Để kinh doanh F&B theo 'trend' không rơi vào cảnh 'sớm nở, tối tàn'

Thời gian qua, hàng loạt trào lưu về đồ ăn như bánh đồng xu phomai, trà chanh giã tay... đã thu hút đông đảo người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn khi 'trend' nguội đi, nhiều hộ kinh doanh rơi vào tình cảnh ế ẩm, vắng bóng người mua nhưng lại là cơ hội cho các chuỗi lâu năm.

Qua thời thì đi đâu?

Chỉ trong năm 2023 thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt trào lưu xuất hiện nhờ vào sức mạnh của mạng xã hội như cà phê muối, trà mãng cầu, gỏi măng cụt, bánh đồng xu phô mai và gần đây nhất là trà chanh giã tay có xuất xứ từ Trung Quốc. Nắm bắt nhu cầu thị trường, không ít người bỏ công việc ổn định, dốc tiền kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, khi trào lưu không còn nữa, không ít cửa hàng rơi vào cảnh vắng bóng người mua.

Theo phân tích từ nền tảng SocialHeat của YouNet Media trong thời gian từ ngày 9-19/11/2023, món trà chanh giã tay đứng Top 1 Bảng xếp hạng SocialTrend Ranking mảng ăn uống trong 10 ngày liên tục. Tính đến ngày 19/11/2023, trà chanh giã tay đã thu hút hơn 79.700 thảo luận, 901.400 tương tác, hơn 54.900 người tham gia thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội.

Chuyên gia dự báo, xã hội sẽ còn chứng kiến nhiều 'trend' ẩm thực sớm nở tối tàn trong thời gian tới.

Chuyên gia dự báo, xã hội sẽ còn chứng kiến nhiều 'trend' ẩm thực sớm nở tối tàn trong thời gian tới.

Việc có kiếm lời nhanh chóng từ kinh doanh theo trend hay không vẫn chưa được xác định, nhưng các xu hướng trong thời gian qua đều cho thấy tính ngắn hạn, hay nói cách khác là phụ thuộc vào sức nóng của mạng xã hội cũng như tính tò mò của người tiêu dùng.

Chị Minh Tuyết sau khi trải nghiệm món trà chanh giã tay với 49.000 đồng tại quán trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Uống để tìm hiểu xem như thế nào chứ không hẳn là vì ngon, với giá như này mình có thể uống nhiều nước khác ngon hơn”. Đó là tâm lý chung của người tiêu dùng trẻ hiện nay khi sẵn lòng chi tiền để “nếm trend” chứ không phải là hương vị.

Trên thực tế, những xu hướng từng gây bão mạng xã hội chỉ duy trì được một thời gian ngắn rồi ra đi trong im lặng. Và điều này có thể sẽ diễn ra tương tự với trà chanh giã tay.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy một số thức uống đã biến mất trên đường phố nay lại xuất hiện trên menu của một số chuỗi có thương hiệu. Chẳng hạn, một số đồ uống đã qua thời thì lại đang nằm chễm chệ trên menu của Milano, Thức Coffee như cà phê muối, trà mãng cầu ở Guta hay món trà dâu trong menu của Phúc Long.

Đúng nhưng cần có chiến lược

Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc công ty tư vấn FNB Director cho biết, với sự phát triển của mạng xã hội, những món ăn, đồ uống rất dễ trở thành phong trào nhưng thực tế chỉ sau một thời gian ngắn đều dần hạ nhiệt. Việc kinh doanh theo trào lưu như vậy có thể kiếm lời rất nhanh nhưng không phải ai cũng thành công.

"Thực chất, trong hoạt động kinh doanh, việc tạo ra xu hướng, bắt nhịp trào lưu là giải pháp tích cực, giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng. Tuy nhiên cần phải có chiến lược bài bản bởi bản chất của trào lưu thường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, vòng đời nhất định. Khi những người tạo ra xu hướng sẽ thu được lợi nhuận rất cao trong thời gian đầu, dẫn đến nhiều người khác bắt chước, xảy ra tình trạng cung vượt cầu, món ăn trào lưu đó không còn hấp dẫn người dùng nữa," ông Thanh nói.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Đình Tân, Giám đốc Marketing Phúc Long Coffee & Tea, cho biết nguồn cung ổn định là yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự lâu dài của một món ăn hay thức uống. Các xu hướng đa phần đều mang tính ngắn hạn vì nguyên liệu chỉ đáp ứng được trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn như trà mãng cầu, với nguyên liệu là mãng cầu tươi chỉ có thể cho ra chất lượng sản phẩm tốt theo mùa của loại trái cây.

Theo ông Tân, nếu không có khả năng tự chủ nguồn cung, sẽ khó tránh trường hợp nhà cung cấp nâng giá nguyên liệu khi thấy nhu cầu nhập hàng của người kinh doanh cũng như độ phủ sóng của các xu hướng khiến nhiều người đổ xô tham gia bán theo trend. Điều này cũng lý giải cho việc cà phê thắng lớn tại thị trường trong nước. Theo báo cáo của iPOS, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới với tốc độ tăng trưởng CAGR là 7,9%, cho thấy sự ổn định về nguồn cung.

Trong tương lai, các xu hướng vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện bởi “trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp giải trí được thành lập, kéo theo sự phát triển rực rỡ của các KOL/KOC. Điều này tác động rất mạnh mẽ đến thói quen tiêu dùng của tệp khách hàng lớn nhất trong thị trường F&B là sự giao thoa giữa cuối thế hệ Gen Y và đầu thế hệ Gen Z. Vì vậy, trong các năm tới, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều trend ẩm thực sớm nở tối tàn”, ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia vận hành F&B, cho biết.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/de-kinh-doanh-f-b-theo-trend-khong-roi-vao-canh-som-no-toi-tan-1097981.html