Để 'măng non' mọc thẳng
Sau gần 7 năm triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018–2025, ban hành theo Quyết định số 1677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án), hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các trường lớp mầm non cơ bản được củng cố; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ từng bước được nâng cao.

Trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm tại Trường Mầm non 2/9
Triển khai Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018–2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 15/2/2019, xác định mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mầm non một cách toàn diện; đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Cùng đó, kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: phát triển mạng lưới trường lớp hợp lý, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.
Huy động nguồn lực đầu tư
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trên cơ sở đề án và kế hoạch của UBND tỉnh, ngành giáo dục tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo; phối hợp với các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai nhiệm vụ theo đúng lộ trình. Cùng đó, ngành giáo dục tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng tiến độ các mục tiêu đề án. Đặc biệt, xác định rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo cơ sở vật chất và thiết bị dạy học trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, ngành đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục mầm non.
Trong đó, nổi bật là công tác đầu tư cơ sở vật chất trường lớp mầm non, cụ thể giai đoạn 2019–2025, toàn tỉnh đã đầu tư gần 388 tỷ đồng cho giáo dục mầm non từ các chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các nguồn xã hội hóa. Qua đó đã xây dựng hơn 300 phòng học mầm non, gồm 132 phòng từ chương trình kiên cố hóa, 141 phòng từ chương trình nông thôn mới, và 37 phòng từ Đề án xây dựng trường chưa có cơ sở vật chất riêng. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng 50 phòng chức năng, 9 nhà bếp, 20 công trình vệ sinh cho các trường, góp phần khắc phục tình trạng thiếu phòng học, cải thiện điều kiện bán trú và sinh hoạt tại nhiều trường, đặc biệt ở vùng khó khăn. Đồng thời, trang bị hơn 12.000 bộ thiết bị dạy học, gần 50.000 bộ đồ chơi và học liệu, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Ngoài ra, toàn tỉnh huy động được hơn 199 tỷ đồng từ xã hội hóa, vận động phụ huynh đóng góp 166.000 ngày công xây dựng cơ sở vật chất trường lớp mầm non trên địa bàn tỉnh.
Đến cuối năm học 2024–2025, toàn tỉnh có 2.181 phòng học mầm non, đạt tỷ lệ 1 phòng/lớp, trong đó 83,5% là phòng học kiên cố (tăng 21,6% so với năm 2018), phòng học tạm chỉ còn 0,5%. Các điều kiện học tập, vui chơi của trẻ tại nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh từng bước được nâng lên. Tính đến nay, toàn tỉnh có 119 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia (vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là 35%), góp phần đảm bảo mặt bằng chất lượng giáo dục mầm non tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như Trường Mầm non Thụy Hùng (trường được tách ra từ Trường Tiểu học Thụy Hùng từ năm 2004). Quá trình phát triển, nhà trường được đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Nhờ đó công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ngày càng đảm bảo, đến năm học 2024–2025, nhà trường huy động được 276 trẻ đến lớp, 100% trẻ học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường. Tỉ lệ trẻ chăm ngoan học giỏi đạt gần 37%, tăng 3,3% so với năm học trước. Qua đó, trường được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm học 2024-2025.
Những kết quả trên cho thấy việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư đã góp phần nâng cấp toàn diện hệ thống trường lớp mầm non trên địa bàn tỉnh. Cơ sở vật chất ngày càng đồng bộ, trang thiết bị dạy học được bổ sung đầy đủ, môi trường học tập và sinh hoạt của trẻ, đặc biệt ở vùng khó khăn, không ngừng được cải thiện. Đây chính là nền tảng vững chắc để ngành giáo dục tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, trong đó đội ngũ nhà giáo giữ vai trò then chốt.
Nâng chất lượng giáo dục trẻ
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, giáo viên luôn được ngành giáo dục tỉnh chú trọng tổ chức định kỳ. Theo đó, trong giai đoạn 2018–2025, toàn tỉnh đã tổ chức 24 lớp bồi dưỡng cấp tỉnh với 3.837 lượt người tham gia. Tính riêng trong năm 2024, thực hiện theo Quyết định số 1918 ngày 2/12/2022 của UBND tỉnh, phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023–2025, định hướng đến năm 2030, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai 105 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 5.067 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Cùng với đó, các phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện tổ chức được 202 lớp với 20.266 lượt người tham dự, cấp trường tổ chức hơn 4.000 lớp dưới nhiều hình thức như sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, sơ kết chuyên đề… Các lớp tập huấn tập trung vào nội dung như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới phương pháp giáo dục, phát triển chương trình nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Nhờ đó, hiện toàn tỉnh có 4.460 giáo viên mầm non, trong đó 96,8% đạt trình độ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; 100% giáo viên, cán bộ quản lý hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức khá trở lên chiếm trên 98%, nhiều giáo viên có khả năng tổ chức hoạt động linh hoạt, sáng tạo, dạy học tích hợp, ứng dụng STEM, giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy. Đến nay, tại các trường mầm non, giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học với bình quân đạt 2,04 giáo viên/lớp.
Cô giáo Hoàng Thị Huế, Tổ trưởng chuyên môn lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Bằng Mạc chia sẻ: Việc được tham gia tập huấn chuyên môn thường xuyên giúp giáo viên nắm vững phương pháp mới, đặc biệt là chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm. Cùng với đó, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, không gian lớp học và sân chơi rộng rãi, giúp chúng tôi có thêm điều kiện để tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm ngoài trời, giúp trẻ hứng thú, mạnh dạn và phát triển toàn diện hơn.
Qua thực hiện đề án, mạng lưới trường, lớp mầm non trên địa bàn tỉnh được mở rộng, sắp xếp hợp lý. Đến nay, toàn tỉnh có 231 trường mầm non với 2.181 nhóm, lớp, cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Trong đó, riêng lớp mẫu giáo 5 tuổi có 729 lớp, bảo đảm duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại 100% xã, phường. Đồng thời, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng dần qua từng năm. Trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 50,2%, tăng 6,7% so với năm 2018; trẻ mẫu giáo đạt 98,9%. Đặc biệt, trẻ 5 tuổi duy trì tỷ lệ ra lớp đạt 99,9%, góp phần đảm bảo công tác phổ cập giáo dục.
Cùng với đảm bảo việc huy động trẻ ra lớp, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ ngày càng được quan tâm. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đều tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trẻ được học chương trình giáo dục mầm non theo quy định, được đánh giá sự phát triển hằng năm; trên 98% trẻ đạt yêu cầu phát triển theo độ tuổi. Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe tiếp tục được chú trọng, hiện 99,8% trẻ đều được ăn bán trú tại trường, 100% trẻ được khám sức khỏe định kỳ, theo dõi qua biểu đồ tăng trưởng. Nhờ đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống 2%, thể thấp còi còn 2,3%, đều giảm so với đầu giai đoạn.
Từ những kết quả đạt được, có thể thấy Đề án Phát triển giáo dục mầm non đã tạo “cú hích” mạnh mẽ, từng bước đảm bảo cơ sở vật chất trường, lớp học; thúc đẩy đổi mới toàn diện từ đội ngũ, chương trình đến môi trường giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoi-sac-tu-de-an-phat-trien-giao-duc-mam-non-5051593.html