Để lễ hội Tịch điền trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã luôn quan tâm bảo tồn và phát huy tốt giá trị của Lễ hội Tịch điền; qua đó khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, những nét riêng của di sản văn hóa đã được các thế hệ người dân Hà Nam giữ gìn và phát huy qua các thời kỳ lịch sử.
Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn ra đời cách đây nhiều trăm năm, được nhiều tài liệu phản ánh nguồn gốc của nó bắt nguồn từ sự kiện vị vua nổi tiếng thời Tiền Lê là Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) về chân núi Đọi vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987) làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, cầu mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an. Kể từ đó, lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau duy trì thực hành một cách thành kính.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, do các nguyên nhân khác nhau, việc duy trì lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn có lúc gặp khó khăn, bị gián đoạn trong một thời gian dài. Đến năm 2009, chính quyền tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (nay là Viện VHNT quốc gia, Bộ VHTTDL) chính thức khôi phục lại lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn với thời gian diễn ra vào mùng 5 đến mùng 7 tháng giêng. Từ năm 2010, lễ hội được chính quyền và cộng đồng nhân dân địa phương Duy Tiên tiếp nhận mô hình tổ chức này, duy trì thực hiện các năm tiếp theo và cho đến nay đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Hà Nam. Năm 2017, Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trong giai đoạn hội nhập phát triển kinh tế hiện nay, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Tịch điền phù hợp với điều kiện phát triển đô thị Duy Tiên và tỉnh Hà Nam hiện nay cũng đang đối mặt với những thách thức, khó khăn và bất cập trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa. Làm sao để lễ hội sống trong đời sống nhân dân, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách là bài toán mà Hà Nam đang đặt ra.
Theo TS Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH&NV cho biết, lễ hội Tịch điền có nhiều dư địa để phát triển các hoạt động trải nghiệm, hoạt động sáng tạo có sức hút đối với khách du lịch.
TS Trịnh Lê Anh khẳng định: Lễ hội Tịch điền có nhiều hoạt động hoạt động "sáng tạo" đã góp phần tạo nên thương hiệu cho lễ hội và có thể khai thác để mở rộng các hoạt động trải nghiệm dành cho khách du lịch.
Đến thời điểm năm 2023, một số hoạt động cần điều chỉnh/ thay đổi như: - Hội thi vẽ/ trang trí trâu (ngày 6 tháng Giêng): Đây là hoạt động độc đáo (chỉ xuất hiện ở lễ hội Tịch điền) và được tổ chức theo cách thức một fringe festival về nghệ thuật (lễ hội kèm theo - trong khuôn khổ của lễ hội Tịch điền nói chung) với sự tham gia của nhiều họa sỹ đương đại từ các miền của đất nước và nước ngoài.
Cũng theo TS Trịnh Lê Anh, vào ngày mồng 6 tháng Giêng, hàng vạn người dân, báo giới đã tụ tập ở trước đàn tế thần Nông để xem vẽ trâu và bình phẩm về các tác phẩm sống động này. Tuy nhiên qua thời gian, việc tổ chức hoạt động này chưa được đầu tư xứng đáng, có xu hướng mai một. Vì thế cần bản thảo lại xem xu hướng "nội địa hóa" festival nghệ thuật này theo hướng hiện tại sẽ đưa nó đi về đâu, một là vẫn phải có những tác phẩm đỉnh cao, có sức thu hút từ giới chuyên môn quốc tế (các họa sỹ, nhà sáng tạo được mời), hai là bình dân hóa theo hướng cuộc thi vẽ/trang trí trâu đến từ các cộng đồng nhỏ.
"Bên cạnh đó, màn đốt cây bông, pháo bông được tổ chức vào tối mồng 6 tháng Giêng là một hoạt động đặc sắc, thu hút sự tham gia của nhiều người dân và du khách. Tuy nhiên đã quá nhàm với khách du lịch khi họ đã được thưởng thức các màn đốt pháo như thế này ở mọi nơi. Có nên tính đến các hoạt động sân khấu hóa, kể chuyện để chuyển màn này thành một phần của chương trình nghệ thuật?" – TS Trịnh Lê Anh gợi mở.
