Để lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm

Hiện cả nước có khoảng 9.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội truyền thống. Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng, xã đều được người dân tổ chức trang trọng, thành kính vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, lợi dụng sự tham gia đông đảo của người dân và du khách tại các lễ hội, di tích văn hóa, nhiều đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để trộm cắp tài sản, cờ bạc, bói toán dưới hình thức mê tín, dị đoan… Những hành vi vi phạm pháp luật này không chỉ khiến người dân hoang mang, lo lắng mà còn gây mất an ninh trật tự.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội. Nhiều lễ hội thu hút đông đảo người dân tham gia, trong khi công tác tổ chức lại chưa đáp ứng tốt. Công tác tuyên truyền, vận động giúp nhân dân hiểu rõ giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội cũng còn hạn chế…

Nhằm chuẩn bị tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Công văn số 5833/BVHTTDL-VP về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30-1-2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương cần tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, bảo đảm tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2024 theo đúng quy định của pháp luật, văn minh, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, nghĩa tình, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.

Để thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội đầu xuân, ngay từ bây giờ, các địa phương, đơn vị cần khẩn trương triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông. Bảo đảm hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống. Chủ động tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, tạo nhiều sân chơi bổ ích tại các khu vui chơi, giải trí, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhân dân với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Các cấp, các ngành cần phát huy lợi thế từ lễ hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn để phát triển dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phục vụ nhân dân, du khách. Đồng thời, các cơ quan chức năng chỉ đạo các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, ép giá; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi trái pháp luật, làm sai lệch giá trị di sản.

Chúng ta cũng nên sớm có cơ chế khuyến khích nhân dân cung cấp thông tin về những hành vi trục lợi tín ngưỡng tôn giáo. Về phía người dân, cần tin và thực hành theo đúng giáo lý, giáo luật, tránh việc theo tâm lý đám đông, theo những hướng dẫn hoặc thông tin chưa được kiểm định để không sa vào mê tín. Khi tham gia các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo mọi người tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-le-hoi-van-minh-an-toan-tiet-kiem-657646.html