Đề kiểm tra Ngữ văn tràn 2 mặt giấy, chi chít chữ, gây 'choáng'

Ngữ liệu đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn của một trường trung học phổ thông ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, chữ tràn 2 mặt giấy, học sinh nhìn thôi cũng đã thấy 'choáng'.

Đề kiểm tra Ngữ văn 11 tràn 2 mặt giấy A4

Trên một diễn đàn trên mạng xã hội có gần 600.000 người theo dõi đăng tải đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 nhận được nhiều sự quan tâm và luận của dư luận, trong đó có giáo viên và học sinh.

Theo đó, nội dung đề kiểm tra này có 2 phần: Đọc hiểu (6 điểm) và Viết (4 điểm), thời gian làm bài 90 phút. Cụ thể, ngữ liệu Đọc hiểu cho một đoạn trích trong tác phẩm "Truyện Kiều" của nhà thơ Nguyễn Du và yêu cầu học sinh trả lời 6 câu hỏi. Đáng nói, ngữ liệu Đọc hiểu rất dài, gồm 58 câu thơ (29 cặp lục bát), kèm lược dẫn và 16 chú thích.

Phần viết, yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: "Ước mơ như ngọn đèn hải đăng chiếu sáng những màn đêm tăm tối giữa biển khơi rộng lớn để dẫn đường chúng ta đi đến thành công".

Bình luận về đề kiểm tra này, nhiều giáo viên nêu quan điểm, nội dung đề phù hợp với Chương trình môn Ngữ văn 11 hiện hành. Tuy nhiên, ngữ liệu đề quá dài, dày đặc chữ, chiếm trọn 2 mặt giấy A4 khiến học sinh đọc rất choáng. "Học sinh sẽ chán và sợ học môn Ngữ văn nếu các em phải làm những đề kiểm tra như thế này", một giáo viên thẳng thắn nhìn nhận.

Ra đề kiểm tra, giáo viên cần lưu ý điều gì?

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành tài liệu (lưu hành nội bộ) tập huấn về việc ra đề kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Theo đó, ngữ liệu dùng cho kiểm tra đánh giá định kì, cần đáp ứng một số tiêu chí sau đây (trích):

Ngữ liệu có dung lượng phù hợp bảo đảm học sinh có đủ thời gian đọc, suy nghĩ để làm bài thi /kiểm tra. Trong trường hợp đề kiểm tra /thi sử dụng ngữ liệu riêng cho mỗi phần (đọc và viết) thì không nên vượt quá 1300 chữ (cho tất cả ngữ liệu). Trường hợp chỉ sử dụng 01 ngữ liệu nên chọn ngữ liệu từ khoảng 600 đến 1000 chữ.

Ngữ liệu phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lí của học sinh; có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ.

Cách làm hiệu quả nhất và cũng tiện lợi nhất là sử dụng các ngữ liệu của các bộ sách khác để xây dựng đề kiểm tra đánh giá định kì.

Ví dụ, học sinh học bộ sách Cánh Diều có thể được kiểm tra bằng các ngữ liệu của các bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống hay Chân trời sáng tạo nếu những ngữ liệu này không trùng với ngữ liệu trong sách giáo khoa bộ Cánh diều và học sinh chưa được học.

Như vậy, giáo viên sẽ có được ngữ liệu tương đương về thể loại /loại văn bản so với đoạn trích/văn bản mà học sinh của mình đã được học.

Hiện nay, có 03 bộ sách giáo khoa Ngữ văn đang được triển khai dạy học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Mỗi trường/ cơ sở giáo dục (thậm chí mỗi địa phương) chỉ học 01 bộ sách, nên khi kiểm tra đánh giá định kì, giáo viên chỉ cần tránh sử dụng lại những ngữ liệu bản đã học trên lớp.

Cách làm này vẫn bảo đảm tính khách quan lại vừa thuận lợi cho việc khai thác nguồn ngữ liệu. Bởi lẽ, các bộ sách hiện hành đã có sự chọn lựa khá kĩ về các ngữ liệu cho dạy học các thể loại văn bản.

Những đoạn ngữ liệu này cũng đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định Quốc gia khi thẩm định từng bộ sách. Có thể coi đó là những ngữ liệu tiêu biểu cho các thể loại văn bản mà học sinh đã /cần được học.

Mặt khác, việc lựa chọn một ngữ liệu phù hợp đối với phần đông các giáo viên hiện nay là điều không dễ dàng. Do đó, tận dụng ngữ liệu từ các bộ sách khác là phương án khả thi và mang tính hiệu quả cao.

Minh Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-kiem-tra-ngu-van-tran-2-mat-giay-chi-chit-chu-gay-choang-179241103000413709.htm