Khủng hoảng vì phải cài 8 ứng dụng để theo dõi việc học của con
Không riêng phụ huynh Việt Nam, nhiều cha mẹ ở Mỹ và Trung Quốc cũng mệt mỏi vì phải tải đủ thể loại app trường học, nhiều rủi ro và bất tiện khi sử dụng.
Google Classroom, PowerSchool, Seesaw, Remind, Bloomz, ClassDojo, PaySchools Central, CutTime và TeamSnap, đây là những ứng dụng mà bà Meg St-Esprit, phụ huynh ở bang Pennsylvania (Mỹ), phải tải về điện thoại để phục vụ cho việc học của 4 đứa con.
Người mẹ phàn nàn những ứng dụng này rất bất tiện và tốn thời gian. Chỉ riêng việc nhận thông báo từ ứng dụng cũng đủ để khiến bà thấy mệt mỏi.
Bố mẹ mệt, con cũng mệt vì app
Các công cụ phục vụ cho việc học của trẻ hoặc ứng dụng trường học bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 2010, nhưng phải đến đại dịch Covid-19, những ứng dụng mới phát triển mạnh vì hàng triệu học sinh phải học online tại nhà.
Tại Mỹ, loạt ứng dụng như Blackboard hoặc Google Classroom giống như sổ điểm điện tử, cho phép học sinh và phụ huynh xem điểm từng môn. Còn những ứng dụng khác như ClassDojo lại như sổ liên lạc điện tử, giúp phụ huynh theo dõi từng hoạt động của con ở trường.
Kể từ khi các ứng dụng trường học ra đời, phụ huynh luôn chia làm hai luồng ý kiến, một bên phản đối, một bên đồng ý. Với nhiều gia đình, app trường học vẫn là phương thức giao tiếp hiệu quả với nhà trường. Các phụ huynh đánh giá cao tính minh bạch của sổ điểm điện tử và tính năng nhắn tin nhanh cho giáo viên thay vì phải sắp xếp cuộc họp trực tiếp.
Tuy nhiên, ứng dụng điện thoại không phải phương thức giao tiếp đáng tin cậy với tất cả phụ huynh vì một số gia đình không dùng điện thoại, một số khác lại không có thời gian rảnh để mở điện thoại thường xuyên và kiểm tra thông báo. Hơn nữa, sự phức tạp của các ứng dụng cũng có thể khiến phụ huynh nhầm lẫn, ngay cả với những người tương đối am hiểu công nghệ.
Dù tiện, những ứng dụng trường học này đôi lúc vẫn gây ra bất tiện và mệt mỏi với phụ huynh. Nhiều người lo ngại rằng những ứng dụng theo dõi điểm số của con có thể tạo ra nền văn hóa ám ảnh thành tích, khiến trẻ căng thẳng và kiệt sức.
Đề cập vấn đề này, bà Meg St-Esprit cho biết mới đây, con bà nhận được điểm thấp trong một môn học và con trở nên lo lắng, sợ số điểm này sẽ xuất hiện trong ứng dụng điện thoại của mẹ.
"Google Classroom khiến con tôi căng thẳng. Con bé cứ liên tục tự hỏi 'liệu giáo viên đã chấm điểm chưa', 'giáo viên đã nhập điểm lên app chưa'. Những ứng dụng này thực sự khiến trẻ bị ám ảnh với điểm số và quên luôn việc học", người mẹ nói với The Cut.
Không riêng phụ huynh Mỹ, phụ huynh Trung Quốc cũng mệt mỏi vì sự bất tiện của một số ứng dụng trường học.
Vào tháng 3/2024, một người mẹ ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đăng video phàn nàn về việc nhà trường giao quá nhiều bài tập nghỉ đông trên app, khiến con của bà căng thẳng và quá tải. Chưa dừng lại ở đó, bài tập trên ứng dụng này còn yêu cầu phụ huynh phải đồng hành cùng con, theo Epoch Times.
Nói về lý do phản đối các bài tập trên app, người mẹ nói rằng con của bà mới học tiểu học, chưa đủ tuổi để tự do sử dụng đồ điện tử. Bà cũng không muốn con lãng phí thời gian vào những bài tập vô ích như nhảy dây 9 phút, chạy một km trước khi làm bài tập...
"Tôi cũng từ chối tải những ứng dụng mà tôi không sử dụng. Tôi không biết liệu nhà trường và bên phát hành app có mối quan hệ hợp tác lợi ích nào hay không, nhưng tôi kiên quyết bảo vệ quyền lợi của tôi và con tôi", người mẹ nhấn mạnh.
Rủi ro lộ thông tin
Ngoài những mối lo ngại về sức khỏe tâm thần, một số chuyên gia cũng lo rằng các ứng dụng trường học có thể khiến người dùng bị tin tặc tấn công.
Bà Leah Plunkett, giảng viên tại trường Luật Harvard, nói rằng một số ứng dụng trường học ở Mỹ được dùng để thông báo kế hoạch đón trẻ nên sẽ có phần định vị. Nếu ứng dụng đó bị xâm phạm, kẻ gian có thể đánh cắp thông tin và biết được vị trí của học sinh.
Những ứng dụng trao đổi giữa gia đình và nhà trường cũng ra lo ngại lộ thông tin về học sinh và ảnh hưởng đến các em sau này.
Bà Plunkett nói rằng phần lớn ứng dụng trường học đều sử dụng AI để đưa ra nhận xét, kết luận về học sinh. Điều này khiến AI có thể thu thập và lưu trữ lượng lớn thông tin về học sinh, thậm chí sử dụng những thông tin đó theo cách mà gia đình các em cũng không lường trước được và không có biện pháp thích hợp để bảo vệ con em.
Theo đó, nữ giảng viên đề xuất các bang cần xây dựng luật bảo vệ quyền riêng tư cho thanh, thiếu niên. Bà cũng kỳ vọng các nhà phát triển ứng dụng cần cung cấp cho nhà trường và gia đình những thông tin về cách mà họ thu thập, sử dụng dữ liệu của học sinh.