Để Luật Căn cước năm 2023 đi vào cuộc sống

Sở Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị Tập huấn về triển khai những điểm mới, nội dung chính của Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-4-2024).

Một trong những điểm mới của Luật Căn cước năm 2023 là cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Trong ảnh: Công an huyện Định Quán làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước cho Việt kiều Campuchia sinh sống ở làng bè trên sông La Ngà. Ảnh: A. Nhơn

Một trong những điểm mới của Luật Căn cước năm 2023 là cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Trong ảnh: Công an huyện Định Quán làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước cho Việt kiều Campuchia sinh sống ở làng bè trên sông La Ngà. Ảnh: A. Nhơn

Hội nghị nhằm giúp đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của các cơ quan, đơn vị nắm bắt tốt các quy định pháp luật để tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị nơi công tác và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Những quy định mới, thiết thực

Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Nhưng trước sự phát triển, đổi mới, sáng tạo tiến tới chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, giao dịch dân sự thì những quy định của luật này đã không còn phù hợp. Do vậy, Luật Căn cước năm 2023 cần thiết phải ban hành để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở Việt Nam.

Tại hội nghị tập huấn, đại úy Ngô Thanh Tâm (Phó đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh) đã dành nhiều thời gian triển khai những điểm mới và điều chỉnh quan trọng trong Luật Căn cước năm 2023. Chẳng hạn, đối tượng áp dụng được mở rộng hơn so với Luật CCCD năm 2014; ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Luật Căn cước năm 2023 chính thức đổi tên “CCCD” thành “căn cước”. Việc đổi tên này vẫn bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung luật. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của luật. Đặc biệt, việc đổi tên không tác động, ảnh hưởng đến người dân, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Do vậy, Sở Tư pháp thời gian qua thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn các luật, quy định pháp luật mới nhằm giúp đội ngũ này nâng cao kỹ năng, kiến thức pháp luật để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngày càng hiệu quả hơn.

Điểm mới của Luật Căn cước năm 2023, sẽ “khai tử” chứng minh nhân dân kể từ ngày 1-1-2025 (Điều 46); bỏ đi trường thông tin “quê quán”, “nơi thường trú”, “vân tay”, “đặc điểm nhận dạng” và sẽ thay vào đó là “nơi đăng ký khai sinh” và “nơi cư trú”; mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước; cấp thẻ căn cước cho người từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi và dưới 6 tuổi.

Bên cạnh đó, Luật Căn cước năm 2023 còn bổ sung quy định cấp “căn cước điện tử” (Điều 31). Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

So với Luật CCCD năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt nhằm đem lại những kết quả thiết thực, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công.

Nắm vững quy định để đẩy mạnh tuyên truyền

Phó giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Kim Hương cho hay, việc triển khai Luật Căn cước năm 2023 không chỉ giúp công dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Đây là bước tiến quan trọng trong công tác cải cách hành chính, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiện đại, giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhân khẩu.

Tuy nhiên, việc triển khai và thực thi luật này không phải là công việc đơn giản, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các sở, ban, ngành. Hơn nữa, các cơ quan công an tại địa phương và mỗi cán bộ, công chức luôn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải những kiến thức, quy định của pháp luật, các kỹ năng thực tiễn đến từng người dân, giúp nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật một cách đầy đủ, nghiêm túc.

Do vậy, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tập huấn báo cáo viên pháp luật quý IV-2024 nhằm triển khai những điểm mới, nội dung chính về Luật Căn cước năm 2023. Mục đích tập huấn nhằm giúp đội ngũ báo cáo viên pháp luật, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nắm bắt tốt các quy định pháp luật để tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị nơi công tác và nhân dân trên địa bàn, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong thời gian tới.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202412/de-luat-can-cuoc-nam-2023-di-vao-cuoc-song-54517a5/