Để Luật Biên phòng Việt Nam lan tỏa, đi vào đời sống xã hội một cách tích cực nhất
Thời gian qua, các đồn Biên phòng trên địa bàn huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đã linh động, sáng tạo và đa dạng nhiều hình thức tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) tới nhân dân. Nhờ đó, Luật BPVN đang dần được 'bám rễ', 'ăn sâu' vào đời sống xã hội ở khu vực biên giới.
Để Luật BPVN lan tỏa sâu rộng, đi vào thực tiễn, người dân hiểu và chấp hành luật, thời gian qua, Đồn Biên phòng Huổi Luông (BĐBP Lai Châu) đã đa dạng nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị để tuyên truyền tập trung; qua loa lưu động ở vùng sâu, vùng xa nơi chưa có đường giao thông thuận lợi, chưa có điện lưới quốc gia; tuyên truyền trực tiếp cho từng gia đình, từng nhóm hộ và lồng ghép với các hội nghị, buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ và các hội đoàn thể; phối hợp với cấp ủy, chính quyền xây dựng bản tin tuyên truyền về Luật BPVN trên hệ thống loa tại đơn vị, trung tâm xã và tại các trường học. Nhờ đó, từ đầu năm 2023 đến nay, đồn đã tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được 76 buổi với 752 lượt người nghe.
Đặc biệt, vừa qua, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật BPVN với sự tham gia của 100 thí sinh là học sinh thuộc các khối lớp của nhà trường. Các thí sinh thi theo hình thức "rung chuông vàng" trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và điền từ đúng vào chỗ trống. Cuộc thi theo hình thức loại trực tiếp và tìm ra người chiến thắng cuối cùng để trao giải.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Kiểm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: “Các câu hỏi của cuộc thi chủ yếu liên quan đến Luật BPVN. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhất, 1 giải Nhì và khen thưởng 7 thí sinh có thành tích xuất sắc. Thông qua cuộc thi giúp các thí sinh và học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và nhân dân nắm vững các nội dung cơ bản của Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết; các quy chế, quy định về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc".
Trực tiếp tham gia và chỉ đạo cuộc thi, Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu khẳng định, đây là cách làm hay và sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN cần được nhân rộng. Thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ chỉ đạo các đồn, đơn vị căn cứ tình hình thực tế để triển khai thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu và triển khai nhiều cách làm mới, sáng tạo với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú để đưa Luật BPVN vào cuộc sống.
Chia tay Đồn Biên phòng Huổi Luông, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đứng chân tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Trong điều kiện địa bàn rộng, dân cư phân tán, để giúp người dân biết, hiểu và chấp hành tốt Luật BPVN, đơn vị đã trực tiếp cử cán bộ xuống từng gia đình, nhóm hộ và lồng ghép với các hội nghị, buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ để tuyên truyền.
Đại úy Nguyễn Hữu Thọ, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Sin Suối Hồ chia sẻ: Địa bàn đồn quản lý rộng, đa dạng thành phần dân tộc nên đơn vị chú trọng lựa chọn cán bộ là người biết tiếng dân tộc thiểu số để tuyên truyền, giúp bà con dễ nắm bắt và tạo sự gần gũi, thân thiện với nhân dân. Cùng với đó, xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn, súc tích giúp bà con dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện. Đơn vị còn phối hợp với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN, kết hợp vận động người dân chấp hành pháp luật, tham gia cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới. Trong 7 tháng của năm 2023, đồn đã phối hợp và trực tiếp tuyên truyền được 18 buổi với 1.766 lượt người nghe về Luật BPVN, Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...
Sinh ra, lớn lên tại tỉnh Lai Châu và là người dân tộc Mông, thời gian qua, Thượng úy Má A Phổng, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ thường xuyên tham gia tuyên truyền pháp luật tới người dân xã Sin Suối Hồ (địa bàn có tỷ lệ dân tộc Mông chiếm đa số).
“Khó khăn trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung là nhận thức của bà con còn hạn chế, nhiều người không biết tiếng phổ thông, vẫn còn một bộ phận người dân tin và theo những tà đạo đội lốt tôn giáo ảnh hưởng xấu đến truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, mỗi khi xuống xã, bản để tuyên truyền, tôi đều nghiên cứu kỹ văn bản, một số điểm nổi bật của Luật BPVN, sau đó, dịch nội dung ra tiếng Mông để tuyên truyền cho bà con dễ hiểu. Không chỉ tham gia các buổi tuyên truyền mà mỗi lần thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn, tôi còn lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu, chấp hành tốt Luật BPVN; kết hợp tuyên truyền với thăm hỏi, động viên và nắm tình hình để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc của người dân” - Thượng úy Má A Phổng tâm sự.
Với những cách làm cụ thể, thiết thực trong tuyên truyền, Luật BPVN đang từng ngày lan tỏa vào cuộc sống của người dân vùng biên, góp phần bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.