Để máu và hoa đều được nhớ mãi

Tròn nửa thế kỷ trước, Hà Nội oằn mình gánh chịu hàng chục nghìn tấn bom, hàng trăm quả tên lửa trong suốt 12 ngày đêm cuối cùng của tháng 12 năm 1972. Tròn nửa thế kỷ sau, khán phòng Nhạc viện thánh thót dòng thác thanh âm tuyệt diệu của Hanoi The Transcendence. Trọn bộ 12 Transcendental Studies S.139 của nhà soạn nhạc thiên tài Franz Liszt gợi liên tưởng 12 cung bậc cảm xúc mà Hà Nội đã trải qua, trong 12 ngày đêm đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ trên không. Và người Hà Nội hôm nay, trong đêm 9/12/2022 đã được sống lại dòng ký ức đau thương nhưng rất đỗi hào hùng ấy, qua ngón đàn giàu xúc cảm của nghệ sĩ dương cầm tài năng Lưu Hồng Quang.

Trời Hà Nội đỏ máu...

Tròn nửa thế kỷ trước, những địa danh rất đỗi thân thuộc với mỗi cư dân Hà Nội như Khâm Thiên, Gia Lâm hay Yên Viên, những Bệnh viện Bạch Mai hay khu tập thể An Dương... gần như bị xóa sổ. Những phố xá, ngõ ngách đông đúc người xe gần như bị san phẳng. Những mái ngói lô xô nhuốm màu thời gian trầm mặc, những tàng cây xanh mướt thanh bình bỗng chốc biến thành lổn nhổn hố bom, nát vụn gạch đá. Máu rơi, người chết, phố phường tan hoang, nhà cửa đổ sập, Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời. Hà Nội hồng, ầm ầm rung... rồi Trời Hà Nội đỏ máu trong những ca từ đau đớn khắc khoải của nhạc phẩm Người Hà Nội, tác giả Nguyễn Đình Thi. Trắng xóa những vành tang trắng, uất nghẹn những tiếng khóc không thành lời, hàng trăm con người năm sinh tháng đẻ khác nhau đột nhiên có chung ngày giỗ, sau gần 450 lần máy bay B-52 và hơn 1.000 lần máy bay cường kích quần đảo, trút bom rơi, đạn lửa xuống mảnh đất ôm chứa trong mình cả nghìn năm văn hiến.

Suốt 12 ngày đêm mất mát, hy sinh chất chồng ấy, Hà Nội không ngủ. Người Hà Nội vừa nén đau thương, lau nước mắt vừa kiên cường chống trả, ngoan cường chiến đấu. Ném bom rải thảm vào chính Thủ đô, Mỹ đặt mục tiêu “làm tê liệt đời sống thường ngày của Hà Nội”. Nhưng Hà Nội vẫn trường tồn, vẫn hiên ngang đi qua bom rơi đạn lửa để chiến thắng. “Bắc Việt” không những không “trở về thời kỳ đồ đá”, như tham vọng mà Tổng thống Mỹ mạnh miệng tuyên bố. “Bắc Việt” còn biến những biểu tượng tưởng như bất khả xâm phạm của không lực Hoa Kỳ - những “pháo đài bay”, “Thần Sấm”, “Con ma” thành những bó đuốc cháy rực thắp sáng bầu trời Thủ đô yêu dấu.

Là một chàng trai thế hệ 9X, sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, học tập và làm việc tại nước ngoài nhưng Hà Nội - nơi Lưu Hồng Quang sinh ra, lớn lên và lần đầu làm quen với dãy phím dương cầm đen trắng đầy biến ảo đã để lại cho anh những tình cảm yêu thương sâu đậm. Mặc dù đã gắn bó nhiều năm với nước Australia - nơi anh đang đảm nhiệm công việc giảng dạy, Quang vẫn thường xuyên trở về mỗi khi có dịp, để mang tiếng đàn đến với công chúng yêu nhạc cổ điển đất Thăng Long.

Trên chuyến bay về nước ngay trước thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Quang tình cờ được thưởng thức bộ phim truyện Hà Nội 12 ngày đêm của đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc. Và để lại trong anh “nhiều rung động cùng những ấn tượng khó phai”. Rồi một đêm đắm chìm trong chán nản, thất vọng sau quãng thời gian phong tỏa vì đại dịch, xúc cảm mãnh liệt mà phần trình tấu trọn bộ 12 etudes mà danh cầm người Nga Daniil Trifonov mang lại đã đánh thức ngọn lửa tình yêu Hà Nội trong Quang, để ý tưởng về một đêm diễn kết nối hai mạch cảm xúc mạnh mẽ đã chính thức thành hình.

“Hà Nội niềm tin và hy vọng”

Nửa thế kỷ là một dấu mốc đáng nhớ, để nhiều thế hệ có dịp tưởng nhớ, có dịp lội ngược dòng quá khứ để trở về. Để biết, để hiểu và để cảm đến tận cùng những trang sử vàng giữ nước của tiền nhân. Để lắng lại với nỗi đau mất mát, hy sinh mà cư dân Hà thành đã gánh chịu trong 12 ngày đêm đạn lửa xé toạc bầu trời. Và để cân đo được cái giá phải trả để có được hòa bình mà chúng ta đang có hôm nay luôn rất đắt. Đó cũng là bức thông điệp mà người nghệ sĩ trẻ muốn chuyển tải tới khán giả Thủ đô, khi quyết định về nước vào dịp cuối năm vô cùng bận rộn và dành tặng món quà tri ân thành phố quê hương đúng dịp kỷ niệm lịch sử này.

