Đề minh họa môn Hóa học: Nhớ càng nhiều càng tiết kiệm thời gian làm bài

Theo các thầy cô giáo tổ Hóa học Trường THCS và THPT M.V Lômônôxốp, cấu trúc đề thi minh họa môn Hóa học kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tương đối hợp lí (bao quát được các nội dung từ cơ bản đến khó).

Câu hỏi lí thuyết của đề thi bám sát chương trình. Tuy nhiên để làm được chính xác và nhanh, học sinh cần học kĩ sách giáo khoa của toàn bộ chương trình, bám sát nội dung sách giáo khoa lớp 11, 12.

Bài tập có tính sáng tạo. Ví dụ: Vận dụng bài tập dạng đồ thị vào bài toán hóa học để học sinh dễ làm bài (sử dụng kiến thức của Toán học và Hóa học).

Để làm được những bài tập này, học sinh cần học kĩ từ cơ bản đến phức tạp. Không học tủ, học lệch. Giáo viên cần có hệ thống bài tập tương ứng với các mức độ kiến thức phù hợp, rà soát các dạng bài phong phú, đa dạng.

Đề thi có tính phân hóa cao. Để đạt được điểm tối đa đòi hỏi sức học của học sinh phải chắc chắn, có kiến thức sâu, làm nhiều dạng bài tập, biết phân bố thời gian, có kĩ năng làm bài trắc nghiệm hóa học.

So với đề thi THPT quốc gia năm 2017, đề thi minh họa năm nay có số lượng câu khó nhiều hơn.

Để làm tốt bài thi môn Hóa học kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, học sinh cần phải học kỹ kiến thức trong sách giáo khoa của cả 3 năm học lớp 10, lớp 11, lớp 12, không học tủ, học lệch. Cần làm càng nhiều dạng bài càng tốt, nhớ nhiều. Môn Hóa học nhớ được càng nhiều càng có lợi trong việc tiết kiệm thời gian khi làm bài thi. Các câu lí thuyết làm nhanh để dành thời gian cho những câu khó hơn (làm nhanh nhưng cần chính xác). Cần ôn tập kĩ kiến thức, đặc biệt là lớp 11, lớp 12 - Các thầy cô giáo tổ Hóa học Trường THCS và THPT M.V Lômônôxốp.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/de-minh-hoa-mon-hoa-hoc-nho-cang-nhieu-cang-tiet-kiem-thoi-gian-lam-bai-3915029-v.html