng tập trung, vun đắp cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
Hiểu về tâm lý sợ bỏ lỡ trong cuộc sống
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của việc không bỏ lỡ những cơ hội trong cuộc đời. Có thể triển khai theo hướng:
Những cơ hội trong cuộc đời luôn ở ngay trong cuộc sống xung quanh mà đôi khi ta không nhận ra. Nhiều người trẻ vì mải mê với mạng xã hội mà bỏ lỡ những cơ hội trong cuộc sống. Cơ hội thường ẩn dưới bóng của một yếu tố nào đó, kể cả khó khăn, thử thách. Người biết nắm bắt cơ hội là người luôn tự tin vào năng lực bản thân, lạc quan, nghị lực trong mọi hoàn cảnh và nhạy bén, có khả năng phán đoán.
Không bỏ lỡ các cơ hội giúp cho chúng ta có thể rèn giũa năng lực của bản thân; phát triển bản thân, chạm đến thành công; đạt được mục tiêu của cuộc đời mà không phải nuối tiếc giá như…