TS Trịnh Lê Anh cũng cho rằng, lễ Tịch điền (ngày mồng 7 tháng Giêng), dù khởi nguồn là hoạt động xuống đồng của nhà Vua, không phải là một lễ xuống đồng bình thường của người dân, trải qua nhiều biến cố lịch sử, cũng bị mai một và ngừng tổ chức trong một thời gian dài; năm 2009 lễ hội phục dựng lại được cộng đồng chấp nhận và tự hào. Lễ hội sau khi phục dựng, cả quy mô và sức ảnh hưởng cũng tăng lên với một số thay đổi về hình thức và số lượng người tham dự. Nhiều nghi thức, diễn xướng cổ truyền cũng được đương đại hóa, thấy rõ ở số lượng người tham gia các nghi lễ hay diễn xướng đó. Nếu xưa kia, số lượng người rước cờ trong đám rước chỉ khoảng 20 người, sắp thành một hàng thì ngày nay, số lượng người trong đoàn rước có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp hàng chục lần và sắp thành hai hàng. Cụ thể, ngoài 200 quân cờ theo đám rước cùng với sự gia tăng số lượng tương ứng của những bộ phận khác trong các đội rồng, kiệu Thánh, đồ lễ bộ, các mâm lễ vật, trống chiêng, đại biểu các xã, các làng… đoàn rước của của lễ hội Tịch điền hiện nay lên tới gần 500 người.
Xét về mặt số lượng người tham gia đã hoành tráng hơn trước đây rất nhiều và được coi là một cuộc đại diễn xướng, tạo thành điểm nhấn đặc biệt mang đến không khí vô cùng sôi động và gia tăng sự hoành tráng cho lễ hội. Bên cạnh việc tạo một đội tham gia đoàn rước là người địa phương, Ban tổ chức có thể cân nhắc để khách du lịch được tham gia như một phần của đoàn rước này, cung cấp trang phục mô phỏng để họ được thực sự trải nghiệm cảm giác trở thành một phần của đoàn rước, của lễ hội.
Bên cạnh đó, hoạt động trình diễn trống của đội trống nữ làng Đọi Tam, hay diễn xướng "vua đi cày" ở lễ hội Tịch điền được sáng tạo mới hoàn toàn nhưng lại tuân thủ những nguyên tắc của diễn xướng dân gian (hướng thần, tính tập thể, người dân tham gia diễn xướng) đã tạo nên tính độc đáo cho lễ hội (chỉ đến lễ hội ấy mới được xem những diễn xướng này). Với hoạt động này, Ban tổ chức có thể triển khai các hoạt động trải nghiệm tập đánh trống và cho du khách tham gia để các nghệ nhân trong đội trống hướng dẫn cho khách du lịch.
Ngoài ra, các loại hình du lịch nông thôn, trải nghiệm một ngày làm nông dân, trải nghiệm cưỡi trâu hay dẫn trâu đi cày thực sự, trải nghiệm quy trình sản xuất của làng nghề làm trống Đọi Tam, xem biểu diễn trống và học đánh trống, trải nghiệm tự tay làm bánh dày và thưởng thức ẩm thực quê hương… cũng là những gợi ý không khó để thực hiện ở cấp địa phương. Sự phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành với cơ chế mở, tạo điều kiện, đầu tư thực sự sẽ giúp địa phương bước đầu "làm" du lịch đúng nghĩa.
Thêm vào đó Ban tổ chức cần nhận thức rõ nhu cầu của khách du lịch sẽ khác với dân cư địa phương, do vậy, các hoạt động trải nghiệm cần được hoạch định hướng đến khách du lịch để tạo ra sự hài lòng cho khách. "Xu hướng du lịch đương đại đang dần chuyển hướng tới sự quan tâm cao đối với trải nghiệm mới lạ và độc đáo. Sự chuyển đổi này đã đặt ra những thách thức và cơ hội đối với việc khai thác các lễ hội dân gian trong phát triển sản phẩm du lịch và lễ hội Tịch điền cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy và hướng tiếp cận với việc đặt khách du lịch làm trung tâm và tìm cách gia tăng trải nghiệm thực tế cho khách, giúp du khách trở thành một phần của lễ hội có thể là một giải pháp hiệu quả. Thông qua việc kết hợp sự hiểu biết vững về xu hướng du lịch và tận dụng những đặc trưng độc đáo của lễ hội, chúng ta có thể phát triển một chiến lược du lịch toàn diện, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm và thu hút sự quan tâm của đối tượng du khách ngày càng đa dạng và yêu cầu cao"- TS Trịnh Lê Anh chia sẻ./.