Với 12 chủ đề lần lượt: Khúc mở đầu - Tên lửa - Chói sáng - Khung cảnh êm đềm - Mazeppa - Đốm lửa ma trơi - Tầm nhìn - Anh hùng ca - Cuộc đi săn hoang dã - Hoài niệm - Nhiệt huyết - Những hòa âm buổi tối - Bão tuyết, trọn bộ Transcendental Studies S.139 không hẹn mà nên vừa khít với những trạng thái cảm xúc mà Lưu Hồng Quang nhận được, từ những trang sử Điện Biên Phủ trên không bi tráng hào hùng của cha ông nửa thế kỷ trước. Từ mơ màng tới sục sôi, từ ầm ầm bão tố tới lắng đọng dịu dàng, từ khổ đau bi kịch tới hào hùng chiến thắng, từ hoài niệm quá khứ đến kiên cường vượt lên nghịch cảnh... Đó cũng là lý do anh chọn nhạc mục này, cho đêm diễn gửi gắm kỳ vọng tạo điểm nhấn khó quên trong cuộc đời nghệ sĩ của chính mình.

Không chọn thánh đường Nhà hát Lớn, anh quyết định Phòng hòa nhạc lớn của Nhạc viện Hà Nội là nơi nâng bước 12 etudes của thiên tài âm nhạc Hungary. Bởi cách đó không xa, con phố Khâm Thiên đã hồi sinh trọn vẹn, với nhịp đời hối hả sinh sôi vẫn sừng sững một đài tưởng niệm, với tấm bia Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ kế bên bức tượng đồng ghi tạc một phụ nữ bế trên tay xác đứa con chết tức tưởi vì bom.

“Trình diễn các tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại Franz Liszt luôn là niềm vinh hạnh lớn lao đối với mỗi pianist. Các tác phẩm của ông không những chứa đựng những thách thức về kỹ thuật trình diễn mà còn là sự biến hóa đa dạng về sắc thái trong những giai điệu âm thanh. Trong âm nhạc của Liszt, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng trùng trùng, lớp lớp những thử thách kỹ thuật đỉnh cao và điêu luyện khi đôi bàn tay của nghệ sĩ lướt chạy trên những quãng ba, quãng sáu hay quãng tám ở tốc độ nhanh như vũ bão, những quãng hẹp đầy lắt léo được uyển chuyển dẫn dắt cùng những giai điệu đảo phách điêu luyện đầy dứt khoát đưa khán giả đến những cung bậc cảm xúc thăng hoa, vỡ òa giữa không gian tràn ngập những âm thanh huyền ảo. Âm nhạc của Liszt như ngọn lửa say mê thắp lên niềm tin bất diệt vào chiến thắng của cái đẹp và lẽ phải, của Hà Nội niềm tin và hy vọng” - Quang chia sẻ trước ngày biểu diễn.

Trong suốt thời lượng 90 phút, đôi bàn tay Quang biến ảo cùng những kỹ thuật cực khó trên dãy phím đen trắng như “nhập đồng”. Ngón đàn ngày một thăng hoa, cảm xúc ngày càng sâu lắng. “Lần đầu tiên, Quang trình diễn trọn bộ tác phẩm kinh điển, tiêu biểu cho phong cách bùng nổ của Franz Liszt này. Đó cũng là lời tri ân Quang muốn dành để gửi gắm đến thế hệ cha anh - những người đã anh dũng chiến đấu vì độc lập dân tộc, với mong ước sẽ được cùng khán giả thắp lên ngọn lửa bất diệt của Liszt, với lòng tự hào dân tộc và niềm tin son sắt vào một tương lai tươi sáng”.

Để không ai được phép lãng quên. Để một Hà Nội của cả máu và hoa đều được nhớ mãi! - Quang mong thế.

Nguồn ảnh: MAESTOSO

Nguồn ảnh: MAESTOSO

Lưu Hồng Quang chào đời đúng ngày giải phóng Thủ đô 10-10 tại Hà Nội. Anh là một tài năng piano trẻ xuất sắc của Việt Nam và Australia, được giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá cao về kỹ thuật biểu diễn điêu luyện và phong cách trình diễn ấn tượng, giàu cảm xúc. Từng theo học tại nhiều cái nôi đào tạo âm nhạc nổi tiếng (như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Quốc tế Australia và Đại học Montreal, Canada), nghệ sĩ dương cầm 32 tuổi này đã biểu diễn cùng những dàn nhạc lớn của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, đã vinh dự dành nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi piano quốc tế và những giải thưởng cao quý của Việt Nam. Hiện tại, anh đang là giảng viên bậc đại học và cao học, chuyên ngành Độc tấu và Hòa nhạc Thính phòng, Học viện Âm nhạc và Biểu diễn Nghệ Thuật (AMPA) Sydney, Australia.

HỒ CÚC PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-mau-va-hoa-deu-duoc-nho-mai-post730968.html