Để mạch nguồn văn hóa dân tộc Thái chảy mãi
Trong quá trình hình thành và sinh sống trên mảnh đất xứ Thanh, đồng bào dân tộc Thái đã sáng tạo cho mình một nền văn hóa vô cùng đặc sắc. Để mạch nguồn văn hóa đó chảy mãi với thời gian, từ nhiều năm nay hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái luôn được các cấp, ngành, địa phương chú trọng thực hiện.
Xã Nam Xuân (Quan Hóa) là nơi định cư của 65% đồng bào dân tộc Thái. Những nếp nhà sàn truyền thống, những thửa ruộng bậc thang trải dài cùng với khí hậu quanh năm mát mẻ và trong lành là điểm nhấn trong bức tranh tuyệt đẹp của miền sơn cước này... Trong những năm qua, xã đã đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Thái thông qua những cách làm sáng tạo như xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với chương trình XDNTM; coi nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa là một phần của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đưa giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch... Nhờ đó, đến nay nhiều phong tục, tập quán của đồng bào Thái ngày càng được gìn giữ như: tục cúng cơm mới, cầm vía, múa xòe, múa sạp, ném còn, khua luống...
Cùng với đó, trang phục truyền thống là một nét văn hóa tốt đẹp luôn được bà con dân tộc Thái lưu giữ, bảo tồn. Đặc biệt, tại bản Bút hiện nay đa phần các bộ trang phục truyền thống được chị em phụ nữ sử dụng trong đời sống hàng ngày hoặc trong các ngày lễ, hội diễn văn nghệ...
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, cùng các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân mà còn là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trong xã nói chung, người Thái nói riêng, xã đã ban hành nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra một số mục tiêu như mở các lớp tập huấn, truyền dạy khặp, xường, hát đồng dao; xây dựng điểm du lịch cộng đồng bản Bút là một trong những điểm đến hấp dẫn của huyện Quan Hóa; đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng như dệt thổ cẩm, ẩm thực, từ đó tạo nên thương hiệu riêng của các dân tộc trong xã...
Với đồng bào Thái ở Lang Chánh cũng vậy, bên cạnh những lời ca, điệu múa, thì các trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực vẫn được người dân gìn giữ trong đời sống hàng ngày. Hiện toàn huyện có khoảng 53% đồng bào dân tộc Thái. Bởi vậy, thời gian qua huyện đã chú trọng đến công tác bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào Thái gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 6/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “Về phát triển du lịch, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi, trò diễn không chỉ trong dịp lễ, tết, ngày hội mà còn ở các buổi sinh hoạt văn hóa ở các xã, thôn, bản. Cùng với đó, các ngành chức năng của huyện cũng đã và đang bắt tay vào thực hiện bảo tồn và phát huy làn điệu khắp - nét văn hóa đặc sắc của người Thái trên địa bàn.
Theo thống kê, đồng bào Thái ở Thanh Hóa hiện nay chiếm khoảng 35,6% dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Thái đã hình thành cho mình một vốn văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc. Đó là cả một hệ thống những thần thoại, truyền thuyết, văn học dân gian như truyện thơ Khăm Panh, Tư Mã Hai Đào, khặp vào Pha Dua. Rồi hàng trăm lễ hội lớn nhỏ gắn với các nghi lễ về nông nghiệp, thờ thần thành hoàng làng, thờ các nhân vật lịch sử, tiêu biểu như lễ hội kin chiêng boọc mạy ở làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh), lễ hội Nàng Han ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân), lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa) và nhiều làn điệu dân ca, trò chơi dân gian độc đáo. Để các giá trị văn hóa ấy trở thành mạch nguồn lan tỏa trong đời sống cộng đồng, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, chương trình, dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của văn hóa đồng bào dân tộc Thái. Trong đó, việc làm đã và đang mang lại hiệu quả là mở lớp tập huấn “Phục dựng, truyền dạy cách thức khặp giao duyên, khua luống, khèn bè, sáo ôi dân tộc Thái” tại nhiều địa phương trong tỉnh; tiến hành kiểm kê, phục dựng nhiều di sản văn hóa của đồng bào Thái đã bị mai một hoặc có nguy cơ mai một...
Có thể thấy, từ đời này sang đời khác, kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Thái vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng và trở thành sản phẩm du lịch, tạo sức hút du khách đến tham quan, khám phá. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại cũng không tránh khỏi việc một số di sản văn hóa bị mai một, lãng quên. Do đó, để các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trở thành tài sản và thực sự “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống của đồng bào, việc quan trọng nhất là các cấp, ngành phải tiếp tục điều chỉnh, xây dựng chiến lược bảo tồn một cách rõ ràng, bài bản và có lộ trình cụ thể.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/de-mach-nguon-van-hoa-dan-toc-thai-chay-mai-32163.htm