Để 'lọt lưới' 83 giáo viên dạy lái xe xài bằng giả, sở Giao thông Vận tải TP.HCM trần tình
Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện 83 giáo viên sử dụng chứng chỉ, bằng giả để dạy trong các trường đào tạo lái xe tại TP.HCM. Dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý, thanh tra của sở GTVT TP.HCM.
Liên quan đến vụ việc này, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã có văn bản báo cáo giải trình với UBND TP. Đến nay, tại TP.HCM có 73 cơ sở dạy lái xe, trong đó có 56 cơ sở dạy lái xe ôtô và 17 cơ sở dạy lái xe môtô, với 6.576 giáo viên dạy thực hành.
Những năm trở lại đây, nhu cầu học lái xe tăng đột biến, số lượng các cơ sở đào tạo lái xe lại bị hạn chế do quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe 2016-2020 của bộ GTVT (hiện nay đã được bãi bỏ).
Đại diện sở GTVT TP khẳng định, nhu cầu học lái xe của người dân TP.HCM rất lớn. Năm 2018 và 2019, Sở đã cấp hơn 1 triệu giấy phép lái xe, chiếm tỉ lệ khoảng 23% giấy phép của cả nước. Chính vì thế đã gây áp lực rất lớn đối với sở trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Việc này dẫn đến nhiều cơ sở đào tạo lái xe bị quá tải. Áp lực bổ sung đội ngũ dạy thực hành lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu dẫn đến nhiều cơ sở dạy lái xe buông lỏng công tác xác minh, rà soát đối với đội ngũ giáo viên.
Theo quy định, việc tuyển dụng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên dạy lái xe do các cơ sở đào tạo căn cứ nhu cầu để chủ động thực hiện.
Sở GTVT TP là đơn vị tiếp nhận hồ sơ, danh sách học viên tham gia các lớp tập huấn giáo viên do cơ sở đào tạo đề xuất.
Từ đó, Sở căn cứ các quy định để xét duyệt thành phần hồ sơ, tổ chức kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy lái.
“Tuy nhiên, các quy định hiện hành không yêu cầu sở GTVT phải tổ chức xác minh đối với các văn bằng chứng chỉ của giáo viên. Do đó, giáo viên trước tiên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu họ thiếu ý thức, có chủ đích xài bằng giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, đại diện sở GTVT TP.HCM cho biết.
Mặc dù vậy, cơ quan này cho hay, vẫn làm hết trách nhiệm bằng cách gửi văn bản đến các trường ghi trong văn bằng chứng chỉ đề nghị xác nhận tính xác thực của các bằng cấp.
Qua trả lời của các trường trong 2 năm qua, sở GTVT TP đã phát hiện thu hồi một số bằng cấp giả, không đúng quy định, đồng thời yêu cầu các cơ sở đào tạo chấn chỉnh, siết chặt kiểm tra.
Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng chỉ được một phần nhỏ. Mặt khác, khi gửi hồ sơ xác minh nhiều cơ sở có tỷ lệ phản hồi rất thấp trong khi vấn nạn mua bán bằng cấp giả lại tràn lan trên mạng.
Sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, sở GTVT TP.HCM đã đình chỉ tuyển sinh đối với 5 trường có 83 giáo viên xài bằng giả với thời hạn 2 tháng và phạt 4 triệu đồng/cơ sở.
Hết hạn đình chỉ, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra các điều kiện về đào tạo, nếu đạt mới cho tuyển sinh trở lại. Sở sẽ buộc các trường hạ số lượng học viên để đảm bảo chất lượng đào tạo, sau khi cho thôi việc nhiều giáo viên xài bằng giả.
Theo nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, các cơ sở đào tạo sẽ bị tước giấy phép đào tạo nếu vi phạm 2 lần trong vòng 18 tháng.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã đưa tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra và phát hiện có 83 giáo viên trong 5 trường, cơ sở dạy lái xe tại TP.HCM sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Cụ thể, tại Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát có 5/5 giáo viên không đủ điều kiện là giáo viên thực hành do sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát có 38/44 giáo viên sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ giả không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe.
Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới có 1 người (trong số 7 giáo viên) sử dụng chứng chỉ giả và không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe.
Còn Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn có 10/12 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Trường dạy lái xe Thống Nhất có 29 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.