Vừa lái xe, vừa nghe điện thoại: Biết nguy hiểm sao vẫn làm?

Dù đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng tình trạng vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại vẫn diễn ra phổ biến; không chỉ gây nguy hiểm cho chính mình mà còn đối với những người tham gia giao thông khác trên đường.

Thói quen “chết người” của nhiều tài xế

Khi chiếc điện thoại ngày càng phổ biến và trở thành vật dụng không thể thiếu của con người từ giải trí đến công việc, các mối quan hệ,... thì tình trạng vừa lái xe vừa nghe điện thoại thậm chí “lướt mạng” đã trở thành thói quen của nhiều người.

Không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển xe máy một tay lái, một tay bấm, mắt vừa nhìn đường vừa nhìn điện thoại. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn cho chính mình và các chủ phương tiện khác.

Bác Minh trú tại quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) cho biết, nhiều người tham gia giao thông từ đi bộ, đi xe máy, thậm chí là ô tô cứ cắm mặt vào điện thoại mà không chú ý đến xung quanh rất nguy hiểm. Dù nội dung từ điện thoại có quan trọng đến đâu cũng không đáng để đánh đổi sự an toàn của bản thân.

Việc gọi điện thoại hay trả lời tin nhắn thông thường chỉ mất 1 - 2 phút. Nếu là cuộc gọi không thể bỏ lỡ thì tài xế có thể dừng hẳn xe lại, đỗ sát vào lề đường để nghe nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác trên đường.

 Tình trạng vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại diễn ra phổ biến và là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông. Ảnh: TL.

Tình trạng vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại diễn ra phổ biến và là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông. Ảnh: TL.

Còn theo bạn Linh - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vừa nghe điện thoại vừa lái xe là tự đặt bản thân và người khác vào nguy hiểm. Ngoài ra, việc nghe điện thoại khi đi xe không những gây mất an toàn giao thông mà còn làm “mồi” cho kẻ xấu thực hiện hành vi cướp giật.

Nhiều người cho rằng đeo tai nghe là sẽ giải quyết được vấn đề vì vẫn có thể điều khiển xe bằng hai tay nhưng thực tế vẫn khiến người ta mất tập trung, khó có thể xử lý những tình huống bất ngờ.

“Chỉ cần gõ cụm từ “mải bấm điện thoại đâm vào ô tô” tìm kiếm trên mạng là chúng ta có thể thấy được rất nhiều clip tai nạn giao thông liên quan đến hành vi vừa điều khiển phương tiện vừa lái xe cho thấy việc này nguy hiểm thế nào”, bạn Linh nói.

Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thời gian gần đây lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã phát hiện, xử lý không ít trường hợp tài xế ô tô vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại bất chấp nguy hiểm.

Điển hình vào ngày 6/12, tại cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, nam tài xế L.T.M. trong quá trình điều khiển xe khách BKS: 50H-552.XX lưu thông trên đường vẫn vô tư sử dụng điện thoại di động nói chuyện. Lúc này trên xe đang có không ít hành khách ở phía sau tay lái của nam tài xế.

Hay như trường hợp tài xế N.X.K. vừa bị lực lượng thuộc Cục Cảnh sát giao thông xử phạt vào ngày 5/12 vì hành vi tương tự khi đang điều khiển xe khách giường nằm lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa.

Trong quá trình điều khiển phương tiện, tài xế K. vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe bằng khuỷu tay với tốc độ cao trên cao tốc. Lúc này trên xe cũng đang có rất nhiều hành khách.

Chỉ trong 3 ngày đầu tháng 12/2024, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã xác minh, lập biên bản xử phạt hơn 20 trường hợp tài xế ô tô khách vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại.

Nâng cao ý thức để không gây ra hậu quả khôn lường

Đánh giá về thực trạng này, TS. Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến việc mất tập trung rất cao, thậm chí nguy hiểm tương tự như uống rượu, bia. Đặc biệt khi người điều khiển xe ở tốc độ cao và dùng tin nhắn.

Các kết quả nghiên cứu mô hình hóa và thực nghiệm đều cho thấy dùng điện thoại làm tăng rủi ro gấp gần 10 lần so với việc không sử dụng điện thoại. Kể cả khi dùng các thiết bị rảnh tay như Bluetooth cũng tăng rủi ro va chạm lên khoảng 5 lần.

Còn nếu vừa đi vừa nhắn tin, rủi ro xác suất dẫn tới va chạm, tai nạn giao thông có thể cao gấp hơn 20 lần so với khi không dùng điện thoại.

 Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

“Tỷ lệ vi phạm sử dụng điện thoại khi lái xe trong tổng số vi phạm có thể chiếm từ 3-5 % tùy theo địa phương, tùy theo cung đường. Về mặt an toàn giao thông, đây là một trong những tỷ lệ rất đáng báo động mà đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp sớm”, TS. Trần Hữu Minh đề cập.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, sử dụng điện thoại khi lái xe là một trong các nguyên nhân gây mất tập trung, dẫn đến tai nạn giao thông.

“Trong khi lái xe, người lái phải thực hiện rất nhiều thao tác như quan sát, chấp hành báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu vạch kẻ đường, chấp hành tốc độ,...thì anh lại mải mê vào điện thoại. Đến khi gặp tình huống bất ngờ thì không kịp xử lý, dẫn đến tai nạn.

Nghị định 123 của Chính phủ đã tăng mức phạt với người lái xe ô tô vi phạm lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe lên mức từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng. Tuy nhiên vi phạm diễn ra vẫn rất phổ biến do hành vi diễn ra rất nhanh, người vi phạm thường chối cãi, tài xế ô tô dán kính mờ, kính màu gây khó phát hiện.

Vì vậy với sự bao phủ ngày càng rộng của hệ thống camera phạt nguội trên toàn quốc cùng với đó là thiết bị giám sát hành trình với xe kinh doanh vận tải,... khi dữ liệu được tích hợp, khai thác và chia sẻ tốt sẽ giúp phát hiện, xử lý và giảm thiểu những vi phạm”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Với lái xe kinh doanh vận tải, nhu cầu cần phải kết nối, tiếp cận thông tin là có thực. Việc phát triển các công nghệ rảnh tay và các thiết bị hỗ trợ là một trong những giải pháp có thể giảm được mức độ rủi ro.

Tuy nhiên thiết bị rảnh tay cũng có thể làm cho người lái xe phân tâm. Vì vậy việc siết chặt các quy định pháp lý về việc nhận cuộc gọi của lái xe kinh doanh vận tải rất cần thiết, nhất là trong dịp cao điểm vận tải Tết đã cận kề.

Lái xe chỉ được nhận cuộc gọi trong một thời gian rất ngắn ở tốc độ rất thấp hoặc thậm chí phải xin đường dừng tạm vào lề đường một cách an toàn. Sau đó nhận cuộc gọi, khi kết thúc cuộc gọi mới được tiếp tục di chuyển.

Cùng với đó, mỗi người tham gia giao thông trên đường cũng cần nâng cao nhận thức, tuyệt đối không vừa nghe điện thoại vừa điều khiển xe. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vua-lai-xe-vua-nghe-dien-thoai-biet-nguy-hiem-sao-van-lam-post325206.html